| Hotline: 0983.970.780

Quắt quay chống hạn

Thứ Ba 24/03/2020 , 08:27 (GMT+7)

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) như ngồi trên đống lửa vì vườn cây ăn trái thiếu nước tưới.

Nông dân gặp khó khi vừa chống hạn cho cây trồng, vừa chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Vương.

Nông dân gặp khó khi vừa chống hạn cho cây trồng, vừa chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Vương.

Giữa trưa nắng như đổ lửa, ông Đặng Đình Quyền (tổ 3, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang) vẫn cặm cụi ngoài vườn nhãn vặn chỉnh lại những đầu van, vòi nước tưới tiết kiệm.

Trong vườn đã có một số cây có biểu hiện vàng lá héo rũ vì thiếu nước. Những ngày qua chủ vườn phải cắt tỉa bớt cành lá để cây trồng hạn chế mất nước.

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn nhãn 8.000 m2 (khoảng 250 gốc) của gia đình, ông Quyền tâm sự: “Chưa có năm nào chúng tôi lo lắng về nguồn nước tưới như mùa khô năm nay. Có khi cả tuần mới có nước vì phải chờ lịch điều tiết của xã. Đang cao điểm lo chống khô hạn, giờ toàn dân còn phải tập trung lo phòng chống dịch Covid-19. Hơn nữa, cả tháng nay, 5 đứa cháu nội, ngoại của tôi từ thành phố về quê…né dịch khiến cả nhà đều mệt”.

Các nhà vườn chống khô hạn cho cây. Ảnh: Minh Vương.

Các nhà vườn chống khô hạn cho cây. Ảnh: Minh Vương.

Theo ông Quyền, đáng nhẽ thời điểm này phải có nước tưới đầy đủ để kích thích cho cây ra hoa kết trái, nhưng với tình trạng nguồn nước cấp nhỏ giọt thì chỉ mong vườn cây cầm cự qua mùa khô là thành công rồi.

Tương tự, ông Hồ Đình Lâm (xã Bông Trang) những ngày qua cũng phải đắp rơm quanh trụ thanh long để giữ ẩm, giúp cây cầm cự trong những ngày nắng nóng, vì cả tuần nay chưa được tưới.

Ông Lâm lo lắng: “Nửa tháng qua, nguồn nước dẫn về kênh rất ít, không đủ cung cấp để người dân chúng tôi tưới cho vườn. Khoảng tuần nữa không có nước tưới thì vườn có nguy cơ rụng trái, giảm năng suất, thất thu. Hơn nữa, từ khi dịch Covid xuất hiện, đầu ra trái thanh long bị bế tắc khiến gia đình càng lo lắng!”.

Gia đình ông Lâm có 200 trụ thanh long đang cho trái, hiện bắt đầu vào thời điểm quan trọng quyết định năng suất, chất lượng. Bình thường ở giai đoạn này, mỗi ngày phải tưới 2 lần để đủ nước, dưỡng chất cho trái phát triển to đẹp. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 đến nay, có khi cả tuần vườn mới được tưới 1 lần.

Các tuyến kênh nội đồng đều khô cạn. Ảnh: Minh Vương.

Các tuyến kênh nội đồng đều khô cạn. Ảnh: Minh Vương.

Nhiều nông dân còn cho biết, năm nay vừa phải lo chống khô hạn cho cây trồng, vừa phải lo chống dịch Covid – 19. Dịch bệnh dễ lây lan khiến bà con càng lo lắng hơn, chẳng ai dám đi đâu, suốt ngày chỉ quanh quẩn từ nhà ra vườn.

Thói quen hàng ngày bà con thường rủ nhau ngồi uống cà phê, trà nước để chia sẻ về dịch bệnh cây trồng và kinh nghiệm chăm bón vườn cây. Ấy vậy mà từ khi xuất hiện dịch Covid-19, bà con hàng xóm cũng bỏ luôn thói quen này, ai cũng ngại sang nhà nhau và sợ ra đường gặp người lạ!      

Anh Nguyễn Văn Đức, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Bông Trang dẫn chúng tôi đi xem nhiều tuyến kênh nội đồng trong xã đều khô sạch nước, rồi chia sẻ: Xã hiện có hơn 200 ha thanh long và nhãn đang thời kỳ cho thu hoạch. Trên địa bàn xã có 13 tuyến kênh chính do tỉnh quản lý và 4 tuyến kênh phụ do xã quản lý.

Cây trồng khát bắt đầu có biểu hiện bị héo rũ. Ảnh: Minh Vương.

Cây trồng khát bắt đầu có biểu hiện bị héo rũ. Ảnh: Minh Vương.

Tuy nhiên, việc điều tiết nước tưới đang gặp khó khăn khi nguồn nước dẫn từ hồ Sông Hỏa về rất hạn chế.

Khi đến lịch điều tiết nước, chỉ những hộ dân đầu nguồn có thể lấy sớm được, còn cuối nguồn thì bà con phải chờ rất lâu nước mới về tới. Do vậy, cây “khát nước”, còn nông dân sợ dịch bệnh Covid khiến tình hình khô hạn càng thêm nóng và căng thẳng hơn bao giờ hết. 

Qua tìm hiểu thực tế, do ở địa phương không có nguồn nước ngầm nên người dân không khoan hay đào được giếng.

Mọi hoạt động sinh hoạt, canh tác của người dân nơi đây đều phải dựa vào nguồn nước dẫn về từ hồ Sông Hỏa.

Tuy nhiên, năm nay mới đầu tháng 3, hồ Sông Hỏa đã có dấu hiệu cạn nước, lượng nước đổ về các kênh dẫn rất ít, hiện chỉ còn đủ cấp nước sinh hoạt.

Những dòng sông phơi đáy từ nhiều ngày qua. Ảnh: Minh Vương.

Những dòng sông phơi đáy từ nhiều ngày qua. Ảnh: Minh Vương.

Ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết: Năm nay do lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, trữ lượng nước hồ Sông Hỏa chỉ có khoảng 1,9 triệu/m3. Bên cạnh đó, hồ Sông Hỏa còn phải cung cấp nước tưới cho nhiều diện tích sản xuất ngoài kế hoạch do các hộ dân không đăng ký.

Theo ông Hùng, huyện cũng đã có văn bản kiến nghị Chi cục Thủy lợi, Sở NN-PTNT bố trí nhiều máy bơm để bơm nước tưới cho các hộ nông dân, tránh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Đồng thời, khuyến cáo bà con cần sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, có kế hoạch tưới phù hợp. Hơn nữa, tuyệt đối không sản xuất trái vụ (nhãn và thanh long) ở các vùng cao để hạn chế tình trạng thiếu nước cục bộ xảy ra.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đang bước vào cao điểm đợt khô hạn.

Các dòng sông cung cấp nước cho tỉnh chủ yếu là những sông nội tỉnh, ngắn và có lưu vực nhỏ, nên những năm gần đây tại các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc... luôn xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho hoa màu, thậm chí có địa bàn còn thiếu nước sinh hoạt.

Do vậy, UBND tỉnh đang cho triển khai việc đưa nước từ Sông Ray về phục vụ tại một số vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất