| Hotline: 0983.970.780

Dốc tiền mua máy lọc nước cứu cây ăn trái

Thứ Ba 10/03/2020 , 13:15 (GMT+7)

Các tỉnh vùng ĐBSCL bắt đầu bước vào đợt xâm nhập mặn tăng cao nhất từ đầu mùa khô đến nay.

Nhà vườn tỉnh Tiền Giang đang lo lắng cho vườn cây trái bị hạn, mặn xâm nhập. Ảnh: MV.

Nhà vườn tỉnh Tiền Giang đang lo lắng cho vườn cây trái bị hạn, mặn xâm nhập. Ảnh: MV.

Nguy cơ cây khô thành củi

“Thủ phủ” sầu riêng huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang) đang phải chống chọi với đợt hạn, mặn khốc liệt nhất từ trước đến nay. Nước mặn tấn công và khô hạn kéo dài khiến nhiều vườn sầu riêng tại 2 xã Ngũ Hiệp, Tam Bình trụi lá và chết dần.    

Ông Ngô Văn Mười, ấp Bình Ninh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy trồng 0,7 ha sầu riêng được 14 năm tuổi, nhiều gốc nguy cơ đang thành củi do hạn mặn.

Ông chia sẻ: “Từ trước đến giờ, chúng tôi chưa từng chứng kiến đợt hạn, mặn như thế này. Năm 2016, nước mặn có xâm nhập nhưng xuống rất nhanh. Vậy mà đợt này độ mặn quá cao và kéo dài hơn 1 tháng qua, gia đình tôi không có nước ngọt để tưới. Nhìn vườn sầu riêng chết dần, chết mòn mà xót quá!”.

Cao điểm mùa khô hạn, xâm nhập mặn khiến nhà vườn lo lắng. Ảnh: MV.

Cao điểm mùa khô hạn, xâm nhập mặn khiến nhà vườn lo lắng. Ảnh: MV.

Trên địa bàn huyện Cái Bè, tình trạng hạn, mặn cũng khốc liệt tương tự. Ông Đặng Văn Bảy, ấp Hòa Hảo, xã Hòa Khánh trồng 0,4 ha sầu riêng 7 năm tuổi, từ đầu mua khô đến nay gia đình ông mới vừa tưới “giải khát” được vài ngày. Hiện trong vườn có đến 70% cây sầu riêng bị nhiễm mặn, rụng lá, chết nhánh.

Ông Bảy than vãn: “Để tạo dựng được vườn sầu riêng, gia đình tôi phải tốn biết bao tiền của và công sức, nhưng mới thu hoạch được vài năm, tiền vốn lấy lại chưa được bao nhiêu thì vườn cây đã chết thế này”.

Theo ông Bảy, để khắc phục vườn cây, gia đình ông phải bỏ ít nhất 5 - 6 năm nữa mới cho thu hoạch, vì khi mặn đã nhiễm vào đất, thời gian cải tạo vườn rất lâu.

Phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy xác nhận, trên địa bàn huyện có khoảng 20.000 ha cây ăn trái, nhưng 40% diện tích bị ảnh hưởng bởi đợt hạn, mặn lịch sử này.

Trong đó, các xã Đông Hòa Hiệp, Hòa Khánh, An Cư và thị trấn Cái Bè bị ảnh hưởng nặng nhất. Mặc dù huyện chưa có thống kê thiệt hại, nhưng qua khảo sát, cây có dấu hiệu chết khá nhiều do không có nước ngọt tưới. Nếu tưới nước có độ mặn cao càng làm cho cây chết nhanh hơn.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết: “Mặc dù những ngày qua trên thượng nguồn sông Mekong có nước ngọt xả về nhưng chẳng thấm vào đâu, các cửa sông độ mặn đo được vẫn còn rất cao.  

Đầu tư máy lọc nước cứu vườn  

Thực tế, ở vùng ĐBSCL không thiếu nước nhưng do nhiều nơi bị nhiễm mặn ở mức trên dưới 1 phần ngàn nên bà con không thể bơm nước trực tiếp vào vườn.

Những ngày qua có nhiều giải pháp được đưa ra, như thuê sà lan, xe ba gác vận chuyển nước từ nơi xa về tưới tiết kiệm, ủ gốc để giảm bốc hơi nước... Nhà vườn cũng mạnh dạn đầu tư máy lọc nước để có nguồn nước sinh hoạt và tưới cho cây ăn trái.

Chị Võ Thị Diệu, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy có hơn 20 gốc sầu riêng nên đã bấm bụng mua hơn 2 khối nước ngọt với giá 300 ngàn đồng/m3 về tưới, bởi từ trước đến nay do ảnh hưởng hạn mặn cả khu vườn chưa được tưới một giọt nào.

“Mùa khô này nước ngọt sinh hoạt cho cả gia đình còn ráng dùng tằn tiện nhưng tôi vẫn phải mua nước để cứu vườn cây, nhưng xem ra chẳng ăn thua vì vừa tưới xong mặt vườn đã khô ran”.

Theo chị Diệu, dù thường xuyên múc nước dưới mương lên đo nhưng độ mặn vẫn luôn là 0,5 phần nghìn khiến bà không dám tưới.

Vườn cây ăn trái lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, giải pháp tốt trong mùa khô hạn. Ảnh: MV.

Vườn cây ăn trái lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, giải pháp tốt trong mùa khô hạn. Ảnh: MV.

Ghi nhận thực tế ở những khu vườn khác gần đó, những câu sầu riêng gần chục năm tuổi đang chết dần nếu những ngày tới không có nước ngọt tưới.

Ông Trần Hữu Tài tâm sự: “Thực sự nếu không có  nước ngọt thì chỉ vài tuần nữa vườn cây sẽ chết hết, không có cách nào cứu vãn. Nếu vườn cây bệnh thì còn còn thuốc chữa, chứ không có nước ngọt thì cây cũng như người chết khát”.

Để bảo vệ vườn sầu riêng gần 1 ha của gia đình mình, ông Tài lên mạng tìm hiểu và quyết định bỏ tiền lắp đặt máy lọc nước mặn thành nước ngọt ngay trong vườn để có nước sinh hoạt và tưới cho vườn. Trung bình với hệ thống máy này có thể mỗi giờ sẽ lọc được từ 800 - 1.000 lít nước ngọt và theo tính toán, để tưới cho 1 ha bà con phải bỏ ra hơn 80 triệu đồng/tháng.

Nhiều nhà vườn đầu tư hệ thống máy lọc nước phục vụ sinh hoạt và tưới cây. Ảnh: MV.

Nhiều nhà vườn đầu tư hệ thống máy lọc nước phục vụ sinh hoạt và tưới cây. Ảnh: MV.

Tuy nhiên, không phải hộ dân nào trong vùng cũng có điều kiện kinh tế, đủ khả năng như gia đình ông Tài để đầu tư lắp đặt hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và nước tưới cây.

Thực tế, ngoài việc mua nước ngọt về dự trữ tưới cây, nhiều người dân tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đang mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ vườn cây an toàn trước diễn biến hạn, mặn…

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.