| Hotline: 0983.970.780

Cây ăn trái trước nguy cơ thiệt hại nặng do khô hạn

Thứ Năm 27/02/2020 , 17:49 (GMT+7)

Ngày 27/2, tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tọa đàm “Ứng phó hạn, mặn trên cây ăn quả tại ĐBSCL".

Nhiều vườn cây bắt đầu rụng lá do thiếu nước. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều vườn cây bắt đầu rụng lá do thiếu nước. Ảnh: Minh Đảm.

Theo nhận định của các nhà khoa học, bước đầu hạn mặn đã gây một số thiệt hại đối với cây ăn trái. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo ứng phó quyết liệt từ cơ quan chức năng cùng với sự chuẩn bị của bà con nông dân thì ảnh hưởng nhẹ hơn năm 2016 rất nhiều. Dẫu vậy, hạn mặn hiện vẫn đang đe doạ đến các vườn cây ăn trái.

Tại Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 79.000 ha cây ăn trái. Một số loại cây có diện tích lớn như: Khóm (14.805 ha), sầu riêng (13.090 ha), thanh long (9.140 ha), mít (9.290 ha), bưởi (4.900 ha), xoài (4.000 ha). Đến nay, sản lượng thu hoạch ước trên 283.200 tấn.

Vùng cây ăn trái tại phía nam Quốc lộ 1A đang phải đối mặt với hạn, mặn. Diện tích cây ăn trái mẫn cảm với hạn, mặn như: sầu riêng, cây có múi, thanh long,.. cần được bảo vệ ước trên 24.700 ha.

Theo khảo sát của Viện Cây ăn quả Miền Nam, tại 5 tỉnh trồng cây ăn quả mặn chưa có ảnh hưởng do ngăn mặn lâu dẫn đến thiếu nước nên cây bắt đầu rụng trái, lá hàng loạt. Nguyên nhân do bệnh thán thư và thiếu nước.

Chị Trần Thị Út có 7 công sầu riêng đang bị khô hạn thiếu nước chết 50%. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Trần Thị Út có 7 công sầu riêng đang bị khô hạn thiếu nước chết 50%. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Trần Thị Út, có 7 công sầu riêng đang phải đối mặt với thiên tai khốc liệt. Chị Út cho biết, sau khi cây thu hoạch xong thì nước mặn xâm nhập. Hiện nguồn nước trong mương vườn đã nhiễm mặn. Nhiều ngày nay, cây không có nước tưới bị khô héo, chết đến quá nửa.

“Cây mới thu hoạch xong nên rất mất sức, bị rụng lá. Tôi tính kêu người ta bơm nước nhưng vườn xa quá, đường ống không tới. Các ghe chỉ bơm mấy vườn ở gần. Cây đợi lâu quá, sắp chết hết rồi”, chị Út nghẹn ngào.

Người dân thuê sà lan chở nước ngọt với giá từ 60.000-70.000 đồng/m3 về cứu vườn sầu riêng đang bị khô hạn tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân thuê sà lan chở nước ngọt với giá từ 60.000-70.000 đồng/m3 về cứu vườn sầu riêng đang bị khô hạn tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Để hạn chế thiệt hại hơn nữa, hiện nay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đầu tiên là tổ chức tuyên truyền cho bà con tác hại và cách ứng phó của xâm nhập mặn. Để ứng phó với thiên tai này, bà con phải xử lý trước vụ. Thứ nhất là tích trữ nước ngọt. Dự trữ rơm rạ, cỏ ủ vào gốc để giữ ẩm. Hạn chế, không để nước mặn xâm nhập vào vườn.

“Có thể cây bị khô một chút nhưng khi mưa xuống hoặc có nước thì chúng ta vẫn phục hồi được. Còn nếu xâm nhập mặn thì cây có thể bị chết đối với các nhóm cây không chịu được mặn”, ông Tiêu cho biết.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng khuyến cáo bà con thực hiện các giải pháp kỹ thuật như trồng các loại cây có thể chịu ngưỡng độ mặn nhất định. Đồng thời tìm hiểu ngưỡng chịu mặn của các giống cây để có giải pháp ứng phó. Bởi tình hình xâm nhập mặn được xác định là lâu dài, ngày càng khốc liệt nên vừa phải ứng phó vừa phải thích nghi. Hiện chưa có gốc ghép chống chịu mặn trên cây sầu riêng, chôm chôm... Tuy nhiên trên cây có múi đã có gốc ghép chống chịu mặn như: bồng, sảnh, bưởi bung, bưởi đường hồng chịu được mặn từ 6-8‰ khoảng hai tháng nếu mặn có xảy ra.  

Tại buổi tọa đàm nông dân được nghe các nhà khoa học khuyến cáo các giải pháp ứng phó hạn mặn trên cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm.

Tại buổi tọa đàm nông dân được nghe các nhà khoa học khuyến cáo các giải pháp ứng phó hạn mặn trên cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm.

Trước đó, theo dự báo của Bộ NN-PTNT ĐBSCL sẽ có khoảng 89.000 ha trong diện tích 370.000 ha toàn vùng sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng của đợt hạn mặn năm nay.

“Chúng tôi cũng sẽ tổ chức những mô hình để tuyên truyền ứng phó với hạn mặn hiệu quả. Áp dụng phương pháp nông dân nói cho nông dân nghe. Đồng thời, đưa bà con tham quan các mô hình hiệu quả này. Với phương châm một người làm hiệu quả thì một ngàn người biết và một trăm người làm theo”, ông Tiêu chia sẻ.

Hạn mặn tại ĐBSCL rất khắc nghiệt. Nước nhiễm mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là những vùng cây ăn trái. Ngoài giải pháp trữ nước trong mương thì bà con đã nghĩ ra giải pháp thuê tàu chở nước ngọt từ thượng nguồn về dự trữ trong mương vườn. Cơ quan chức năng khuyến cáo, nông dân nên trữ nguồn nước này trong các bạt lót, túi ni lông không nên bơm trực tiếp vào vườn vì hiện nay, nguồn nước bên ngoài đã kiệt, nhiễm mặn không hiệu quả.

TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo: Để tiết kiệm nước trong thời điểm này, bà con nên hạn chế tối đa bón phân hoá học. Không nên chủ quan thấy có nước là bón phân hoá học. Bón phân sẽ làm cây ra tược non, lá non, ra bông ra trái thì cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, bà con nên tưới một lượng nước vừa phải để cây có thể chống chịu được hạn, qua giai đoạn này. Sau đó, khi có nguồn nước đầy đủ thì cho cây phát triển trở lại.

Các diễn giả khuyến cáo các giải pháp ứng phó hạn mặn trên ăn trái tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Các diễn giả khuyến cáo các giải pháp ứng phó hạn mặn trên ăn trái tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Về chiến lược lâu dài, TS Võ Hữu Thoại cho rằng cần phải dự trữ nguồn nước ở quy mô cấp quốc gia tại các khu vực như: Vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên. Mỗi hộ gia đình, trước khi mặn đến thì phải dự trữ nước trong mương, thiết bị trữ nước.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.