| Hotline: 0983.970.780

Quay cuồng các kiểu với vacxin

Chủ Nhật 06/06/2021 , 15:39 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vacxin toàn cầu, tạo ra một bức tranh hỗn tạp giữa nhu cầu - dự trữ, giàu - nghèo, chết chìm - cơ hội.

 

Đỏ mắt tìm vacxin

Trong một báo cáo gần đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hơn 700 triệu liều vacxin đã được cung ứng trên toàn thế giới. Nhưng ông tiến sĩ cũng than thở, trong số đó có tới trên 87% được các nước giàu và khá trở lên gom hết, các nước thu nhập thấp chỉ gom được chưa đầy 0,2%.

Nguyên liệu thô được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất vacxin, từ lên men, khử trùng cho đến thành phần thuốc. Nhiều loại vacxin có thể cần tới 160 loại nguyên liệu thô khác nhau, đơn cử như vacxin của AstraZeneca cần các hoạt chất như L-Histidine, Polysorbate 80, Ethanol, L-Histidine hydrochloride monohydrate, Magnesium chloride hexahydrate, Sucrose, Sodium chloride, Disodium edetate dehydrate, nước cất...

WHO và các đối tác gồm Gavi - Liên minh Vacxin, Liên minh Các sáng kiến phòng dịch đang nghiên cứu thêm các phương án nhằm đẩy nhanh khâu sản xuất và cung ứng. Đã có nhiều cách thức phòng dịch được áp dụng, từ rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đến giãn cách hay phong tỏa xã hội, nhưng vacxin vẫn là cách duy nhất an toàn ổn định trước virus, theo Giám đốc điều hành Gavi Seth Berkley.

Berkley nhận định, nguồn cung vacxin ở thời điểm này đang vô cùng khó khăn, không chỉ do các nước sản xuất chủ lực như Ấn Độ cắt giảm xuất khẩu để đối phó với thảm họa trong nước, mà còn do các lý do quan trọng hơn là nhu cầu tăng mạnh lẫn việc mở rộng sản xuất vấp hạn chế do thiếu hụt nguồn nguyên liệu nền để làm ra vacxin.

Gavi đang dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để tìm kiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất vacxin bền vững từ năm 2022. Mục tiêu trước mắt của tổ chức này là huy động được 2 tỷ USD lo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chương trình hỗ trợ vacxin công bằng COVAX.

Theo hướng này, COVAX cần sự chung tay từ mọi cá nhân, tổ chức lẫn quốc gia thành viên. 3 nhà sản xuất vacxin Covid-19 lớn nhất thế giới hiện nay là Pfizer và BioNTech cam kết hỗ trợ COVAX 40 triệu liều trong năm 2021 và AstraZeneca hứa hẹn ít nhất 170 triệu liều. Chính phủ Thụy Điển - quốc gia đang chiếm vị trí số 1 về ủng hộ chương trình vacxin phi lợi nhuận toàn cầu tuyên bố đóng góp 2,25 krona, tương đương khoảng 270 triệu USD, bổ sung cho gói 200 triệu krona đã công bố trước đó. Thông qua COVAX, số tiền này sẽ được giải ngân trong 10 năm tới. Thụy Điển cũng cam kết đóng góp cho Gavi 250 triệu krona nhằm tìm kiếm vacxin hỗ trợ riêng cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Không chỉ chung tay chia sẻ vacxin thành phẩm, chuyển giao công nghệ cũng là một cách làm giảm tải hiệu quả. AstraZeneca chọn hướng làm này từ sớm nên hiện đã có 25 địa điểm sản xuất khắp thế giới. Giám đốc điều hành Pascal Soriot cho biết, “tạm thời năng lực của chúng tôi đã tới hạn, bởi chuyển giao công nghệ thì đơn giản, nhưng đội ngũ ngân lực đạt chuẩn để vận hành, giám sát đã vượt quá khả năng cung ứng”. Theo Soriot, trong ngắn hạn AstraZeneca sẽ chỉ tập trung vào việc nâng công suất của các cơ sở sẵn có.

2 quốc gia làm chủ công nghệ và có dấu hiệu “thừa” vacxin duy nhất hiện nay là Mỹ và Anh đều đã cam kết viện trợ hoặc bán lại từ kho dự trữ sẵn có. Đài Loan là cái tên đầu tiên sẽ được nhận 750.000 liều trong tổng số 80 triệu liều cam kết của Mỹ. Anh đã đặt hơn 500 triệu liều từ đầu dịch nhưng dân số chỉ có 67 triệu người nên cũng sẽ san sẻ số vacxin không cần đến.

Làm giàu nhờ vacxin

Trước đại dịch, năm 2019, thị trường vacxin toàn cầu được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 7% đến năm 2024, khi đó quy mô tương đương 58,4 tỷ USD. Các bệnh truyền nhiễm được xác định là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng này. Bắc Mỹ sẽ chiếm lĩnh tỷ trọng lớn trong thị trường vacxin cả về tiêu thụ lẫn đầu tư nghiên cứu từ chính phủ lẫn các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, châu Á mới là nơi có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất nhờ tăng chi tiêu y tế, tăng thu nhập và nhận thức của người dân.

Những “ông lớn” trong lĩnh vực vacxin toàn cầu hiện có: GlaxoSmithKline (Anh), Pfizer (Mỹ), Merck & Co. (Mỹ), Sanofi Pasteur SA (Pháp), CSL Limited (Australia), Emergent BioSolutions (Mỹ), Johnson & Johnson (Mỹ), Viện Serum Ấn Độ, AstraZeneca (Anh), Bavarian Nordic (Đan Mạch), Mitsubishi Tanabe Pharma Corporation (Nhật Bản), Daiichi Sankyo (Nhật Bản).

Song hành với khủng hoảng luôn là những cơ hội mới. Kể từ khi WHO công bố đại dịch Covid-19 vào ngày 11/3/2020, giá trị cổ phiếu của nhiều công ty đã vụ tăng. Tăng trưởng này phụ thuộc vào doanh số và thị phần mà doanh nghiệp nào chớp được cơ hội, đơn cử như Novavax chỉ có doanh thu 18,7 triệu USD trước đại dịch, nhưng nhờ vacxin NVX-CoV2373 (tiềm năng) mà 1 cổ phiếu hiện đã tăng lên ngưỡng 170 USD kèm dự báo đạt mức bình quân 258 USD cho cả năm 2021.

Thị trường riêng của vacxin Covid-19 được dự báo đạt quy mô 25 tỷ USD vào năm 2024, nhưng tuần trước Pfizer cho rằng có thể lên 26 tỷ USD do số ca nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng, nhất là sau “cú sốc” do biến thể ở Ấn Độ. Evan Seigerman từ ngân hàng Credit Suisse tính toán riêng thị trường vacxin Mỹ đã đạt 10 tỷ USD.

Credit Suisse và Morgan Stanley cho rằng, nếu nhìn dài hạn, Covid-19 sẽ sống chung với con người và chúng ta sẽ cần các mũi tiêm định kỳ hàng năm. Đó là cơ hội không nhỏ và ổn định nếu biết bình quân một liều vacxin hiện khoảng 20 USD.

Zain Rizvi từ tổ chức dân sự Public Citizen đồng tình với nhận định của 2 định chế tài chính trên: “Vacxin Covid-19 sẽ trở thành kẻ kiếm tiền cho ngành công nghiệp dược phẩm”.

Đức phản đối đề xuất “bỏ bàn quyền” của Mỹ

Kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tạo ra “sự phức tạp nghiêm trọng” cho ngành sản xuất vacxin hiện nay, đó là quan điểm của chính phủ Đức khi bác bỏ đề xuất bỏ quy định bảo vệ bản quyền sản xuất vacxin Covid-19.

Trước đó, khi Mỹ đưa ra quan điểm trên, cổ phiếu của hàng loạt hãng như Pfizer, BioNTech, Novavax, CureVac đã giảm đột ngột. Cổ phiếu Pfizer giảm 1%, BioNTech cộng gộp cả cú lao đao trước đó giảm đến 16,6%, Moderna giảm 1,4% còn NovaVax nhỏ hơn cũng giảm 0,5%. Shanghai Fosun Pharmaceutical Group bắt tay với BioNTech phụ trách thị trường Trung Quốc mất 14% giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hong Kong, thậm chí CanSino Biologics chỉ có sân chơi là thị trường nội địa Trung Quốc cũng mất 15% giá trị cổ phiếu.

Vấp phải phản đối của Đức nhưng Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý định và sẽ đưa vấn đề ra thảo luận tại Tổ chức Thương mại thế giới. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, Liên minh châu Âu đã đồng ý sẽ cân nhắc đàm phán việc bỏ bản quyền sản xuất vacxin Covid-19.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.