| Hotline: 0983.970.780

'Quê hương 5 tấn' còn lãng phí hơn 500 tỉ đồng/năm từ rơm rạ

Thứ Hai 26/06/2023 , 07:40 (GMT+7)

THÁI BÌNH Nếu nông dân Thái Bình tận dụng được 480.000 tấn rơm/năm thì có thể thu về 480 - 500 tỷ đồng hoặc có thể làm thức ăn xơ thô cho khoảng 88.000 con trâu, bò.

Tiềm năng đang bị bỏ ngỏ

Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Thái Bình phối hợp cùng Công ty TNHH Thiên Trường vừa tổ chức hội thảo trình diễn máy cuộn rơm rạ đa lợi ích cho nhà nông.

Hội thảo trình diễn máy cuộn rơm rạ đa lợi ích cho nhà nông có sự tham gia của đông đảo cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất lúa. Ảnh: Trung Quân.

Hội thảo trình diễn máy cuộn rơm rạ đa lợi ích cho nhà nông có sự tham gia của đông đảo cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất lúa. Ảnh: Trung Quân.

Hội thảo được tổ chức tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương (Thái Bình) với sự tham gia của đông đảo của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất lúa trên địa bàn huyện Kiến Xương và lân cận.

Theo TTKN Thái Bình, diện tích gieo cấy lúa trên địa bàn toàn tỉnh trung bình hàng năm khoảng 155.000ha (lớn thứ 2 ở khu vực ĐBSH). Để tạo ra 1 triệu tấn thóc, các hộ sản xuất cũng đồng thời tạo ra khoảng 1,2 triệu tấn rơm rạ, trong đó lượng rơm chiếm khoảng 480.000 tấn.

Với lượng rơm này, nếu thu gom được toàn bộ, có thể thu về khoảng 480 - 500 tỷ đồng/năm (khoảng 200.000 đồng/sào/năm) hoặc có thể tận dụng làm thức ăn thô cho khoảng 88.000 con trâu, bò (gấp 1,55 lần đàn trâu, bò hiện có của tỉnh) hoặc có thể sản xuất được khoảng 150.000 tấn nấm ăn với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những năm qua, chỉ có một phần nhỏ lượng rơm, rạ này được sử dụng để làm thức ăn cho trâu, bò, sản xuất nấm và làm vật liệu phủ luống trồng rau màu..., còn lại thường được người dân đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Khi đốt rơm rạ, vừa tạo ra khói bụi làm ô nhiễm không khí, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, vừa khiến đất bị chai cứng, thoái hóa.

Máy cuộn rơm rạ có thể cuộn 80 - 120 cuộn/giờ, giúp cho việc thu gom rơm rạ trở nên nhanh chóng. Ảnh: Trung Quân.

Máy cuộn rơm rạ có thể cuộn 80 - 120 cuộn/giờ, giúp cho việc thu gom rơm rạ trở nên nhanh chóng. Ảnh: Trung Quân.

Một số hộ còn đẩy rơm rạ trực tiếp xuống các dòng sông, mương máng, gây ô nhiễm nguồn nước, ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu. Đặc biệt, với lượng lớn rơm rạ để lại trên cánh đồng, trong khi thời gian chuyển vụ ngắn, nếu không xử lý tốt sẽ dễ gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau.

Trước thực tế đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến xã đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức, thói quen trong việc xử lý rơm rạ của người dân. Mặc dù vậy, việc thu gom mới chỉ được các hộ thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công, một phần rất nhỏ được thu bằng máy cuộn rơm.

Theo ước tính, số máy cuộn rơm trên toàn tỉnh mới có khoảng 20 - 30 chiếc, trong khi đó để thu được toàn bộ rơm của hơn 75.000ha lúa/vụ cần khoảng 600 - 700 máy cuộn rơm đồng bộ với công suất mỗi máy thu được từ 5 - 6ha/ngày hoặc 1.000 - 1.100 máy cuộn rơm gắn vào máy kéo với công suất 34ha/ngày.

Công cụ hữu hiệu giúp giải “bài toán” sau thu hoạch

Tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH Thiên Trường chia sẻ, máy cuộn rơm được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao giá trị thu hoạch trên cùng một diện tích canh tác, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Rơm được máy cuộn thành từng bó với trọng lượng tùy chỉnh theo nhu cầu nên thuận lợi cho người dân vận chuyển, cất trữ. Ảnh: Trung Quân.

Rơm được máy cuộn thành từng bó với trọng lượng tùy chỉnh theo nhu cầu nên thuận lợi cho người dân vận chuyển, cất trữ. Ảnh: Trung Quân.

Máy cuộn rơm tự hành trên bánh xích cao su, có thùng chứa hơn 50 cuộn, khi đưa rơm đến điểm tập kết, chỉ cần kéo cần gạt thủy lực để đổ xuống nên không cần nhiều nhân công lao động. Bên cạnh đó, máy cuộn rơm cuốn được cả rơm trong mùa mưa, dễ dàng di chuyển trên cả những cánh đồng ẩm ướt, lầy thụt. Máy có thể cuộn được từ 80 - 120 cuộn/giờ với trọng lượng có thể tùy chỉnh khoảng 12 - 18kg/cuộn… Với những ưu điểm đó, máy cuộn rơm giúp việc thu gom rơm nhanh chóng hơn, dễ vận chuyển và cất trữ, tạo thuận lợi cho các hộ có nhu cầu thu rơm để bán hoặc sử dụng, gia tăng thu nhập.

Đại diện các HTX, hộ sản xuất nêu kiến nghị, để máy cuộn rơm rạ có thể vận hành hiệu quả, đơn vị cung ứng máy phải giải quyết cùng lúc rất nhiều vấn đề như chi phí mua máy; nhân lực vận hành; các loại xe phụ trợ để vận chuyển máy cuộn rơm và rơm cuộn thành phẩm; bãi tập kết để tích trữ…

Do đó, để người dân có thể từng bước tiếp cận và đưa loại máy này vào phục vụ sản xuất, TTKN, Sở NN-PTNT, các đơn vị có liên quan cần trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung máy cuộn rơm rạ vào danh mục máy nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh như máy làm đất, máy cấy, máy gặt... đã thực hiện.

Việc ứng dụng máy cuộn rơm rạ giúp nông dân giải quyết được nhiều bài toán sau thu hoạch, gia tăng thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

Việc ứng dụng máy cuộn rơm rạ giúp nông dân giải quyết được nhiều bài toán sau thu hoạch, gia tăng thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, mời gọi các doanh nghiệp thu mua rơm làm nguyên liệu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… để xây dựng được chuỗi liên kết, đảm bảo toàn bộ số rơm đã cuộn sẽ được thu mua, người dân vững tin hơn khi đầu tư mua sắm thiết bị.

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc TTKN Thái Bình cho rằng, việc thu gom và tận dụng được rơm, rạ (phụ phẩm trồng trọt) để làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp khác có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ đất, môi trường sinh thái, nâng cao giá trị cho ngành sản xuất lúa.

Trong bối cảnh lực lượng lao động nông nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, máy cuộn rơm được xem là một trong những giải pháp cơ giới hóa hiệu quả giúp các hộ sản xuất giải quyết được những bài toán sau thu hoạch, gia tăng thu nhập.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.