“Không có lời đề nghị nào tốt hơn ở phía trước”, Bộ trưởng Nitơ Hà Lan Christianne van der Wal phát biểu trước quốc hội khi nói về kế hoạch cắt giảm phát thải của chính phủ.
Theo đó, chính phủ Hà Lan đã lên kế hoạch mua đứt và đóng cửa khoảng 3.000 trang trại trong nước- động thái mới ngay lập tức làm trầm trọng thêm những tranh cãi vốn đã gay gắt đối với nông dân khi trước đó, các nhà lãnh đạo cho biết nỗ lực cắt giảm một nửa lượng phát thải nitơ của đất nước vào năm 2030.
Cụ thể là một kế hoạch phân bổ trị giá khoảng 25 tỷ USD ngân sách sẽ được chính phủ Hà Lan tung ra để mua lại từ 2.000 đến 3.000 trang trại gây ô nhiễm của nông dân trong nước, cùng với các nhà máy phát thải nitơ lớn khác được định giá "cao hơn" giá trị tài sản của họ. Trong trường hợp nông dân không đồng ý với kế hoạch này, việc mua lại có thể trở thành bắt buộc.
Kế hoạch này được đưa ra khi chính phủ Hà Lan tiến tới cắt giảm một nửa lượng phát thải nitơ vào năm 2030 để phù hợp với các quy tắc bảo tồn của Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên, chính phủ ước tính sẽ có khoảng 11.200 trang trại sẽ phải đóng cửa và 17.600 trang trại chăn nuôi khác sẽ phải giảm đáng kể số lượng đàn vật nuôi.
Ngay từ khi kế hoạch này manh nha, nó đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong giới nông dân ở Hà Lan hồi mùa hè này, khi hàng chục nghìn người biểu tình tập trung tại các thành phố lớn để phản đối kế hoạch việc cắt giảm khí thải.
Theo giới quan sát, nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế Hà Lan. Mặc dù quốc gia Tây Âu có diện tích chỉ lớn hơn bang Maryland của Mỹ một chút, nhưng Hà Lan là nước xuất khẩu hàng hóa nông sản lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực này đạt tổng trị giá khoảng 105 tỷ euro chỉ tính riêng trong năm 2021.
Phát thải từ nông nghiệp là một mối quan tâm lớn ở Hà Lan khi quốc gia nhỏ bé 17,7 triệu dân có mức cân bằng nitơ cao gần gấp đôi mức trung bình của châu Âu, trong đó phần lớn đến từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trong khi nông dân trong nước lập luận rằng, họ đang bị nhắm mục tiêu một cách không công bằng và các ngành công nghiệp có hại khác vẫn không bị ảnh hưởng, thì một số chuyên gia lo ngại rằng, sự sụt giảm trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Lan sẽ dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn, kém hiệu quả cũng như sức cạnh tranh hơn so với các nước khác trên thế giới.
“Nông nghiệp toàn cầu, theo một nghĩa nào đó, là tổng bằng không. Chính vì vậy, nếu năng suất và sản lượng sụt giảm ở Hà Lan, điều đó có nghĩa là nhu cầu sẽ tăng lên ở một nơi khác”, Ted Nordhaus, giám đốc điều hành của Viện Breakthrough- một trung tâm nghiên cứu toàn cầu cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Giới phân tích chính sách cho rằng, sự thất bại của các cuộc đàm phán cắt giảm phát thải nông nghiệp giữa chính phủ Hà Lan và các bên liên quan có nguy cơ làm leo thang các cuộc biểu tình trong nước.
Nông dân Hà Lan bắt đầu biểu tình rầm rộ vào tháng 6 sau khi quốc hội thông qua một đề xuất cắt giảm triệt để các chất gây ô nhiễm như oxit nitơ và amoniac, có thể buộc nông dân phải giảm đáng kể số lượng đàn vật nuôi của họ hoặc mất hoàn toàn sinh kế. Những người nông dân cho rằng, họ đang bị nhắm mục tiêu một cách không công bằng, trong khi chính phủ đã không đưa ra được bất kỳ một giải pháp thay thế khả thi nào.