Với việc Quốc hội Myanmar thông qua việc bầu cử Htin Kyaw - trợ lý thân cận của nhà lạnh đạo vì dân chủ nổi tiếng Aung San Suu Kyi - làm Tổng thống, phần lớn người dân Myanmar tin rằng điều này sẽ mở ra một thời kì mới cho đất nước hơn 53 triệu dân nằm trong quyền kiểm soát của quân đội trong gần nửa thế kỉ này (1962 - 2011).
Tuy vậy thì khi cả nước đang vui mừng trong men say dân chủ thì cuộc sống và tương lai của khoảng 1,3 triệu người Rohingya theo đạo Hồi vẫn là một khoảng lặng chưa rõ hồi kết.
Số phận long đong
Người Rohingya được tổ chức Ân xá quốc tế gọi là "những người bị bức hại nhất thế giới".
Họ là những người theo đạo Hồi, sống chủ yếu ở bang Rakhine phía bắc Myanmar. Họ không được chính phủ Myanmar công nhận là công dân Myanmar theo luật công dân được chính phủ quân sự thông qua năm 1982. Họ cũng không được công nhận là một trong 135 nhóm dân tộc ở Myanmar. Ngôn ngữ của họ - một loại ngôn ngữ giản thể từ tiếng Bengali - không được công nhận là một ngôn ngữ chính thống.
Nguồn gốc của những người Rohingya vẫn là một cuộc tranh luận giữa những sử gia. Có hai luồng giả thuyết chính là họ là những người đã định cư ở bang Rakhine từ thế kỉ 16, khi đạo Hồi bắt đầu xâm nhập vùng này. Ý kiến thứ hai là họ được Vương quốc Anh đưa đến từ những vùng của Bangladesh sau khi Anh xâm chiếm Myanmar. Dù là họ từ đâu đến thì có một sự thật không thể tranh cãi là những người Rohingya đã định cư ở Myanmar qua rất nhiều thế hệ, theo tổ chức Ân xá quốc tế.
Việc không được công nhận là công dân Myanmar đã khiến cho người Rohingya trên thực tế là những người không quốc gia. Vì điều này mà họ không được tiếp cận với dịch vụ giáo dục, y tế, đi lại, hôn nhân - những quyền tối thiểu cơ bản nhất của con người. Một phóng sự về người Rohingya được thực hiện bởi VICE News cho thấy chính phủ Myanmar cho một chuyến xe cứu thương chỉ vận chuyển những người Rohingya bệnh nặng nhất lên bệnh viện tuyến trên duy nhất một lần trong ngày.
Số ít người Rohingya vượt qua được rào cản về công dân thì phải chứng minh là mình đã sống ở Myanmar trong thời gian 60 năm - trong điều kiện mà họ không có giấy tờ gì để chứng minh. Kể cả khi đã được công nhận là công dân thì họ cũng chỉ được công nhận là "công dân nhập tịch" và vì thế mà một số vị trí nghề nghiệp như chính phủ, quân đội hay luật là ngoài tầm với với họ.
Không chỉ bị phân biệt đối xử bởi chính phủ Myanmar mà người Rohingya còn là mục tiêu bị nhắm đến bởi các kẻ cực đoan theo đạo Phật tại đất nước có tới 80% người theo đạo Phật này.
Các cuộc bạo loạn nhắm đến người Rohingya đã nổ lên liên tục trong những năm qua mà đỉnh điểm là cuộc bạo loạn năm 2013 tại miền trung Myanmar, thường được nhắc đến cùng với phong trào 969 - một phong trào Phật giáo dân chủ quá khích - được dẫn đầu bởi Sayadaw Wirathu, người hay được bình luận quốc tế gọi là "Bin Laden đạo Phật".
Đối diện với phân biệt đối xử mang tính hệ thống và việc mạng sống luôn bị đe doạ, chỉ riêng từ năm 2012 đến nay đã có khoảng 140.000 người Rohingya phải rời bỏ nhà cửa và bị phân tán khắp nơi ngay trong Myanmar và khoảng 86.000 người đã đặt mạng sống của mình trên những con thuyền mong manh để vượt biển sang những nước lân cận như Malaysia, Indonesia hay thậm chí là tới tận Australia. Hàng chục nghìn người đã bỏ mạng trên những hành trình may rủi này.
Danh hiệu không che lấp được thực tế
Aung San Suu Kyi - biểu tượng cho sự đấu tranh chống phân biệt đối xử khi bà bị giam lỏng tại nhà tổng cộng 15 năm bởi chính phủ quân sự - không hề che giấu sự im lặng của mình trước tình trạng vi phạm nhân quyền có tính hệ thống đối với người Rohingya.
Khi những hình ảnh đáng sợ về những con thuyền chắp vá trở theo hàng nghìn người Rohingya được phát hiện ngoài khơi Indonesia vào giữa năm ngoái rộ lên thì cũng là lúc những câu hỏi về việc bà Suu Kyi đã làm những gì cho những đồng bào của mình đến tới tấp. Kết quả là khá thất vọng. Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, bà Suu Kyi chỉ dùng những ngôn ngữ như "vấn đề nhạy cảm này cần giải quyết thận trọng" hay mạnh mẽ nhất cũng chỉ là "tôi không nghĩ chính phủ đang quan tâm đủ đến vấn đề này".
Không một lần baf Suu Kyi công nhận sự vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống với người Rohingya tại Myanmar.
Khi giải Nobel Hoà bình năm 1991 được trao cho bà Suu Kyi, tổ chức Nobel hoà bình Na Uy đã ghi chú rằng "người phụ nữ này là biểu tượng của sự đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền trên khắp thế giới" và rằng "bà là biểu tượng cho sự đấu tranh chống áp bức trên khắp thế giới".
Giáo sư về luật nhân quyền Penny Green từ đại học London bình luận rằng "với vị thế và ảnh hưởng chính trị của mình, Kyi đáng ra phải đứng ra giúp giải quyết những vấn đề về phân biệt đối xử và nhân quyền ở Myanmar", tuy vậy, "sự im lặng của Kyi cũng có nghĩa là sự đồng thuận với những áp bức mà người Rohingya đang gánh chịu".
Sự im lặng của bà Suu Kyi, người được mệnh danh là Quý Bà trong giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng tị nạn Rohingya giữa năm ngoái - trùng với cuộc bầu cử toàn quốc - có thể được giải thích cho những tính toán chính trị khi mà bất kì tuyên bố ủng hộ người Rohingya nào cũng có thể khiến cho Quý Bà mất đi những lá phiếu giá trị tại đất nước phần đông Phật giáo này.
Tuy vậy thì sự im lặng hiện tại của bà kể từ sau khi chiến thắng đến nay là khó giải thích. Theo như lời viết của Philip Sherwell trên tờ Telegraph thì những người Rohingya chỉ mong Quý Bà có thể tìm lại được hình ảnh đanh thép trong những năm bà bị giam cầm để đấu tranh cho họ lúc này.