| Hotline: 0983.970.780

Nắm rõ SPS trong Hiệp định RCEP sẽ tránh được những chuyện 'cười ra nước mắt'

Thứ Sáu 07/06/2024 , 14:37 (GMT+7)

Thế giới luôn vận động, các quy định thị trường cũng thường xuyên được bổ sung, cập nhật, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động có các biện pháp thích ứng.

Ông Ngô Xuân Nam phát biểu khai mạc hội nghị tại Lạng Sơn sáng 7/6. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Ngô Xuân Nam phát biểu khai mạc hội nghị tại Lạng Sơn sáng 7/6. Ảnh: Bảo Thắng.

Sự chuyển biến rõ nét

“Hai năm kể từ ngày Lệnh 248 có hiệu lực, về cơ bản 100% các doanh nghiệp được chúng tôi tư vấn đã hiểu các quy định, tiêu chuẩn và phương thức thực hiện đăng ký các mặt hàng. Đồng thời, quá trình lưu thông hàng hóa xuất khẩu cũng có những chuyển biến đáng kể theo chiều hướng đa dạng thêm nhiều các mặt hàng xuất khẩu”, bà Phan Thị Mến, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Khoa Học và Công Nghệ Sutech chia sẻ bên lề Hội nghị phổ biến quy định SPS trong Hiệp định RCEP.

Là tổ chức tư vấn độc lập và hướng dẫn các doanh nghiệp trong lĩnh vực động, thực vật xuất khẩu, đại diện Sutech cho rằng giai đoạn đầu áp dụng phương thức đăng ký mới theo Lệnh 248, một vài khó khăn đã xảy ra, chủ yếu do doanh nghiệp, người sản xuất chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Một vài trường hợp đáng tiếc cũng xuất hiện.

Tuy nhiên, cùng với sự phối hợp của Văn phòng SPS Việt Nam và các đơn vị chuyên môn, Sutech đã kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp theo dõi cảnh báo trên hệ thống của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC), đồng thời có những hướng dẫn để chuỗi sản xuất tự kiểm tra, rà soát các nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc gần như đầy đủ thông tin 100%, không bị sai sót mã HS. Hoạt động giao thương được thông suốt.

Kết quả này không phải một sớm một chiều. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thừa nhận, khi mới hướng dẫn doanh nghiệp trong nước đáp ứng những quy định mới, trong đó có Lệnh 248, nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" đã xảy ra. Chẳng hạn, doanh nghiệp điền thiếu chữ “s” khi khai báo trên hệ thống Cifer của GACC, hoặc nhầm lẫn số điện thoại với mã số thuế…

Bà Phan Thị Mến - Công ty Sutech (thứ 2 từ trái sang): Doanh nghiệp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Phan Thị Mến - Công ty Sutech (thứ 2 từ trái sang): Doanh nghiệp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Nam, khi hướng dẫn lần đầu, khá nhiều doanh nghiệp phản hồi rằng sợ bị lừa đảo, hoặc không quan tâm đến thông tin được Văn phòng cung cấp. Một số khác, thì tự tin với quan hệ đối tác làm ăn với Trung Quốc, dù chưa hoàn thiện hồ sơ trên hệ thống Cifer.

“Chúng tôi chia sẻ với những vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định SPS trong hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả RCEP, là bắt buộc. Doanh nghiệp phải chủ động theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ và có những hiểu biết nhất định khi tham gia xuất khẩu”, ông Nam bày tỏ.

Từ năm 2022, Văn phòng SPS Việt Nam liên tục tổ chức các chuỗi hội nghị tại nhiều địa phương trên cả nước. Thông qua chương trình, doanh nghiệp, HTX và người dân có cơ hội được giải đáp những thắc mắc liên quan tới quy định SPS trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Lý Hải Long, đại diện Công ty CP Công nghệ Nano BSB, người trực tiếp tham gia Hội nghị phổ biến quy định SPS trong Hiệp định RCEP tại Lạng Sơn sáng 7/6 đánh giá, thông tin từ hội nghị rất “bổ ích” và “không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có được”. Ngoài ra, sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp tại hội nghị còn mang đến cơ hội hợp tác cho BSB, góp phần sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

“Khi chúng ta có cùng mối quan tâm, cụ thể là các quy định SPS, mỗi bên sẽ chủ động thực hiện một cách có trách nhiệm vai trò của mình trong chuỗi giá trị”, ông Long bày tỏ.

Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn mong muốn được Bộ NN-PTNT và các cơ quan trực thuộc quan tâm, hướng dẫn nhiều hơn để phát triển sản xuất. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn mong muốn được Bộ NN-PTNT và các cơ quan trực thuộc quan tâm, hướng dẫn nhiều hơn để phát triển sản xuất. Ảnh: Bảo Thắng.

Cần quan tâm hơn đến vệ sinh, an toàn thực phẩm

Đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy sản xuất, trong đó có xuất khẩu nông sản. Việc xuất khẩu nông sản giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người nông dân, tạo cơ hội việc làm và phát triển các ngành liên quan.

Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật là rất quan trọng, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của nước nhập nhẩu".

Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 tại Việt Nam, mở ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới cho nước ta. Một trong những mục tiêu của RCEP là thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng giữa các nền kinh tế khác nhau.

Để đạt mục tiêu này, các nước thành viên đã cam kết về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật nhằm loại trừ rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Các nước sẽ áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cam kết công nhận tình trạng dịch bệnh và các phương pháp kiểm dịch cảu nhau, tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, là tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nhằm tạo ra môi trường thương mại minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Lạng Sơn có thế mạnh về phát triển kinh tế cửa khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Lạng Sơn có thế mạnh về phát triển kinh tế cửa khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Với đặc thù có 2 cửa khẩu quốc tế là Cửa khẩu Hữu Nghị và Cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng, 1 cửa khẩu chính và 6 cửa khẩu phụ, Lạng Sơn từ nhiều năm nay là cửa ngõ thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc. Những năm qua, địa phương luôn cố gắng thực hiện các giải pháp để hoạt động xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh được thuận lợi nhất.

"Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn luôn sẵn sàng phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, các địa phương để thực hiện tốt các hoạt động xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh", ông Chiều nhấn mạnh và thông tin thêm rằng, tỉnh đã đặt mục tiêu gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua xuất khẩu.

Do đó, Lạng Sơn mong muốn được sự giúp đỡ nhiều hơn từ các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, trong đó có Văn phòng SPS Việt Nam, để sản phẩm nông nghiệp Lạng Sơn hiện diện tại nhiều địa phương trong nước và trên quốc tế.

Ghi nhận ý kiến của Lạng Sơn, ông Ngô Xuân Nam đề nghị Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn. Bởi Lạng Sơn là cửa ngõ thông thương với quốc tế, cũng là nơi tập hợp rất nhiều hàng hóa, nông sản của cả nước. Nếu không may xảy ra sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm, có thể ảnh hưởng đến cả chuỗi ngành hàng, cũng như ấn tượng của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Nam lưu ý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động tiếp cận với những thông tin thay đổi quy định SPS của thị trường nhập khẩu, đồng thời nêu ý kiến đóng góp vào các thông báo mà Văn phòng SPS Việt Nam đăng tải trên cổng thông tin điện tử và phương tiện thông tin truyền thông.

"Thế giới luôn vận động, các quy định thị trường cũng thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Doanh nghiệp các quốc gia khác luôn quan tâm đến những thay đổi về quy định SPS. Là một thành viên của WTO và trên đường trở thành bếp ăn thế giới, doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài quy luật này", ông Nam nhấn mạnh.

Bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp chú trọng việc tuân thủ bao bì, nhãn mác, đóng gói sản phẩm, bởi đây là ấn tượng ban đầu với khách hàng, nhất là tại thị trường quốc tế.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất