| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia là thời cơ lớn của Nghệ An

Thứ Ba 24/12/2024 , 15:18 (GMT+7)

Làm thế nào để phát huy tối đa tiềm năng tài nguyên rừng là bài toán hóc búa của tỉnh Nghệ An, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được xem là câu trả lời.

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia mở ra thời cơ, vận hội lớn cho ngành gỗ Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia mở ra thời cơ, vận hội lớn cho ngành gỗ Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước với 1.648.649 ha, tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 1,177 triệu ha. Tài nguyên rừng nơi đây rất phong phú, có tính đa dạng sinh học cao.

Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có gần 200.000 ha rừng trồng, bao gồm khoảng 150.000 ha rừng trồng nguyên liệu và gần 25.000 ha rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Bình quân Nghệ An trồng khoảng 19.000 ha rừng tập trung/ năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 1,7 triệu m3.

Kể từ khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991 có hiệu lực thi hành đến trước thời điểm Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, UBND tỉnh Nghệ An đã 3 lần phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.

Sau các lần rà soát, điều chỉnh quy hoạch thấy rằng diện tích đất lâm nghiệp của Nghệ An chiếm tỷ lệ rất lớn so với diện tích rừng tự nhiên (từ 70,3% - 72,5%). Diện tích 3 loại rừng cơ bản đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chí rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp cũng như định hướng phát triển KT-XH của tỉnh.

Tuy nhiên do pháp luật chưa quy định cụ thể mối quan hệ, thứ bậc giữa các quy hoạch, tiêu chí phân loại đất, phân loại rừng, giữa pháp luật về đất đai và lâm nghiệp còn nhiều điểm chưa tương đồng...,  điều này dẫn đến các quy hoạch ngành (trong đó có quy hoạch 3 loại rừng) trên một đơn vị hành chính chưa đồng bộ, thống nhất, đặc biệt là với quy hoạch sử dụng đất. Đây chính là nguyên nhân khiến Nghệ An chưa thể khai phá hết tiềm năng, lợi thế trời ban.

Dù vậy nút thắt dai dẳng đã có hướng gợi mở, từ sự nỗ lực của Bộ NN-PTNT và chính quyền các cấp, ngành, ngày 24/8/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 895/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Quy hoạch. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An đến 2030 được quy hoạch là 1.148.476 ha (gồm 171.062 ha rừng đặc dụng; 370.405 ha rừng phòng hộ; 607.009 ha rừng sản xuất).

Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định quy hoạch lâm nghiệp quốc gia sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết để tiến tới thực hiện. Ảnh: TL.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định quy hoạch lâm nghiệp quốc gia sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết để tiến tới thực hiện. Ảnh: TL.

Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An đánh giá: “Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt sẽ tạo hành lang pháp lý để các địa phương xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển, từ đó hình thành phong trào thi đua sâu rộng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp theo đúng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đặc biệt, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đã đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.

Bám vào quy hoạch, định hướng của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, tỉnh Nghệ An và Sở NN-PTNT đặt ra mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đằng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để hướng đến phát triển bền vững, từ đó đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Diện mạo miền núi Nghệ An kỳ vọng sẽ có nhiều đổi khác sau quyết sách này. Ảnh: Ngọc Linh.

Diện mạo miền núi Nghệ An kỳ vọng sẽ có nhiều đổi khác sau quyết sách này. Ảnh: Ngọc Linh.

Mục tiêu cụ thể như sau: Giữ tỷ lệ che phủ rừng tỉnh ổn định ở mức 58%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,0-6,5%/năm giai đoạn 2021-2025, nâng lên mức 6,5-7% giai đoạn 2026 – 2030; trồng rừng bình quân 18.000 ha/năm; phục hồi rừng tự nhiên bình quân 7.856 ha/năm.

Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 50.000 ha vào năm 2025 và 70.000 ha vào năm 2030; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng khoảng 2 - 2,2 triệu m3/năm  vào năm 2025, đạt khoảng 2,2 – 2,5 triệu m3/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần vào năm 2025 và tăng 2 lần  trên đơn vị diện tích vào năm 2030.

Nghệ An cũng xác định tập trung phát triển lâm sản ngoài gỗ (cây dược liệu và cây đặc sản dưới tán rừng ở các  khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ) là then chốt. Bên cạnh đó sẽ tập trung quản lý, khai thác hiệu quả 25.000 ha rừng thông nhựa; trồng bình quân 5 triệu cây phân tán/năm (thuộc Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ); nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và hiệu quả bảo tồn đa dạng  sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; đến 2030 phấn đấu 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững…

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.