| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch thủ đô: “Không cơ bản, thiếu thuyết phục”

Thứ Năm 26/08/2010 , 17:08 (GMT+7)

Đây là những đánh giá của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về bản đồ án quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

* Dự báo nguy cơ tăng tỷ lệ đói nghèo

Đây là những đánh giá của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về bản đồ án quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 26/8, Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Chủ tịch Hội, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn đã gửi văn bản góp ý kiến “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” cho Văn phòng Trung ương Đảng. Theo hội Kiến trúc sư Việt Nam, đến thời điểm này, sau khi nhận được nhiều góp ý nhưng bản đồ án vẫn là “không cơ bản, thiếu luận cứ khoa học có sức thuyết phục, nên chất lượng đồ án vẫn chưa được cải thiện nhiều”.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong bản đồ án là: Mối quan hệ hữu cơ giữa dự báo phát triển kinh tế với tổ chức không gian có nhiều điểm không phù hợp. Tại khu vực nông thôn, tỷ trọng GDP nông nghiệp chỉ đạt 3% vào năm 2020, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đô thị hoá trên 60% với gần 3 triệu dân sống trong khu vực nông thôn, với đất canh tác dần bị thu hẹp, dự báo nguy cơ tỷ lệ đói nghèo gia tăng ở khu vực này. Với quy mô dân số đô thị khoảng hơn 9 triệu người vào năm 2030 và trên 10 triệu người vào năm 2050, Hội KTSVN cho rằng sự tăng trưởng này đã vượt ngưỡng cân bằng sinh thái, biến Thủ đô thành siêu thành phố với “bệnh đầu to” do chất tải quá lớn vào đô thị trung tâm với quy mô 4.6 triệu dân vào năm 2030 và gần 5.5 triệu dân vào năm 2050.

Quy hoạch HN chưa xứng tầm với một thủ đô nghìn năm tuổi

Đối với các đô thị được gọi là vệ tinh như Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên đều có quy mô trên 10 vạn dân đến 56 vạn dân vào năm 2030 và trên 70 vạn dân vào năm 2050. Như vậy, các đô thị này sẽ trở thành các thành phố loại III, loại II và loại I, do đó không thể gọi là đô thị vệ tinh. Quy hoạch này cũng trái với Hiến pháp và các quy định pháp luật về phân cấp quản lý đô thị của Việt Nam.

Phương án chọn đất xây dựng đô thị hầu hết rơi vào các vùng đất trũng, đất nông nghiệp màu mỡ, đất bị ô nhiễm hoặc các khu dân cư đông đúc, tất yếu sẽ dẫn đến các vấn nạn và nguy cơ đối với sự phát triển bền vững Thủ đô, trái với các đề xuất về tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu đã đề xuất. Về tổ chức không gian, Hội cho rằng, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tư vấn đã quá tập trung về hướng Tây từ sông Nhuệ đến sông Đáy và giữa sông Đáy và sông Tích để phát triển đô thị, nơi đất trũng, bị ngập lũ, đa phần là đất nông nghiệp mầu mỡ và đông dân cư để phát triển đô thị với quy mô 1,6 – 1,7 triệu người.

Về vấn đề đang gây tranh cãi nhất trong những ngày qua là trung tâm hành chính quốc gia và trục Hồ Tây – Ba Vì, Hội Kiến trúc sư cho rằng: Đối với đất dự trữ cho khu xây dựng các công trình của các Bộ ngành, Hội KTSVN cho rằng việc chọn địa điểm Ba Vì cho mục đích này là không có cơ sở cả về khí hậu, đất đai, tính chất, cảnh quan và tính xã hội nhân văn. Do đó Hội kiến nghị nếu cần dự trữ thì chọn nơi khác, không nên bảo vệ ý tưởng ở Ba Vì. Chính vì vậy trục Hồ Tây – Ba Vì không còn cơ sở để tồn tại trong đồ án. Cảnh quan đặc trưng của Hà Nội lại càng không nên có trục thẳng, dài và lớn như đồ án đề ra.

Cuối cùng, Hội Kiến trúc sư cho rằng, Mặc dù tư vấn đã rất cố gắng, nhưng do Quy hoạch xây dựng Thủ đô là một nhiệm vụ khó, mà chỉ được nghiên cứu trong một thời gian quá ngắn, nên đồ án Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa đạt yêu cầu. Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến và thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời một lần nữa khẳng định “tầm vóc, chất lượng, tính khả thi” của đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là mục tiêu phải đặt lên hàng đầu.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.