| Hotline: 0983.970.780

Quy trình bảo vệ đàn vật nuôi giai đoạn chuyển mùa

Thứ Ba 26/09/2023 , 06:45 (GMT+7)

Thời tiết trên địa bàn tỉnh Phú Yên bước vào giai đoạn giao mùa, mưa nắng thất thường, vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh, người chăn nuôi cần chủ động phòng ngừa.

Người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn đầy đủ cho đàn vật nuôi. Ảnh: KS.

Người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn đầy đủ cho đàn vật nuôi. Ảnh: KS.

Bổ sung dinh dưỡng nâng cao đề kháng

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn giao mùa, mưa nắng thất thường, điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát sinh lây lan thành dịch làm chết gia súc.

Trong đó, điểm nóng là những ổ dịch cũ như bệnh tụ huyết trùng trâu, bò cấp tính, lở mồm long móng, viêm da nổi cục và một số bệnh do thời tiết như cảm nóng, cảm lạnh, tiêu chảy, chứng hơi dạ cỏ, dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh, phó thương hàn, tụ huyết trùng lợn, cúm gia cầm chủng độc lực cao H5N1, H5N6…

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, ngay từ bây giờ, người chăn nuôi cần chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi như che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa, đồng thời có phương án giữ ấm cho đàn vật nuôi khi nhiệt độ môi trường thấp. Bên cạnh đó, hàng ngày tăng cường sức đề kháng vật nuôi thông qua bổ sung vitamin, điện giải, khoáng chất...

Ông Trần Văn Quốc, hộ chăn nuôi bò ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa cho rằng, việc đảm bảo thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa rất quan trọng. Xác định điều đó, cứ đến thời điểm chuyển mùa, gia đình ông luôn chủ động dự trữ thức ăn cho bò, tăng hàm lượng thức ăn tinh và bổ sung thêm các loại khoáng chất, vitamin để vật nuôi nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh.

Đối với các hộ chăn nuôi lợn và gia cầm, giai đoạn này, người chăn nuôi cũng thực hiện bổ sung vitamin, khoáng chất, chất điện giải vào thức ăn, nước uống cho vật nuôi ăn trực tiếp.

Ông Nguyễn Thế Quang, một hộ chăn nuôi lợn ở xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) chia sẻ: “Để tăng sức đề kháng đàn lợn gần 30 con của gia đình, tôi thường xuyên bổ sung vào thức ăn, nước uống các loại thuốc bổ trợ như chất điện giải, glucose, Vitamin C, B-complex.... Đồng thời, thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, định kỳ dọn vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại mỗi tuần/lần, chọn thức ăn tươi, mới không bị nấm mốc… Điều này giúp vật nuôi khỏe mạnh, chống lại các loại mầm bệnh như nấm mốc, vi trùng và virus gây bệnh”.

Người chăn nuôi chăm sóc đàn lợn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: KS.

Người chăn nuôi chăm sóc đàn lợn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: KS.

Tuân thủ lịch tiêm phòng và vệ sinh thú y

Bên cạnh đảm bảo dinh dưỡng, nước uống cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, theo ông Nguyễn Văn Lâm, người chăn nuôi cũng phải chú trọng tiêm phòng các loại vacxin, vệ sinh thu ý sạch sẽ, an toàn.

“Trong chăn nuôi, khâu vệ sinh thú y đóng vai trò rất quan trọng cho việc phát triển, bảo toàn đầu đàn. Nếu người chăn nuôi vệ sinh không đảm bảo, chuồng nuôi ẩm thấp sẽ khiến các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi”, ông Nguyễn Văn Lâm lưu ý.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả, UBND tỉnh Phú Yên vừa cấp 12.000 lít hóa chất sát trùng cho các địa phương nhằm thực hiện tháng “tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2023”, diễn ra từ ngày 15/9 đến 15/10/2023.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên đã có văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng hóa chất sát trùng phòng, chống dịch bệnh động vật. Các trạm chăn nuôi và thú y căn cứ tình hình dịch bệnh động vật trong thời gian qua, lập phương án phân bổ hợp lý cho các địa phương trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt.

Trong phương án, cần tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao như khu vực bị ô nhiễm, khu vực có ổ dịch cũ, chợ mua bán gia súc, gia cầm sống, các cơ sở, điểm giết mổ động vật, khu vực tập kết động vật và sản phẩm động vật, các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, khu vực đường làng, ngõ xóm có các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thành lập tổ phun thuốc theo địa bàn thôn, buôn, khu phố và ưu tiên phun thuốc bằng máy động cơ. Nồng độ pha, liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất, người trực tiếp tham gia phun thuốc phải sử dụng bảo hộ lao động theo đúng quy định đảm bảo an toàn.

Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ trại chăn nuôi gà ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa cho rằng, ngoài tiêm phòng vacxin đầy đủ, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, việc phun hóa chất diệt côn trùng thường xuyên cũng mang lại hiệu quả tích cực, vì vật trung gian truyền bệnh bị tiêu diệt nên mỗi ngày gia đình bà đều thu gom chất thải đưa ra bãi phơi để xử lý và định kỳ tiến hành phun thuốc sát trùng môi trường toàn bộ trại.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.