| Hotline: 0983.970.780

Quyết chặn nạn bơm tạp chất vào tôm

Thứ Năm 19/09/2019 , 10:40 (GMT+7)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã lấy mẫu mở rộng, kiểm soát chặt nhằm ngăn ngừa hiện tượng tồn dư lượng kháng sinh cấm, hóa chất cấm, hành vi bơm tạp chất vào tôm.

13-37-52_1
Ngư dân thu hoạch tôm hùm nuôi lồng.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trong năm 2019 đơn vị này sẽ lấy 20 mẫu tôm tại các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh để kiểm tra. Đến thời điểm này, đơn vị đã lấy 9 mẫu tôm thẻ chân trắng cỡ thương phẩm ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát và Phù Mỹ theo nguyên tắc không báo trước, ngẫu nhiên và bất kỳ để kiểm tra dư lượng kháng sinh cấm và kháng sinh hạn chế sử dụng trong nuôi tôm.

Tuy nhiên, không phát hiện dư lượng các loại kháng sinh đã kiểm nghiệm, phân tích. Trong năm 2018, đơn vị cũng đã lấy 42 mẫu tôm tại các vùng nuôi ở các địa phương nêu trên để kiểm tra và các mẫu tôm đều đạt yêu cầu.

Ông Phạm Văn Chạy, Chi hội trưởng cộng đồng nuôi tôm thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), cho biết: “Vùng nuôi tôm Đông Điền có 43 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với 45 ao nuôi rộng hơn 23ha theo mô hình nuôi tôm an toàn sinh học. Các hộ nuôi đều thực hiện chặt chẽ các quy định. Ai cũng tuân thủ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng sản phẩm vi sinh trong nuôi tôm. Mẫu tôm ở đây được kiểm tra, giám sát và không phát hiện dư lượng kháng sinh cấm, hóa chất cấm”.

Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Định, đáng lo nhất vẫn là nạn bơm tạp chất vào tôm thương phẩm. Bởi, ngành chức năng chỉ có thể kiểm tra những cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn khi đối tượng đã có ý gian thì sẽ tiến hành bơm tạp chất vào tôm ở nhà riêng, nơi ngành chức năng không được quyền “xâm nhập gia cư” nên không thể kiểm tra được.

“Đầu năm 2018, đơn vị đã phối hợp với UBND TP Quy Nhơn tiến hành kiểm tra và đã phát hiện 1 vụ bơm tạp chất vào tôm. Năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng lấy mẫu mở rộng. Từ tháng 3/2019 đến nay, đơn vị đã thực hiện 2 đợt kiểm tra, lấy 24 mẫu tôm tại các cơ sở kinh doanh ở TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn để kiểm nghiệm tạp chất agar, nhưng không phát hiện”, ông Hồ Phước Hoàn cho biết.

13-37-52_2
Tôm nuôi an toàn sinh học ở huyện Tuy Phước.

Cũng theo ông Hoàn, sở dĩ chi cục làm tốt công tác ngăn chặn bơm tạp chất vào tôm là nhờ đơn vị phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Bình Định (PC05) và chính quyền các địa phương. “Với 3 mũi giáp công gồm đơn vị chức năng, PC05 và các hội, đoàn thể mới có thể ngăn ngừa việc sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất”, ông Hoàn Chia sẻ.

“Agar là bột thạch rau câu được pha loãng với nước để bơm vào con tôm nhằm làm tăng trọng lượng. Tôm bơm tạp chất thường có hình dáng thẳng, mập, căng tròn bất thường; các đốt trên thân tôm giãn ra, phần đuôi xòe ra không thon; tôm có độ bóng nhìn bắt mắt, phần đầu và thân dễ bị tách rời nhau. Khi bơm agar vào tôm, nếu đầu tiêm mất vệ sinh sẽ dẫn đến mất VSATTP cho sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hoàn nói thêm.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.