Đảng Hy vọng – đối thủ nhưng vẫn có thể liên minh với LDP
Ngày 25/9, một chính đảng mới ra đời, mang tên Hy vọng (Kibo no To), do nữ thống đốc vùng thủ đô Tokyo - bà Yuriko Koike thành lập. Đảng Hy vọng của nữ thống đốc Koike tuyên bố là đối thủ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe, trong hàng loạt các vấn đề đối nội, như thuế VAT, điện hạt nhân nguyên tử…
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên trái) đang ngồi bên cạnh Chủ tịch đảng Hy vọng - NữThống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike tại cuộc tranh luận hôm 8/10/2017 (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, theo báo Yomiuri Shimbun, đảng này hoàn toàn có khả năng liên minh với đảng Dân chủ Tự do trong chủ trương sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của Thủ tướng Abe. Trong một cuộc tranh luận giữa 8 đảng phái tranh cử trên kênh NHK hôm chủ Nhật (8/10) vừa qua, thống đốc Tokyo, bà Koike tuyên bố không loại trừ khả năng lập liên minh với đảng Dân chủ Tự do, sau cuộc bầu cử Quốc hội 22/10. Theo một số thăm dò dư luận, chỉ riêng hai đảng Dân chủ Tự do và đảng Hy vọng nhận được khoảng 45% ý định bỏ phiếu của cử tri.
Khác biệt trong tranh cử
Đảng LDP của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Hy vọng của Thống đốc Tokyo - bà Yuriko Koike, là hai lực lượng bảo thủ chính, và có những điểm khác biệt trong vận động tranh cử về thuế và điện hạt nhân. Ông Abe nhấn mạnh việc cần tiến hành tăng thuế doanh thu và sẽ đầu tư các khoản thu lớn vào giáo dục thì bà Koike phản đối rằng mức tăng khoản thu thuế đã đẩy Nhật Bản vào suy thoái và cần phải hoãn lại.
LDP công bố sẽ tăng thuế hàng tiêu dùng VAT lên 10 % vào tháng 10/2019, và dành khoảng một nửa số thu nhập cho giáo dục và chi tiêu xã hội, nửa còn lại trợ giúp cho thâm hụt của Nhật Bản. Đảng của bà Koike muốn để thuế suất ở mức 8% trong thời gian này, đảm bảo cho sự phục hồi kinh tế có thể tiếp tục.
Cuộc bầu cử sẽ là cuộc đua chủ yếu giữa 3 bên: Thứ nhất là liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do và đảng Komeito, thứ hai là đảng Hy vọng và đảng Cách tân Nhật Bản, và thứ ba là đảng Cộng sản Nhật Bản, đảng Dân chủ Lập hiến và đảng Dân chủ Xã hội. |
Đảng Hy vọng muốn có một khoản thuế đối với việc dự trữ tiền mặt của các công ty lớn, nhằm đưa lượng tiền này trở lại xã hội chứ không “nằm im”. Các tập đoàn lớn đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong thời gian ông Abe đứng đầu chính phủ, và họ không muốn đưa tiền này vào tiền lương và đầu tư. Tuy thành viên trong chính phủ của Abe - Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, đã nhiều lần phàn nàn về các công ty dự trữ tiền mặt và không đầu tư, nhưng LDP đã không đưa ra bất kỳ kế hoạch nào để đánh thuế cho việc này.
LDP muốn khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã bị đóng cửa sau thảm họa Fukushima năm 2011, và coi đây là một nhu cầu kinh tế. Đảng Hy vọng muốn loại bỏ hạt nhân khỏi các nguồn năng lượng của Nhật Bản vào năm 2030.
LDP và đảng Hy vọng cùng đồng ý việc giữ thặng dư cán cân sơ cấp, một tiêu chí quan trọng để kiểm soát nợ. Nhưng LDP đã đưa mục tiêu đạt được việc này vào năm tài chính năm 2020 và chưa cung cấp một khung thời gian mới. Đảng Hy vọng cho biết họ sẽ đặt ra một thời biểu thực tế hơn, nhưng không đưa ra bất cứ ngày nào.
LDP có mục đích sử dụng thuế doanh thu để tài trợ miễn phí cho trường mẫu giáo với trẻ em từ 3 - 5 tuổi, và chăm sóc miễn phí cho trẻ dưới 2 tuổi của các gia đình có thu nhập thấp. Đảng Hy vọng của Koike không phản đối, nhưng lại gắn ý tưởng này với khái niệm "thu nhập cơ bản" để giúp đỡ người nghèo, mặc dù không cung cấp bất kỳ chi tiết nào.
Đảng của bà Koike đã sử dụng khẩu hiệu "Yurinomics" để mô tả nền tảng kinh tế của mình thay cho khẩu hiệu "Abenomics" của đảng LDP.
Mục đích chủ yếu của LDP trong cuộc bầu cử sớm là gì?
Ngày 25/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ giải tán Quốc hội, để tổ chức bầu cử sớm, cho dù theo một số thăm dò dư luận thì có đến 3/4 dân chúng chán ngán với các cuộc bầu cử liên tiếp, không ủng hộ chủ trương này. Thủ tướng Shinzo Abe cũng tuyên bố sẽ từ chức, nếu đảng của ông không hội đủ đa số.
Theo nhiều nhà quan sát, mục tiêu chủ yếu của việc thủ tướng Nhật yêu cầu bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn, là nhằm cho phép liên minh đảng cầm quyền hội đủ đa số ghế để thay đổi Hiến pháp, nhằm rảnh tay đối phó với Triều Tiên. Nếu xung đột bùng phát, Nhật Bản là đối tượng tấn công hàng đầu của Bình Nhưỡng, trong lúc một mặt, lá chắn quân sự của đồng minh Hoa Kỳ không còn là bảo đảm tuyệt đối, với chính sách “sớm nắng chiều mưa” của tổng thống Trump, và mặt khác, Hiến pháp “chủ hòa” không cho phép Tokyo phát triển các phương tiện riêng chủ động đáp trả đe dọa từ phía tây.
Cuối tháng 8, nửa đầu tháng 9/2017 vừa qua, đe dọa hạt nhân Triều Tiên đối với Nhật Bản tăng cao, với việc Bình Nhưỡng hai lần bắn thử tên lửa xuyên qua lãnh thổ Nhật Bản (ngày 28/8 và 15/9), và thử bom hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3/9, và đây cũng là vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên được coi là thành công của Bình Nhưỡng.
Dự định sửa đổi Hiến pháp (bao gồm một điều khoản đặc biệt cho phép đối phó với thảm họa lớn) đòi hỏi phải được 2/3 nghị sĩ của Quốc hội lưỡng viện thông qua. Tuy nhiên, theo Yomiuri Shimbun, nhật báo hàng đầu Nhật Bản, dự kiến của thủ tướng Nhật, đưa ra hồi tháng Năm, đã không được sự ủng hộ của đảng trung hữu Komeito, thuộc liên minh cầm quyền. Chiếm 51 ghế trên tổng số 722 ghế Quốc hội lưỡng viện, đảng Komeito có khả năng ngăn chặn bất cứ đề nghị sửa đổi nào của đảng đồng minh Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe. Để huy động được sự ủng hộ rộng rãi, thủ tướng Nhật muốn “xóa bài làm lại”, bằng cách tìm một liên minh mới giữa đảng Dân chủ Tự do với các đảng cánh hữu khác, bao gồm cả đảng Komeito và đảng đối lập Phục hưng Nhật Bản (Nippon Ishin no Kai). Đây là những đảng có chủ trương sửa đổi Hiến pháp.