| Hotline: 0983.970.780

Ra bờ sông vắng vẻ lập trại nuôi gà mía, nuôi lứa nào thắng lứa đó

Thứ Tư 07/06/2023 , 19:10 (GMT+7)

HÀ NỘI Thay vì chăn nuôi gần khu dân cư, anh Huấn ra bờ sông Đáy vắng vẻ xây dựng trang trại nuôi gà mía. Nhờ điều kiện phòng dịch tốt nên gà không bị dịch bệnh.

Theo sự chỉ dẫn của người bán gia cầm ở chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), chúng tôi tìm đến trang trại chuyên gà thịt của anh Đoàn Xuân Huấn ở Xuân Đình, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Được biết, anh Huấn nuôi gà hướng thả vườn từ năm 2012, tổng diện tích vườn trại gần 2.500m2. Trong đó chăn thả thường xuyên 10.000 con gà mía các loại, trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường 2.200 - 2.500 con gà thịt, lợi nhuận đạt 90 - 150 triệu đồng/tháng (tùy theo thời điểm xuất chuồng).

Các loại gà đều được nuôi thả trên vườn, dưới các tán cây rất mát mẻ. Ảnh: Hải Tiến.

Các loại gà đều được nuôi thả trên vườn, dưới các tán cây rất mát mẻ. Ảnh: Hải Tiến.

Tiếp khách ngay tại căn lều dựng tạm, anh Huấn kể, để có được khu vườn cho thu nhập ổn định này, anh phải đổi 7 sào ruộng của gia đình trong đồng lấy 7 sào đất ở vùng bãi ven ngã 3 sông Hồng - sông Đáy, không chủ động tưới tiêu, rồi cải tạo thành trang trại chăn nuôi gia cầm.

“Những ngày mới ra đây, rất nhiều đêm tôi bị mất ngủ vì hàng nghìn con gà đua nhau gáy cầm canh, nhất là vào mùa đông, cây ngô và các giàn đậu đỗ trên đồng giải hạ hết, gió từ sông thổi vào lều rét thấu xương, lại càng thêm khó ngủ. Sau quen dần, nhưng cũng phải rất kiên nhẫn tôi mới trụ được lâu dài ở đây”, anh Huấn nói.

Theo anh Huấn, lý do anh chọn nuôi gà mía bởi đây là giống gà có nguồn gốc tại địa phương, thích ứng tốt với điều kiện sinh thái khu vực, và cũng là giống ít bị lai tạp nhất trong số các loài gia cầm. Mặt khác, chất lượng thịt gà mía rất ngon, da giòn, dai, ít mỡ, hàm lượng dinh dưỡng cao, khi xuất chuồng con trống nặng tối đa 2,2 - 2,5kg/con, mái 1,8 - 2,1kg/con, rất phù hợp nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp cư dân có thu nhập thấp.

Trại nuôi gà trên 2 tháng tuổi của anh Huấn. Ảnh: Hải Tiến.

Trại nuôi gà trên 2 tháng tuổi của anh Huấn. Ảnh: Hải Tiến.

Trang trại của anh Huấn nằm ở ngoài đê sông Đáy, ngay khu vực ngã 3 sông Đáy - sông Hồng, cách xa các làng quê sở tại, giữa các trại chăn thả có rào lưới thép B40 ngăn cách, đảm bảo cách ly về không gian và thời gian rất rõ nét, như cách ly về thời gian có các trại chuyên gà chăn thả hậu bị (dưới 2 tháng tuổi), có trại nghỉ chờ 30 - 40 ngày và trại dành cho nuôi gà từ 2 tháng tuổi tới xuất chuồng.

Về không gian cũng có sự cách biệt giữa các trại này từ 50m trở lên. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, các loại gà đều được anh Huấn tiêm vacxin phòng dịch đúng lịch; máng ăn, bình uống cho gà luôn được tẩy rửa sạch sẽ, các loại cám cho gà ăn cũng luôn thơm mới, không ẩm mốc, ôi thiu.

Kinh nghiệm 11 năm nuôi gà mía, anh Huấn rút ra: Tỷ lệ hao hụt chăn nuôi xảy ra cao nhất ở thời kỳ gà dưới 2 tháng tuổi. Khắc phục nhược điểm này, con giống mới nhập chuồng trong 2 giờ đầu không cần cho ăn, chỉ cho uống nước cho tiêu hóa hết lòng đỏ còn lại. Sau đó mới cho gà ăn cám chuyên dùng, khoảng 3 - 4 ngày tiếp theo bắt đầu cho ăn cám hỗn hợp.

Anh Huấn thường xuyên vệ sinh máng ăn, bình uống cho gà. Ảnh: Hải Tiến.

Anh Huấn thường xuyên vệ sinh máng ăn, bình uống cho gà. Ảnh: Hải Tiến.

Chú ý, cho gà ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, gồm cám công nghiệp, Bcomplex và men tiêu hóa, giúp cho đàn gà tăng khả năng chống chịu.

Vào những ngày nắng nóng từ 35 độ C trở lên, phải cho gà uống điện giải vào sáng và trưa. Khoảng thời gian khác như buổi tối, ngày mưa, lúc mát trời... không cho gà uống điện giải vì dễ gây bệnh tiêu chảy. Gà ngoài 4 tháng tuổi phải cho ăn thêm cám ngô, cám gạo, bã rượu, bã bia. Trước xuất chuồng 10 - 12 ngày cho ăn 100% cám ngô, gạo sẽ dễ bán được gà thịt với giá cao.

Nên cho dần thức ăn vào máng, mỗi lần bổ sung một ít nhằm kích thích sự thèm ăn của gà, tiết kiệm thức ăn và hạn chế rơi vãi cám, tránh lãng phí. Gà dưới 2 tháng tuổi thường hay mắc bệnh tiêu chảy do rớt rãi gà dính trên bình, máng khi ăn uống, tạo ra môi trường thuận lợi phát sinh các loại dịch bệnh hại gà. Theo đó, việc vệ sinh máng ăn, bình uống của gà hàng ngày rất quan trọng. Đồng thời còn phải vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại triệt để sau mỗi lứa nuôi gà.

Gà nuôi thả dưới tán cây. Ảnh: Hải Tiến.

Gà nuôi thả dưới tán cây. Ảnh: Hải Tiến.

Ghi nhớ, có 2 dạng tiêu chảy trên gà: Do Gumboro (phân thải ra lỏng và đục như nước vo gạo), điều trị bằng bổ sung cho gà ăn Bcomplex + thuốc trị Gum (T.colivit); do Newcastle (phân gà thải ra có màu xanh dính máu), loại bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cần phát hiện tách riêng gà bị bệnh, kết hợp kiểm tra xem tiêm vacxin phòng bệnh đã đúng và đủ chưa.

Nhờ tạo được môi trường chăn nuôi thoáng đãng, rất mát mẻ về mùa hè và được khuyến nông Thành phố Hà Nội hỗ trợ kịp thời thuốc tẩy trùng chuồng trại nên các đàn gà nuôi của anh Huấn không xảy ra dịch hại lớn, chăn nuôi luôn có lãi. Trang trại của anh đã được Sở NN-PTNT Hà Nội công nhận đạt chuẩn chăn nuôi gà VietGAHP.

“Để mua được đúng giống gà mía, cần chọn những con có ngoại hình hơi thô, mình ngắn, đùi to,  mắt sâu, mào đơn, da đỏ, chân có 3 hàng vảy, lông gà trống màu tía, gà mái màu nâu xám hoặc vàng. Đặc biệt, tốc độ mọc lông của gà mía khá chậm”, theo anh Huấn.

Xem thêm
Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiên Giang khởi động 12 cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Ngoài 2 cánh đồng tại Tân Hiệp và An Minh được Bộ NN-PTNT phối hợp cùng tỉnh khởi động, Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động 10 cánh đồng ở các huyện còn lại.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).