| Hotline: 0983.970.780

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

Thứ Ba 05/11/2024 , 11:10 (GMT+7)

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.

Ngày 5/11, Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' được tổ chức tại Phú Thọ - một trong những địa phương sản xuất chè trọng điểm của cả nước. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 5/11, Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” được tổ chức tại Phú Thọ - một trong những địa phương sản xuất chè trọng điểm của cả nước. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 5/11, Cục Trồng trọt, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật (KHKT) Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” tại Phú Thọ.

Cây chè đã được khẳng định là cây kinh tế chủ lực của nhiều địa phương như Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh... và được Bộ NN-PTNT đưa vào Đề án phát triển 6 cây công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh các giống chè cũ, hiện nay đã có 32 giống chè mới cho chất lượng và năng suất cao, phù hợp với các vùng sản xuất, tạo ra đa dạng các sản phẩm có chất lượng cao. Các giải pháp kỹ thuật về canh tác chè được cải thiện, nhiều nơi đã áp dụng cơ giới hoá và khâu làm đất, bón phân, đốn hái, phun thuốc BVTV, tưới tiêu..., canh tác chè theo VIETGAP, theo hướng hữu cơ ngày càng được phổ biến, áp dụng ở nhiều tỉnh. 

Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc được thành lập với mục tiêu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nông lâm nghiệp phục vụ phát triển vùng Trung du miền núi phía Bắc, riêng đối với cây chè được giao triển khai trên toàn quốc. Khoa học công nghệ về chè có nhiều thành tựu trong công tác chọn tạo giống chè mới và các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác chè đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định diện tích 120.000ha và năng suất chè đạt 9,5 tấn/ha.

Giai đoạn 2019 – 2023, công tác nghiên cứu về cây chè được triển khai thực hiện 30 nhiêm vụ với tổng kinh phí 55 tỷ đồng (trong đó cấp bộ 7 nhiệm vụ; cấp nhà nước 4 nhiệm vụ). Từ các nhiệm vụ được giao, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã lựa chọn được bộ giống chè mới gồm 16 giống. Bên cạnh đó, các quy trình kỹ thuật canh tác bền vững gồm có 5 tiến bộ kỹ thuật cấp bộ và 13 quy trình kỹ thuật cấp cơ sở đã được ngành chè áp dụng trên hàng ngàn ha chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn chè hữu cơ góp phần tăng giá trị cho sản phẩm chè Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Lam, các giống chè mới như Hương Bắc Sơn, TRI5.0, PH12, PH14, LP18, TC4, LCT1, PH22, PH276, VN15, PH21... được đánh giá sinh trưởng khỏe, năng suất cao và chất lượng tốt. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Lam, các giống chè mới như Hương Bắc Sơn, TRI5.0, PH12, PH14, LP18, TC4, LCT1, PH22, PH276, VN15, PH21... được đánh giá sinh trưởng khỏe, năng suất cao và chất lượng tốt. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao”, TS Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè (Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) cho biết, thời gian qua, Viện đã có những bước tiến quan trọng trong công tác nghiên cứu, hoàn thiện và công nhận các giống chè mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất.

Cụ thể, phát triển thành công và công nhận 2 giống chè mới là Hương Bắc Sơn và TRI5.0. Đặc biệt, thực hiện theo yêu cầu của Luật Trồng trọt năm 2019, Viện đã tiến hành lập hồ sơ và được Cục Trồng trọt chấp nhận công nhận và tự công bố lưu hành 11 giống chè, bao gồm các giống nổi bật như VN15, LCT1, PH21, TC4, PH12, PH14, LP18, PH22, PH276, CNS141, CNS183 và Bát Tiên.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của sản xuất, Viện đã sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm để lập hồ sơ và gửi Cục Trồng Trọt đề nghị công nhận lại, tự công bố lưu hành cho các giống chè LDP1 và PH1.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Lam, các giống chè mới như Hương Bắc Sơn, TRI5.0, PH12, PH14, LP18, TC4, LCT1, PH22, PH276, VN15, PH21... đều được đánh giá là những giống chè sinh trưởng khỏe, năng suất cao và chất lượng tốt, góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa cơ cấu giống cũng như các sản phẩm chè của Việt Nam.

Hiện nay, 3 nhóm giống chè mới nghiên cứu phù hợp với định hướng sản phẩm chè bao gồm: Nhóm giống cho chế biến sản phẩm chè cao cấp như Ô long, chè xanh thơm, Mao Tiêm, Bích Loa Xuân; nhóm giống cho chế biến chè xanh chất lượng cao; nhóm giống cho chế biến chè hồng trà, bạch trà, chè đen, Phổ Nhĩ.

"Để tiếp tục phát triển nguồn giống chất lượng, Viện đã và đang duy trì và thu thập nguồn vật liệu từ cả trong và ngoài nước. Hiện nay, Viện đang lưu giữ 406 nguồn gen chè, đồng thời khai thác 17 vườn cây đầu dòng với diện tích 31,3ha. Bên cạnh đó, Viện đang quản lý và bảo tồn142 cây chè shan tại xã Yên Cư (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) và nhiều cây chè đầu dòng khác tại các vùng như Thanh Ba (Phú Thọ).

Đặc biệt, thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Viện đã thành công trong việc bảo vệ quyền lợi cho 03 giống chè mới gồm Hương Bắc Sơn, LCT1 và TRI5.0, được cấp quyết định bảo hộ giống cây trồng mới. Đây là bước đầu để phát triển thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, tạo tiền đề vững chắc cho ngành chè phát triển bền vững trong tương lai", TS Nguyễn Thị Hồng Lam cho biết.

Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã lựa chọn được bộ giống chè mới gồm 16 giống chè cùng các quy trình kỹ thuật canh tác bền vững. Ảnh: Quỳnh Chi.

Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã lựa chọn được bộ giống chè mới gồm 16 giống chè cùng các quy trình kỹ thuật canh tác bền vững. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các quy trình canh tác chè hiện nay đã giúp thay đổi tập quán canh tác chè của người dân và các doanh nghiệp sản xuất chè, tạo ra nguyên liệu chè búp tươi đạt tiêu chuẩn an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè.

Thời gian tới, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết sẽ chú trọng phát triển các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chịu hạn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời, các giống chè mới cũng được nghiên cứu để có hàm lượng polyphenol cao, phục vụ cho sản xuất chè chất lượng cao và các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử và hóa sinh chè để cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh hại, nâng cao năng suất và chất lượng của giống chè.

Về nghiên cứu canh tác chè, Viện tập trung nghiên cứu quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cây chè, bao gồm lựa chọn vật liệu hữu cơ, khoáng chất, chất cải tạo đất và cây che bóng phù hợp nhằm ổn định độ phì nhiêu đất. Đặc biệt, các nghiên cứu này tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất chè hữu cơ cho các vùng miền núi phía Bắc, xây dựng quy trình sản xuất chè hữu cơ bền vững.

Viện cũng nghiên cứu quy trình phục hồi nương chè suy thoái và tái canh chè trên các vùng đất trồng chè lâu năm giúp cải thiện năng suất và chất lượng chè dài hạn. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cao (công nghệ 4.0) trong sản xuất chè để tăng cường khả năng thích ứng của cây chè với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.