Đây là bản tiếng Việt của cuốn sách “Diversity of Agroforestry Practices in Viet Nam”, một ấn phẩm được ICRAF Việt Nam giới thiệu năm ngoái. Bản tiếng Việt của cuốn sách này do TS Nguyễn Mai Phương, TS Rachmat Mulia và TS Nguyễn Quang Tân biên soạn.
Cuốn sách mô tả sự đa dạng về các thực hành canh tác nông lâm kết hợp ở Việt Nam. Mỗi thực hành nông lâm kết hợp được trình bày trong cuốn sách đều bao gồm thành phần thực vật, sự phân bố trên toàn quốc, các lợi ích ngắn hạn và tiềm năng lâu dài.
Theo đó, phát triển nông lâm kết hợp có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện và đạt các mục tiêu của một số chính sách quốc gia. Kế hoạch Hành động Quốc gia của Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030 cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển một nền nông nghiệp vùng cao bền vững hơn.
Đồng thời, đóng góp Quốc gia tự quyết định đến năm 2030 của Việt Nam đã hướng tới việc loại bỏ khí nhà kính và bảo tồn đất bằng các hệ thống canh tác nông lâm kết hợp. Ngoài ra, tầm quan trọng của nông nghiệp trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu đã được chính thức thừa nhận thông qua Hợp tác Koronivia về nông nghiệp tại Hội nghị COP 23 về biến đổi khí hậu.
"Cuốn sách sẽ giúp nông dân sử dụng đất bền vững, giảm thiểu rủi ro từ những biến động của thị trường, biến đổi khí hậu, đồng thời giảm bớt tác động của mất an ninh lương thực và gần đây là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Chúng tôi tin rằng cuốn sách sẽ mang đến những tác động tích cực lâu dài, sâu sắc hơn không chỉ cho việc nghiên cứu, phát triển nông lâm kết hợp ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới", TS Nguyễn Quang Tân, Trưởng đại diện của ICRAF Việt Nam, đồng tác giả của cuốn sách cho hay.