| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cách mạng cà phê chè ở Việt Nam nhờ mô hình nông lâm kết hợp

Thứ Ba 14/06/2022 , 07:14 (GMT+7)

Các giống cà phê chè (Arabica) lai tạo được canh tác theo mô hình nông lâm kết hợp tại khu vực Tây Bắc cho thấy nhiều triển vọng phát triển.

Tại buổi hội thảo công bố kết quả trồng thử nghiệm các giống cà phê chè (Arabica) lai tại khu vực Tây Bắc do Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển Pháp (CIRAD) tổ chức gần đây, các chuyên gia nhận định các giống lai tạo F1 cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội cả  về mặt năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu.

Thu thập dữ liệu và nghiên cứu các giống cà phê chè lai tại thực địa và trong phòng thí nghiệm. Ảnh: CIRAD.

Thu thập dữ liệu và nghiên cứu các giống cà phê chè lai tại thực địa và trong phòng thí nghiệm. Ảnh: CIRAD.

Vì lợi ích của người nông dân

Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil với sản lượng chủ yếu là cà phê robusta, chiếm 95%. Trong khi đó, cà phê chè (arabica) lại không phải thế mạnh của Việt Nam dù sở hữu nhiều đặc điểm tốt như khả năng kháng sâu bệnh, cây trưởng thành sớm, năng suất cao do chất lượng hạt không được đánh giá cao.

Tháng 12/2019, hơn 3.000ha cà phê đã thiệt hại sau một đợt rét lạnh cực đoan tại tỉnh Sơn La. Theo các chuyên gia, đến năm 2025, hơn một nửa diện tích cà phê trên khoảng 20.000ha tại khu vực Tây Bắc cần phải tái canh.

“Trồng cà phê bắt đầu nở rộ ở Việt Nam khoảng 30 năm về trước, tuy nhiên các giống hiện tại ít có khả năng tương tích với tình hình biến đổi khí hậu trong những năm tới”, ông Pierre Marraccini, nhà nghiên cứu của CIRAD cho biết.  

Điều này đã thúc đẩy CIRAD, Tập đoàn ECOM - một trong những tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới và các viện nghiên cứu của Việt Nam cùng hợp tác thử nghiệm các giống cà phê lai F1 được lựa chọn từ Trung Mỹ để trồng tại Việt Nam.

Dự án “Đánh giá và lựa chọn giống cà phê cho hệ thống nông lâm kết hợp" (BREEDCAFS) được triển khai tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên từ năm 2017 nhằm lai tạo, thử nghiệm các giống cà phê chè F1 mới với chất lượng tốt, năng suất cao nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất cà phê ở vùng Tây Bắc và hỗ trợ người nông dân chuyển đổi canh tác với mô hình xen canh cây lây năm, cây có bóng với cây ngắn ngày.

Theo nhà nghiên cứu của CIRAD Clement Rigal, đây là mục tiêu quan trọng đối với Việt Nam trước tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sản lượng cà phê. “Với hai mục tiêu đặt ra, chúng tôi đã lựa chọn và lai tạo 4 giống cà phê F1 thỏa mãn các tiêu chí về sản lượng và phù hợp với tiểu khí hậu tại các địa điểm thử nghiệm”, ông Rigal cho biết.

Chuyên gia CIRAD Clément Rigal công bố kết quả thử nghiệm cà phê chè lai F1 tại Việt Nam sau 5 năm. Ảnh: Linh Linh. 

Chuyên gia CIRAD Clément Rigal công bố kết quả thử nghiệm cà phê chè lai F1 tại Việt Nam sau 5 năm. Ảnh: Linh Linh. 

Kết quả thử nghiệm cho thấy các giống cà phê chè lai F1 gồm Starmaya, Marsellesa, Centroamericano H1, Mundo Maya H16 được trồng tại các địa điểm thử nghiệm với các điều kiện tiểu khí hậu khác nhau tại Mường Ăng, Muổi Nọ (nóng và mưa nhiều), Mường Chanh, Chiềng Mai, Chiềng Pha (nhiệt độ trung bình, lượng mưa thấp), Tỏa Tình (lạnh, mưa nhiều) đều cho ra sản lượng tốt.

“Điều đáng mừng là chúng tôi đã tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề liệu giống lai có phù hợp với điều kiện của địa phương hay không. Kết quả cho thấy các giống cây đều phù hợp với điều kiện khí hậu ở khu vực Tây Bắc và ở độ cao càng lớn, cây phát triển càng tốt, cho sản lượng càng cao, cho thấy triển vọng của các giống này trong tương lai”, ông Rigal khẳng định.

Về chất lượng hạt cà phê, trong khi giống Catimor bản địa cho tỷ lệ hạt lép và hạt lỗi khá cao thì các giống lai, đặc việt là giống Centroamericano H1 cho các hạt cà phê có kích thước lớn, chất lượng được cải tiến đáng kể, có vị thơm và hậu vị sau khi uống.

"Mức sản lượng cao, cao hơn năng suất trung bình trong khu vực từ 10 đến 15%, kết hợp với chất lượng thưởng thức tốt hơn sẽ đảm bảo thu nhập xứng đáng hơn cho người sản xuất", đại diện CIRAD khẳng định.

Việc giới thiệu và khảo nghiệm các giống mới này trước tiên được Liên minh châu Âu tài trợ thông qua dự án “Đánh giá và lựa chọn giống cà phê cho hệ thống nông lâm kết hợp" (BREEDCAFS) từ năm 2017 đến năm 2022, được Liên minh châu Âu và AFD tài trợ thông qua dự án ASSET kể từ năm 2021 đến năm 2024. 

Mô hình nông lâm kết hợp - hướng đi tất yếu

Kết quả trồng thử nghiệm cũng cho thấy canh tác cà phê chè theo mô hình nông lâm kết hợp là một hướng đi đúng đắn. Nhờ tận dụng bóng cây lây năm, cây cà phê con được tạo điều kiện sinh trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, mô hình trồng xen canh này cũng mang lại nhiều lợi ích giúp tăng và đa dạng hóa thu nhập từ cây ăn quả hoặc cây lấy gỗ, cải thiện độ phì nhiêu của đất, điều tiết tiểu khí hậu hay giúp cô lập các bon…

Theo các chuyên gia, mô hình này phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất đai, đa dạng hóa cây trồng, tạo thêm nguồn thu nhập và việc làm cho người dân…

Dù có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng theo các chuyên gia của CIRAD mô hình cũng có một số điểm hạn chế như xảy ra cạnh tranh tăng trưởng giữa cây cà phê và cây lâu năm cũng như khả năng bị bóng của tán cây lâu năm che phủ, dẫn đến giảm năng suất cà phê. Vì vậy, các giống cà phê chè cũng được lai tạo để thích ứng ở điều kiện xen canh này.

Dự án 'Đánh giá và lựa chọn giống Cà phê cho hệ thống nông lâm kết hợp (BREEDCAFS)' khởi động từ năm 2017. Ảnh: NOMAFSI.

Dự án "Đánh giá và lựa chọn giống Cà phê cho hệ thống nông lâm kết hợp (BREEDCAFS)" khởi động từ năm 2017. Ảnh: NOMAFSI.

“Tất cả các giống đều có năng suất tương đương khi độc canh. Nhưng chỉ các giống lai F1 mới duy trì được năng suất cao trong điều kiện nông lâm kết hợp. Xác định mô hình này là một hướng đi tất yếu, không thể đi ngược, chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ để tiếp tục đánh giá về khả năng thích nghi của giống cây trồng trong điều kiện phủ bóng ở giai đoạn hai của dự án”, ông Rigal nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi về lợi ích cũng như chất lượng sản phẩm trong trong canh tác cà phê chè tại Việt Nam theo mô hình nông lâm kết hợp. Chuyên gia CIRAD cho biết dự án đã nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa sản xuất, chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp Việt Nam để lai tạo và phát triển các giống cà phê chè mới. Kết quả sau 5 năm thử nghiệm cho thấy cây cà phê được trồng ở độ cao lớn, chất lượng và sản lượng đều tốt và kết quả này cũng đúng với những cây trồng ở độ cao vừa phải nhưng được phủ bóng dưới cây lâu năm. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch của các giống mới cũng lâu hơn 1 đến 1 tháng rưỡi so với thời gian thu hoạch của giống Catimor (32 tuần).

Theo Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) Lưu Ngọc Quyến, thời gian chín của cây cà phê chè lai rất tập trung, tỷ lệ quả xanh thấp, thời gian thu hoạch muộn giúp cây tích lũy chất dinh dưỡng tốt hơn, từ đó chất lượng cà phê chè cũng cao hơn.

Các chuyên gia cho rằng mô hình nông lâm kết hợp cũng là một giải pháp cho vấn đề phá rừng hiện nay. Các giống cà phê chè lai mới cho sản lượng cao, cho chất lượng sản phẩm tốt, từ đó giúp tăng nguồn thu cho người nông dân sẽ là cơ sở để vận động người dân chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái và tránh làm tổn hại đến nguồn tài nguyên rừng.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.