Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 là “bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, có thể nói, đây là chủ đề rất rộng, để thực hiện phải có thời gian lâu dài và xuyên suốt.
Nguy cơ thực phẩm mất an toàn luôn hiện hữu, để phòng chống có hiệu quả cần phải làm một cách bài bản. Không để xảy ra các vụ việc ngộ độc mới tìm cách phòng chống.
"Được dùng thực phẩm sạch, an toàn là quyền và yêu cầu chính đáng của người dân, những người làm quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ cố gắng hết sức, quyết không để miếng ăn của người dân mãi trở thành nỗi lo. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình và gia đình trước những mối hiểm họa do thực phẩm không an toàn gây ra; tạo thói quen kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, chọn điểm mua sắm tin cậy, tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm 2023 được triển khai đồng bộ tại 10 Đội Quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn 21 quận/huyện và Thành phố Thủ Đức; các chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP.HCM.
"Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp.
Thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Song song đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm", Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho hay.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 hướng đến các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cụ thể:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 34, Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm tại từng địa phương.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tập trung kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.
Ngoài ra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định tại Chương II và Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018.
Nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; Về quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018.
Kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật an toàn thực phẩm và thông tư của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương...