| Hotline: 0983.970.780

Rà soát, tiêm phòng vacxin bổ sung cho đàn gia súc

Thứ Hai 28/11/2022 , 07:07 (GMT+7)

Tiến độ tiêm phòng vacxin đợt 2 cho đàn gia súc trên địa bàn Hà Tĩnh mới đạt 55-72% nên ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, hoàn thành tiêm bổ sung trước 30/11.

Empty

Huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh tập trung tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc. Ảnh: Thanh Nga.

Kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp tết

Thời điểm này, thời tiết ở Hà Tĩnh mưa dầm, ẩm độ cao, điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm… phát sinh, gây hại. Mặc dù cán bộ chuyên môn lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng song kết quả tiêm đợt 1 và đợt 2 đều chưa đạt như mong muốn.

Tính đến ngày 16/11, tỷ lệ tiêm phòng đợt 2 trên đàn trâu, bò của Hà Tĩnh đạt 59,4% đối với bệnh lở mồm long móng, 54,7% với bệnh tụ huyết trùng. Tỷ lệ tiêm trên đàn lợn lần lượt hơn 72% đối với dịch tả lợn và 72% với bệnh tụ huyết trùng.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh cho hay, để kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đơn vị đang cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở đốc thúc, phối hợp rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi chưa được tiêm, nhất là đàn gia súc. Tuy nhiên, muốn đạt kế hoạch đặt ra cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ý thức của người chăn nuôi.

Xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên có tổng đàn trâu bò gần 1.700 con, trong đó, có 6 trang trại lợn với quy mô hơn 5.000 con. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, UBND xã Cẩm Sơn đã chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với các thôn rà soát tổng đàn trong diện phải tiêm, tuyên truyền để người dân hiểu về tác dụng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật bảo quản, tiêm vắc xin, kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức tiêm phòng, theo dõi đàn vật nuôi trong và sau quá trình tiêm...

Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế của một bộ phận người chăn nuôi nên tiến độ tiêm của xã Cẩm Sơn và huyện Cẩm Xuyên đang rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ tiêm vắc xin lở mồm long móng toàn huyện mới được 32,8% đối với trâu bò, 30,2% với bệnh tụ huyết trùng. Trên đàn lợn lần lượt hơn 20% đối với dịch tả lợn và 21% với bệnh tụ huyết trùng lợn.

“Hầu hết các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khi xảy ra trên địa bàn tỉnh thường khởi phát ở Cẩm Xuyên và lây lan diện rộng. Do đó từ nay đến cuối năm, ngoài việc đề nghị sự trợ giúp từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y, huyện Cẩm Xuyên phải chủ động trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng bổ sung, nâng cao vai trò của thú y cơ sở. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ đàn gia súc, tăng sản lượng thịt cho tỉnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của chính quyền địa phương sẽ góp phần rất lớn nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi. Các huyện như Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê… tỷ lệ tiêm phòng thường đạt cao từ 75% đến 90%, đây là nỗ lực rất đáng biểu dương, ghi nhận.

z3849071134514_3bfad62291819e587687c25485290835

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi sức khỏe gia súc sau tiêm phòng vacxin. Ảnh: Thanh Nga.

Phấn đấu hoàn thành tiêm bổ sung đợt 2 trước 30/11

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chị thị về việc chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn.

Ngay trong ngày đầu triển khai tiêm phòng đợt 2/2022, xã Thịnh Lộc và xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà đã tiêm được gần 600 con trâu, bò. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi cũng như tăng tỷ lệ tiêm phòng, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà đã bố trí cán bộ bám sát địa bàn hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện và xử lý các trường hợp sốc phản vệ.

Cùng với tiêm phòng, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cũng đã nhắc nhở người chăn nuôi dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh cho rằng: “Muốn thực hiện đạt kế hoạch kết thúc tiêm phòng trước 30/11, đòi hỏi chính quyền các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ dân chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tiêm phòng đủ số lượng, đúng số lượng liều cho đàn vật nuôi; rà soát tổng đàn để tiêm phòng bổ sung theo quy định. Ngoài ra, bản thân các hộ chăn nuôi cũng cần nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định để bảo vệ tài sản của gia đình mình trước dịch bệnh”.

Huyện Lộc Hà hiện có gần 11.000 con trâu, bò, khoảng 10.000 con lợn và hơn 283.000 con gia cầm. Theo dự kiến, từ nay đến hết tháng 11, toàn huyện sẽ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% đối với tất cả các loại gia súc, gia cầm theo kế hoạch đề ra. Việc tiêm phòng sẽ được thực hiện cuốn chiếu từ địa phương này đến địa phương khác.

Empty

Lực lượng chuyên môn rà soát đàn gia súc chưa tiêm phòng để tổ chức tiêm, phấn đấu hoàn thành đợt 2 trước ngày 30/11. Ảnh: Tâm Phùng.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y hà Tĩnh cũng cảnh báo, hiện tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh Hà Tĩnh khá lớn, song chủ yếu chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ (nhất là trâu bò, gia cầm) khó áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh; tỷ lệ tiêm phòng đợt 1 và đợt 2 chưa đạt như kỳ vọng.

Cùng với đó, mầm bệnh hiện nay phát tán, lưu cữu trong môi trường nhiều; dịch bệnh từ các tỉnh trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp; lưu lượng vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động những tháng cuối năm tăng cao… nên nguy cơ bùng phát, lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm như lở mồm long móng, cúm gia cầm là rất cao. Vì vậy việc theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để phát hiện, phòng chống kịp thời là giải pháp tối ưu để bảo vệ đàn vật nuôi, ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán.

Năm 2023, song song với thực hiện kế hoạch tiêm phòng định kỳ, để phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung khuyến khích chăn nuôi quy mô lớn, tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng có kiểm soát, an toàn dịch bệnh.

Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn, kiên trì phát triển theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ môi trường chăn nuôi. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển mô hình chăn nuôi bò quy mô từ 10 con trở lên theo hình thức bán chăn thả, nuôi nhốt hoàn toàn; chăn nuôi gia cầm quy mô lớn và vừa ở những vùng có lợi thế chăn nuôi gà thả vườn đồi thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh; vùng chăn nuôi gà trên đất cát ven biển, ven sông như huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên… Kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thịt và phòng chống dịch bệnh.

                                                                                           

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng đào Tết

Quảng Ninh Nhờ cây đào Tết, nhiều hộ dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vươn lên khá giả.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.