| Hotline: 0983.970.780

Không tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, trâu bò chết không được hỗ trợ

Thứ Hai 11/07/2022 , 16:28 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Trâu, bò thuộc đối tượng tiêm phòng, nếu không tiêm mà để xảy ra dịch, bị chết buộc phải tiêu huỷ thì chủ chăn nuôi sẽ không được hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh.

Thực hiện kế hoạch của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị về tiêm phòng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò năm 2022, hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị đang triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò, trên địa bàn tỉnh.

Thú y tổ chức tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò ở Quảng Trị. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Thú y tổ chức tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò ở Quảng Trị. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Đến đầu năm 2022, tổng đàn trâu bò của tỉnh Quảng Trị hơn 77.600 con, trong đó đàn trâu hơn 20.700 con, đàn bò hơn 56.800 con. Từ ngày 01/7/2022 đến ngày 20/7/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 2 tháng tuổi trở lên. Chủng loại vacxin tiêm phòng là vacxin Lumpyvac (Lumpy skin desease virus vaccine).

Việc tiêm phòng sẽ diễn ra nhanh gọn, đảm bảo tiến độ, đúng thời gian, đúng yêu cầu kỹ thuật; tuân thủ các quy trình kỹ thuật, các bước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y và nhà sản xuất vacxin.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cũng sẽ đảm bảo thực hiện tốt công tác giám sát đàn trâu, bò sau khi tiêm để xử lý kịp thời các trường hợp phát bệnh có thể xảy ra, đặc biệt tại các ổ dịch cũ. Đồng thời lập danh sách và ghi chép đầy đủ, chính xác số trâu, bò được tiêm phòng, có xác nhận của chủ hộ và chính quyền địa phương. Sau khi tiêm, tỷ lệ tiêm phòng sẽ đạt trên 80% so với tổng đàn, 100% so với diện tiêm ở các vùng tiêm phòng bắt buộc.

Bệnh viêm da nổi cục rất dễ lây lan, vì vậy việc tiêm phòng vacxin là yêu cầu rất quan trọng để phòng ngừa, khống chế bệnh này. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Bệnh viêm da nổi cục rất dễ lây lan, vì vậy việc tiêm phòng vacxin là yêu cầu rất quan trọng để phòng ngừa, khống chế bệnh này. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, Chi cục đã chỉ đạo thành lập các tổ tiêm phòng với thành phần gồm nhân viên thú y, nhân viên khuyến nông, trưởng thôn, thú y đang hành nghề tại địa phương…

Căn cứ vào số lượng trâu, bò và tình hình thực tế tại địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã triệu tập lực lượng thú y cơ sở, khuyến nông viên cơ sở xây dựng kế hoạch tiêm phòng phù hợp, đảm bảo tiêm phòng theo đúng lịch, không tiêm phòng dàn trải, kéo dài; hạn chế tối đa lượng vacxin dư thừa.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố, thị xã phân công cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai tiêm phòng, giám sát trước, trong và sau tiêm phòng. Những đàn trâu, bò thuộc đối tượng tiêm phòng, nếu không chấp hành tiêm phòng mà để xảy ra dịch, bị chết buộc phải tiêu huỷ thì chủ chăn nuôi sẽ không được hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.