| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An chủ động tiêm phòng cho vật nuôi để quản lý dịch bệnh

Thứ Ba 15/11/2022 , 10:10 (GMT+7)

Nghệ An có đàn vật nuôi lớn nhưng quy mô nông hộ chiếm phần đa, để ứng phó dịch bệnh đòi hỏi người dân phải có ý thức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

Empty

Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm phần nhiều, do đó Nghệ An phải chủ động công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm để quản lý tốt với dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Những năm qua, ngành chăn nuôi Nghệ An có nhiều bước chuyển khá tích cực, năng suất và chất lượng các loại sản phẩm không ngừng được nâng lên. Đến nay toàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Năm 2022 ngành chăn nuôi địa phương tiếp tục duy trì bước tiến lớn nhờ tốc độ tăng trưởng đạt 5,76%, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần đạt 47,94%. Trong 10 tháng đầu năm tổng đàn trâu ước 267.682 con (giảm 0,68% so với cùng kỳ năm trước), đàn bò 513.806 con (tăng 3,71%), đàn bò sữa 76.752 con, đàn lợn 950.012 con (tăng 2,97%), đàn gia cầm 31.848 nghìn con (tăng 7,84%).

Ngoài ra, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của Nghệ An trong 10 tháng qua ước đạt đến 230.000 tấn, tăng 5,26% so với cùng kỳ, sản lượng sữa 235 nghìn tấn. Dự kiến cả năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng 285.000/ KH 282.000 tấn, sản lượng sữa tươi 283.000 /KH 265.000 tấn…

Những con số tuyệt vời như trên là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ định hướng, chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT, của chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An, kết hợp sự chủ động của toàn ngành NN-PTNT địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Đơn vị này đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu và chỉ đạo thực hiện, xứng đáng là chiếc cầu nối, chất keo kết dính hữu hiệu để lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả các chủ trương, kế hoạch, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm (dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, dại chó, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính…).

Điều này là dễ hiểu bởi Nghệ An dù có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ lớn. Hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm thường xuyên nhưng công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh tại nhiều địa phương chưa chặt chẽ. Trong khi đó, công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm chưa được người chăn nuôi chú trọng. Từ nhu cầu đặt ra, việc chủ động xây dựng kế hoạch, ứng phó với dịch bệnh là hết sức cấp thiết, để làm được ngoài vai trò định hướng, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, cần thêm cả ý thức, trách nhiệm của chính người chăn nuôi.

Empty

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An hướng dẫn, truyền tải thông tin để người chăn nuôi chủ động hơn trong công tác quản lý và ứng phó với dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Trong các loại dịch bệnh cần đặc biệt quan tâm tiêm phòng có dịch lở mồm long móng. Bệnh này được Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) xếp đầu tiên ở bảng A đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất cho ngành chăn nuôi do tốc độ lây lan vi rút nhanh, luôn tiến hóa và thay đổi độc lực, do đó khi bùng phát gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Ý thức được hậy quả, Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiêm phòng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xuất hiện, lây lan của loại dịch này. Hàng năm, tỉnh đều có chủ trương cấp vắc xin LMLM tiêm phòng cho đàn gia súc khu vực miền núi,vùng đệm chăn nuôi bò sữa; vùng ổ dịch; vùng ổ dịch cũ; vùng nguy cơ cao; vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm; vùng nuôi có các chợ buôn bán trâu, bò lớn... Bên cạnh đó, nhất thiết UBND các huyện, người chăn nuôi phải chủ động mua vắc xin tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi.

Điều kiện thời tiết trong mùa mưa lũ được xem là “chất xúc tác” giúp mầm bệnh tồn lưu trong các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, thu gom động vật, hố tiêu hủy... có cơ hội xuôi theo nguồn nước phát tán ra môi trường, không loại trừ các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, dại… sẽ xuất hiện và bùng phát ra diện rộng.

Áp dụng phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải có trách nhiệm thực hiện chủ trương chung, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng; tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, kịp thời dập dịch; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh động vật...

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.