Kênh mương “cõng” rác thải
Nhiều tuyến kênh mương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang phải “cõng” một lượng rác khổng lồ, gây khó khăn trong việc điều tiết nước sản xuất, ô nhiễm môi trường và đe dọa về an toàn các tuyến kênh mương.
Điển hình như đoạn cuối kênh chính Nam (hệ thống thủy nông Đồng Cam) tại khu vực Lù 3, nơi giao nhau với quốc lộ 1 thường xuyên ứ đọng một lượng lớn rác thải sinh hoạt các loại gồm bao bì, chai lọ, túi nilon, hộp nhựa và có cả xác động vật chết, gây bốc mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường.
Bà Võ Thị Hồng Thoa, ở khu phố 2, phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) có quán ăn gần đoạn kênh này cho biết, mặc dù mỗi tuần địa phương đều tổ chức 2 lần thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý. Tuy nhiên lượng rác thải hằng ngày vứt xuống kênh quá nhiều nên không thể xử lý hết.
Có những lúc gia đình bà phải thuê người vớt gia súc chết trôi xuống rồi mắc kẹt tại đây để đưa đi xử lý, nếu không sẽ gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến quán ăn.
Tương tự tuyến kênh KC2 qua xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) hiện cũng đang “cõng” một lượng rác thải sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Tải, một người dân ở xã An Ninh Đông cho biết, một số hộ dân vì thiếu ý thức nên vứt rác thải bừa bãi xuống kênh. Rác thải tấp ở những điểm cống lấy nước, nhất là khu vực cuối tuyến kênh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, đơn vị đang quản lý 74 tuyến kênh mương với chiều dài 396 km chảy qua hàng trăm khu dân cư, để đưa nước về phục vụ hơn 36.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Điều đáng nói với nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất trên, đơn vị đã phải gồng mình thu gom và vận chuyển để xử lý lượng lớn rác thải trên nhiều tuyến kênh. Không những thế nhiều hộ dân còn lấn chiếm bờ kênh xây dựng các công trình trái phép.
Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết thêm, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, không vứt rác xuống kênh mương, hằng năm công ty còn chi hàng chục triệu đồng để thuê người thu gom, vận chuyển rác tại các tuyến kênh.
Năm 2022, riêng kênh chính Nam, công ty đã chi hơn 65 triệu đồng để trục vớt và xử lý rác thải. Ngoài ra, công ty đã thành lập 10 trạm phụ trách 74 tuyến kênh mương với hơn 180 người, không chỉ thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước mà còn tham gia thu gom, xử lý rác thải tại các tuyến kênh quản lý.
Cần xử nghiêm hành vi xả rác xuống kênh mương
Theo ông Nguyễn Minh Huệ, việc tổ chức thu gom, xử lý rác thải trên các tuyến kênh mương cũng chỉ là giải pháp tạm thời mang tính tình thế. Trong khi đó, hiện nay khi phát hiện các hành vi vi phạm trên hệ thống kênh mương, đơn vị chỉ có thể lập biên bản giao cho chính quyền địa phương xử lý. Do đó, công ty mong muốn các sở, ngành và chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công ty cũng đang nỗ lực phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng quy chế phối hợp thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, xác động vật chết xuống kênh mương gây cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa về an toàn các tuyến kênh mương.
"Thời gian qua, các địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc tuyên truyền người dân không xả rác thải và súc vật chết xuống kênh hệ thống kênh thủy nông Đồng Cam nhằm đảm bảo dòng chảy phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Thiết nghĩ để giải quyết triệt để tình trạng vứt rác thải xuống kênh mương, điều quan trọng là phải thay đổi ý thức của người dân. Các địa phương cần có chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Cùng với đó, cần lắp đặt các rào chắn rác; lắp đặt camera giám sát ở những khu vực xả rác nghiêm trọng.