| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối rác thải nông thôn ở Hải Phòng

Rác thải tràn lan khắp làng quê

Thứ Tư 30/03/2022 , 16:12 (GMT+7)

TP. Hải Phòng hiện có khoảng 822 tấn rác thải nông thôn phát sinh hàng ngày tại 8 huyện nhưng việc thu gom, xử lý đang còn ngổn ngang nhiều vấn đề cần giải quyết.

Rác thải được tập kết tràn lan tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, vị trí tập kết ven đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Rác thải được tập kết tràn lan tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, vị trí tập kết ven đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Chỗ nào cũng quá tải

Tại các huyện ngoại thành Hải Phòng, các địa phương lâu nay vẫn được đầu tư và có kinh phí nhất định để xử lý rác thải nông thôn. Tuy nhiên, nhiều năm nay tại một số địa phương việc này chưa được xử lý dứt điểm và trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân. Ghi nhận thực tế, nhiều tuyến đường trở thành điểm xả rác, tập kết rác gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường khi lượng rác thải tồn đọng quá tải mà không được xử lý kịp thời.

Tại các huyện như An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Kiến Thụy và quận Kiến An... một số nơi, rác thải sinh hoạt của người dân lâu nay vẫn chất ngổn ngang đủ mọi sắc màu nằm lăn lóc bên vệ đường. Rác thải ở đây, chủ yếu như cuống rau, ruột cá, vỏ trái cây các loại, còn lại là rác vô cơ, như vỏ hộp sữa tươi, sữa chua, giấy, túi nilong... Bị ùn ứ lâu ngày, không được thu gom nên ruồi nhặng đu bám, bốc mùi hôi thối.

Việc rác thải tập kết bừa bãi khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, người dân đi qua khu vực này thường phải đeo kín khẩu trang kín mít và điều khiển phương tiện đi thật nhanh để hạn chế tối đa việc hít thở mùi hôi thối từ rác. Người dân ở đây, thời gian gần đây, dường như đã chuyển dần từ trạng thái bức xúc sang ngao ngán, bất lực về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Vấn nạn rác thải vẫn còn tồn tại ở một số điểm nóng như: thôn Phác Xuyên, xã Bạch Đằng (Tiên Lãng), ven đường tỉnh 359, đoạn chạy qua các xã Tân Dương, Thủy Đường, Hòa Bình hoặc đường tỉnh 352 đoạn qua xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên), đường liên xã An Thọ, Chiến Thắng, Trường Thọ (huyện An Lão).

Cùng với những địa phương trên, ven đường tỉnh 354 đoạn chạy qua các xã Mỹ Đức, Chiến Thắng (huyện An Lão), thị trấn Tiên Lãng, đường tỉnh 361 đoạn qua các xã Minh Tân, Tân Phong, Tú Sơn (huyện Kiến Thụy), hay đường liên xã Thanh Lương, Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo)... tình trạng rác thải nông thôn vứt bừa bãi, bốc mùi hôi thối cũng xảy ra.

Những bãi rác tự phát ngay gần nơi sản xuất nông nghiệp và khu dân cư là không hiếm tại các huyện ngoại thành Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Những bãi rác tự phát ngay gần nơi sản xuất nông nghiệp và khu dân cư là không hiếm tại các huyện ngoại thành Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Ngô Quang Tấn, người bán quần áo cách bãi rác xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên khoảng 400m bực bội cho biết, việc đốt rác xảy ra gần như thường xuyên trong 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống gia đình anh, nhất là vào giai đoạn gió mùa đông bắc.

“Nếu tôi không để ý đóng cửa vào là tình trạng ruồi bâu vào quần áo xảy ra thường xuyên, quần áo bán thì không thể giặt được, nếu dính phân ruồi coi như vứt bỏ. Gần đây, sau khi cơ quan báo chí phản ánh, tình trạng đốt rác lắng xuống vài hôm, sau đó lại tiếp tục tái diễn nhiều lần, khiến chúng tôi gần như bất lực hứng chịu”, anh Tấn cho hay.

Về vấn đề này, theo báo cáo của các địa phương, như huyện An Lão, hiện có 17 xã, thị trấn với hơn 130.000 nhân khấu, phát sinh gần 115 tấn rác thải/ngày đêm. Tuy nhiên, do huyện không có bãi rác tập trung nên tại các xã đều bố trí các khu vực đồ rác tạm, tỷ lệ thu gom rác toàn huyện đạt khoảng 97,5%.

Tại huyện Thủy Nguyên, theo Phòng Tài nguyên và Môi trường, toàn huyện này có khoảng 330.000 nhân khẩu tại 35 xã và 2 thị trấn, phát sinh khoảng 175 tấn rác/ngày đêm.

Hiện nay, huyện thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý đạt khoảng 124 tấn/ngày. Số rác còn lại khoảng 51 tấn/ngày, chiếm khoảng hơn 29% lượng rác phát sinh được tập kết tự phát tại ven đường làng, ngõ xóm, kênh mương thủy lợi, chân núi, vườn nhà, ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Người dân ngán ngẩm với những bãi rác tập kết bừa bãi ra khu sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân ngán ngẩm với những bãi rác tập kết bừa bãi ra khu sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

UBND huyện Thủy Nguyên phải phối hợp Khu xử lý rác thải tập trung của TP. Hải Phòng tại xã Gia Minh tổ chức thu gom, xử lý lượng lớn các tồn đọng này tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm toàn bộ tồn tại liên quan đến rác thải nông thôn.

Theo tìm hiểu, hầu hết các huyện ngoại thành TP. Hải Phòng đều có vấn nạn về rác thải, “không đây thì đó, không chỗ này thì chỗ kia”, chính quyền địa phương và nhân dân đều nhức đầu vì rác.

Những năm gần đây, vấn đề này luôn là điểm nóng hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri phục vụ các kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện, các cuộc họp dân tại thôn, xóm tại Hải Phòng, được người dân kiến nghị thường xuyên nhưng thấy giải pháp tối ưu để xử lý triệt để.

Báo động đỏ

Theo thống kê mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Phòng, khu vực nông thôn thành phố Cảng hiện có khoảng 1,11 triệu người, chiếm 54,41% dân số toàn TP. Hải Phòng, phát sinh khoảng 653 tấn rác thải sinh hoạt/ngày.

Trung bình, mỗi xã tổng lượng rác thải sinh hoạt bình quân lên đến gần 5 tấn/ngày, trong đó, 65,1% rác được chôn lấp tạm thời tại các bãi rác tạm ở địa phương, 29,2% rác được chôn lấp tập trung, 5,7% rác được xử lý bằng lò đốt rác, 7% rác thải chưa được thu gom.

Tập kết rác bừa bãi ven đường tại thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Tập kết rác bừa bãi ven đường tại thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Lượng rác thải chưa được thu gom chỉ chiếm 7% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại vùng nông thôn, tương đương với 16.123 tấn/năm. Tuy nhiên, tình trạng này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất mỹ quan bởi nhiều rác tồn đọng bè phè ngay tại ven đường, nơi có đông người và phương tiện thường xuyên qua lại.

Dồn ở các bãi rác tạm không chỉ bất cập với tình trạng rác vứt bừa bãi dọc các tuyến đường giao thông, các bãi rác tạm tại các xã hiện nay cũng đang quá tải, khi các chất thành núi, địa phương chỉ có thể xử lý tạm thời bằng cách đốt lộ thiên, phát sinh thêm khói, bụi độc hại, khiến người dân bức xúc.

Rác thải tràn lan dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Rác thải tràn lan dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tại các xã thuộc địa bàn 4 huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, lượng rác được thu gom, vận chuyển bằng xe kéo và chôn lấp tạm thời tại các bãi rác tạm khá lớn, chiếm tỷ lệ 65% tổng lượng rác thu gom rác chủ yếu đồ đồng tại bãi rác tạm, các bãi rác hầu hết không còn chỗ chôn lấp nên phải đốt, rồi đổ rác mới lên đốt tiếp. Nhiều bãi rác tạm không được phun thuốc khử khuẩn, không được lấp đất theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Phú Thọ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Lão lo ngại cho biết: “Các bãi tập kết rác hiện quá tải nhưng lượng rác thải sinh hoạt vẫn ra môi trường mỗi ngày. Bài toán rác thải nông thôn thực sự cần có lời giải càng sớm, càng tốt, bởi ảnh hưởng đến môi trường không khí, đất và nước, trực tiếp tác động đến sức khỏe người dân”.

Trên địa bàn Hải Phòng hiện có 3 khu xử lý chất thải rắn theo phương pháp chôn lấp là Đình Vũ, Tràng Cát (quận Hải An) và Bàng La (quận Đồ Sơn), đến thời điểm này, khu xử lý Bàng La đã hết thời hạn sử dụng, khu xử lý Đình Vũ và Tràng Cát chỉ còn 3 năm.

Với bãi rác Đình Vũ rộng hơn 29,6ha được hình thành từ năm 2004, nằm trong KCN Đình Vũ, sau gần 20 năm tồn tại, bãi rác này gây ô nhiễm môi trường cho các nhà máy hoạt động xung quanh trong Khu công nghiệp.

Hiện tại, việc xây dựng những khu xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp đã không còn phù hợp, lãng phí quỹ đất và vẫn gây ô nhiễm môi trường, dù TP. Hải Phòng đã và đang hoàn thiện đề án để xử lý vấn nạn rác thải, trong đó có nhà máy đốt rác phát điện nhưng vấn đề rác thải trước mắt cần giải quyết trong thời gian thực hiện đề án là như thế nào vẫn đang bỏ ngỏ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm