Vú sữa là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định cho bà con nông dân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây còn là vùng trồng trọng điểm, cung ứng nhiều loại vú sữa phục vụ thị trường xuất khẩu như: Vú sữa tím Tứ Quý, vú sữa bơ hồng... Hiện nay, tổng diện tích trồng vú sữa trên địa bàn huyện Kế Sách đạt hơn 2.200ha, sản lượng hàng năm khoảng 30.000 tấn.
Theo đánh giá từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vú sữa thu hoạch từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, việc thu hoạch rộ theo mùa vụ tự nhiên khiến cung vượt cầu, giá vú sữa rớt mạnh. Trong khi đó, những tháng còn lại nguồn hàng lại thiếu hụt. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, sản lượng cung ứng vú sữa của các HTX trong huyện chỉ chiếm từ 5 – 8% so với nhu cầu theo các hợp đồng xuất khẩu và phân khúc thị trường chất lượng cao trong nước.
Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ các HTX mở rộng diện tích trồng vú sữa tím Tứ Quý (giống vú sữa có khả năng cho trái quanh năm), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng phối hợp với một số đơn vị liên quan nghiên cứu, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật xử lý ra hoa rải vụ cho vú sữa để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nhất là tăng sản lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Tại HTX nông nghiệp Lộc Mãi, xã Trinh Phú (huyện Kế Sách), đơn vị đã và đang tham gia mô hình xử lý rải vụ trên cây vú sữa với diện tích khoảng 6ha.
Ông Sử Quốc Lộc, Giám đốc HTX chia sẻ, việc xử lý ra hoa trái vụ đã đem lại hiệu quả tích cực khi không làm gia tăng chi phí, lại giữ vững năng suất so với vụ thuận (khoảng 20 tấn/ha) và giá bán cao hơn khoảng 9.000 đồng/kg.
Ông Lộc đánh giá, việc áp dụng biện pháp xử lý ra hoa trái vụ chủ yếu dựa vào đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây vú sữa, không can thiệp hóa chất nên cây vú sữa sinh trưởng tốt, sản phẩm tạo ra an toàn, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Qua kinh nghiệm, ông Lộc cho biết, thực hiện rải vụ cho cây vú sữa không yêu cầu kỹ thuật cao, nhà vườn chỉ cần chú ý quan sát và học hỏi là có thể thực hiện được.
Đặc biệt là phải "gan”, bởi theo tập quán canh tác truyền thống, vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm cây vú sữa ra hoa vụ thuận, nhà vườn muốn xử lý để cây ra hoa trái vụ phải mạnh dạn cắt bỏ các nhánh đang ra hoa để tạo cơi đọt mới và chăm sóc tốt những cơi đọt này để ra hoa vào tháng 9, tháng 10.
Như vậy trái vú sữa sẽ được thu hoạch vào tháng 5, tháng 6 của năm sau. Bên cạnh đó, để việc xử lý ra hoa trái vụ thành công, độ tuổi cây vú sữa phải từ 5 – 10 năm sau khi trồng.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, đơn vị quản lý và nhà vườn đã thống nhất với các doanh nghiệp thu mua vú sữa xuất khẩu nếu cung cấp sản phẩm khi trái vụ hoặc sớm hơn vụ, nhà vườn sẽ được tăng giá thêm 10.000 đồng/kg, đây là động lực để nhà vườn trồng vú sữa của tỉnh ứng dụng và nhân rộng giải pháp rải vụ. Qua đó xây dựng và thúc đẩy chuỗi liên kết, tiêu thụ vú sữa giữa các nhà vườn, HTX và doanh nghiệp trở nên bền vững và hiệu quả hơn.
Hàng năm, tỉnh Sóc Trăng xuất khẩu từ 400 – 500 tấn vú sữa sang thị trường Mỹ, giải pháp rải vụ nếu được áp dụng đồng đều cho các nhà vườn, với từng giai đoạn cụ thể sẽ giúp bà con có đầu ra ổn định và gia tăng giá trị sản phẩm.