Anh Trần Anh Nhân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng phát hiện và nhân thành công giống vú sữa tím tứ quý, chịu hạn mặn đến 3 phần nghìn, cho trái quanh năm. Nhờ đó, mang về thu nhập cho gia đình anh tiền tỷ mỗi năm.
Thời gian gần đây, bà con nông dân ở một số tỉnh miền Tây như Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... đang nhân rộng diện tích giống vú sữa mới cho trái quanh năm, nên gọi là vú sữa tím tứ quý.
Theo người trồng, giống vú sữa mới này có ưu điểm vừa chịu được độ mặn cao, giá bán lại ổn định nhờ xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Người đã phát hiện và nhân giống cây độc lạ này là anh Trần Anh Nhân ở xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách).
Anh Nhân chia sẻ, hơn 10 năm về trước, một lần đến thăm vườn cây của cha vợ, tình cờ thấy một cây vú sữa đặc biệt hơn những cây còn lại. Thời điểm đó nghịch mùa mà cây vẫn ra trái, vỏ mỏng, ăn vào ít mủ lại nhiều nước, vị ngọt thanh... Nhận thấy đây là giống cây quý nên anh xin phép cha vợ được chiết cành về nhân giống ra trồng.
Anh Nhân cho biết thêm, bản thân anh cũng là một nông dân chưa từng qua một trường lớp đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế gia đình anh còn khó khăn nên việc bón phân, phun thuốc rất hạn chế. Tuy nhiên, cũng may mắn giống vú sữa đột biến của nông dân Sóc Trăng chỉ mất 14 tháng đã bắt đầu ra hoa và cho trái.
Đặc biệt hơn, theo anh Nhân, vùng đất Nhơn Mỹ thường bị xâm nhập mặn nên kén giống cây trồng, nhưng loại vú sữa này chịu mặn khá tốt. “Tôi còn nhớ vào năm 2016, toàn địa bàn xã bị xâm nhập mặn, đo được nồng độ mặn đến 3 phần ngàn, nhưng vườn vú sữa nhà tôi chỉ bị rụng lá, sau đó vẫn cho trái bình thường”, anh Nhân cho biết.
Cũng theo anh Nhân, đặc tính của giống vú sữa này rất dễ trồng. Người trồng chú ý, khi trồng phải làm mô cao 3 tấc, đường kính 5 tấc, trồng sao cho bộ rễ nằm trên mặt đất là được. Mỗi tháng anh Nhân chỉ bón phân 1 lần, khi trái đậu được 2 tháng thì tiến hành bao trái, đến khoảng 2,5 tháng thu hoạch (sớm hơn vú sữa thường khoảng 1,5 tháng).
Anh Nhân tiết lộ, bình quân 1ha trồng giống vú sữa này cho từ 35 - 40 tấn trái, bán với giá dao động từ 30 - 60 nghìn đồng/kg, được công ty liên kết bao tiêu đầu ra để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo đó, nhờ bán trái và cung cấp hơn 10.000 cây giống/năm, anh Nhân thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. "Thời gian tới, tôi tiếp tục tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ bà con có nhu cầu mua giống về trồng. Tôi cũng cố gắng mỗi năm cung cấp khoảng 35.000 cây giống cho thị trường”, anh Nhân thông tin.
Ông Trần Văn Chên, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ cho biết: Giống vú sữa tím tại địa phương là giống mới phát hiện gần đây, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà vườn. "Hiện nay, toàn xã diện tích đang cho trái khoảng 30ha, diện tích đang nhân giống khoảng 20ha. Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục nhân rộng trên địa bàn để phát triển thành vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho bà con phát triển xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, chúng tôi cũng định hướng người dân chuyển đổi trồng vú sữa tứ quý thay thế một số giống cây trồng đang rớt giá như mít, xoài, ổi...", ông Chên nói.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có hơn 100ha trồng giống vú sữa tím tứ quý, riêng huyện Kế Sách được chọn làm vùng nguyên liệu với hơn 50ha để cung cấp giống cho địa phương và các tỉnh lân cận. Việc phát hiện giống vú sữa tím tứ quý với ưu điểm cho trái quanh năm là lựa chọn mới cho nhà vườn, không phải lo phụ thuộc vào mùa vụ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến khích nhân rộng vùng trồng, kết hợp làm du lịch tham quan vườn cây ăn trái.