| Hotline: 0983.970.780

Rơm rạ là vàng

Thứ Năm 03/03/2016 , 06:05 (GMT+7)

Từ ngày 1 - 2/3, tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức hội thảo và trình diễn thiết bị, công nghệ thu gom và xử lý rơm rạ.

Qua đó cho thấy rơm rạ nếu biết tận dụng sẽ tạo ra nguồn lợi đáng kể sau lúa gạo...

Nguồn lợi bị bỏ quên

Lần đầu tiên trên đồng ruộng thực nghiệm tại Viện lúa ĐBSCL, gần 200 đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT cùng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL và 3 tỉnh, thành phía Bắc (Hà Giang, Vĩnh Phúc và Hải Phòng) về tham quan hoạt động trình diễn của 2 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) có gắn thiết bị xử lý rơm rạ. Máy vừa thu hoạch trên 20 ha lúa ĐX vừa băm rơm và phun thuốc Trichoderma trên rơm.

Cùng lúc đó trên cánh đồng kề bên vừa gặt xong có 4 chiếc máy thu gom rơm, cuộn tròn gọn gàng từng bánh rơm, dễ dàng đưa lên xe vận chuyển, bảo quản. Bánh rơm có thể trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi, than sinh học, phân bón hữu cơ...

Trước đây rơm rạ là phế phẩm, sau khi thu hoạch lúa, rơm thường bỏ vùi ngoài đồng, đốt đi hoặc lấy một ít về cho trâu bò ăn. ĐBSCL có sản lượng trên 25 triệu tấn lúa/năm và lượng rơm tương ứng khoảng 25 triệu tấn. Theo Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối, trước năm 2003, trên 80% lượng rơm ở vùng này thường bị đốt hoặc vùi trên đồng ruộng. Trong đó vụ ĐX tỷ lệ đốt rơm cao nhất, còn lại bán hoặc cho rơm trên đồng.

Với tốc độ cơ giới hóa SX lúa vùng ĐBSCL nhanh và cao hơn các vùng khác trong cả nước, riêng khâu thu hoạch lúa bằng máy GĐLH đạt bình quân trên 82% diện tích lúa (mức bình quân cả nước 42%) đã góp phần bảo đảm tính thời vụ khẩn trương, tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Việc thu hoạch lúa bằng máy GĐLH xả rơm ngay trên đồng, đã thôi thúc các cơ sở chế tạo, kinh doanh máy cuộn rơm.

Máy cuộn rơm đã giải quyết lượng rơm vung vãi sau khi thu hoạch lúa. Hơn nữa cơ giới hóa khâu thu gom rơm là rất tiện ích, tăng hiệu quả kinh tế. Khâu thu gom rơm rạ bắt đầu được chú trọng để tạo thêm nguồn thu cho nông hộ.

Hiện rơm khô ở ĐBSCL có giá khoảng 1 triệu đ/tấn (1.000 đ/kg). Một số địa phương có nhu cầu mua rơm làm thức ăn chăn nuôi… khiến thị trường rơm rạ thêm sôi động.

Vụ ĐX 2014-2015, tại huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long có hơn 90% lượng rơm được nông dân trong và ngoài tỉnh đến mua về làm thức ăn cho bò. 1 công rơm (1.000 m2) vào đầu vụ có giá trên 200.0000 đồng, lúc chính vụ dao động trên dưới 100.000 đồng. Trên địa bàn huyện có 6 - 10 máy cuộn rơm hoạt động dịch vụ gia công với giá 8.000 đồng/cuộn, bình quân thu 17 - 18 cuộn cơm/công. 1 cuộn rơm 17 kg chủ ruộng bán 20.000 - 22.000 đồng, từ đó kéo theo dịch vụ cuộn rơm nở rộ.

Tại ĐBSCL, tỷ lệ thu hồi và sử dụng rơm rạ có hiệu quả ước khoảng 15 - 20%, chủ yếu là vụ ĐX. Rơm vụ HT ẩm ướt, khó thu gom, giá bán thấp hơn. TS Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP) đưa ra các giải pháp như sử dụng rơm để SX nấm rơm (ngoài trời, trong nhà), làm phân bón, SX phân vi sinh, rơm ép viên làm thức ăn cho bò… và cao hơn nữa là các sản phẩm ethanol, diesel và plastic sinh học.

Vụ ĐX nắng ráo nên máy cuộn rơm hoạt động thuận lợi nhất, công suất có thể đạt 5 công/giờ. Làm dịch vụ cuộn rơm thu từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha. Nếu cuộn rơm để bán (17.000 đồng/cuộn rơm khô và 13.000 đồng/cuộn rơm ướt), sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 2 triệu đồng/ngày. Một số nhà nông tính toán, với nhu cầu rơm tăng cao như hiện nay thì đầu tư 1 máy cuộn rơm (trị giá 240 - 280 triệu đồng) chỉ sau 1 năm sẽ thu hồi được vốn.

Lợi ích lớn

Các nhà khoa học đã nghiên cứu, khuyến cáo rơm đốt đồng phát thải khí (CO2 và NOx) gây hiệu ứng nhà kính, tác hại ô nhiễm môi trường, đồng thời các dưỡng chất P, K cũng mất đi 20 - 25%.

Trong khi đó các giải pháp quản lý và xử lý rơm rạ mang lại nhiều lợi ích cho nhà nông, hướng tới mục tiêu SX lúa gạo bền vững. Đặc biệt là giải pháp ứng dụng chế phẩm Compost Maker, Trichoderma xử lý rơm rạ làm phân bón. Đây cũng là giải pháp khả thi cho rơm rạ vụ HT làm phân bón cho vụ mùa tiếp theo.

TS Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL và nhóm nghiên cứu cho rằng, quá trình phân hủy do nấm Trichoderma, nguồn vi sinh vật có khả năng phân hủy rơm rạ nhanh, hạn chế phát triển của nấm bệnh khô vằn lưu tồn trong rơm rạ.

Đặc biệt khi bón phân rơm hữu cơ dài hạn giúp tăng hàm lượng Silic trong thân và hạt, cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với bón hoàn toàn phân hóa học và cải thiện được độ phì sinh học của đất.

07-13-03_trinh-dien-my-gdlh-thu-hoch-lu-bm-rom-v-phun-thuoc-trichoderrm-nh-hd
Trình diễn máy GĐLH thu hoạch lúa, băm rơm và phun thuốc Trichoderrma

PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cho biết, Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Yarmar (Nhật Bản) hợp tác nghiên cứu và thực nghiệm cơ giới hóa SX lúa, trong đó đưa ra hai loại máy GĐLH với hai chế độ cắt và phóng rơm tại ĐBSCL. Máy có chế độ cắt lúa và băm nhuyễn rơm tại ruộng khi thu hoạch, đồng thời kết hợp thiết bị máy phun Tricoderma, cày xới rơm rạ chôn vùi vào đất để làm phân bón, giảm ngộ độc hữu cơ, gia tăng độ phì của đất, tăng lợi nhuận...

Tại hội thảo, các nhà khoa học ủng hộ lựa chọn ứng dụng phù hợp các giải pháp xử lý rơm sau thu hoạch. Ở ĐBSCL mùa nắng thu gom rơm trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi… Mùa mưa áp dụng giải pháp xử lý rơm làm phân bón sẽ khả thi.

Tại hội diễn các thiết bị, công nghệ thu gom và xử lý rơm rạ trên đồng, có 4 cơ sở và Cty chế tạo máy cuộn rơm đạt năng suất từ 0,4 - 0,5 ha/giờ; nhiên liệu tiêu hao từ 6 - 8 lít dầu/ha; thu khoảng 200 cuộn rơm/ha (12 - 15kg/cuộn rơm); giá máy từ 240 - 280 triệu đồng/máy.

 

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.