| Hotline: 0983.970.780

Đốt rơm rạ: Lợi& hại

Thứ Sáu 25/09/2015 , 06:35 (GMT+7)

Thực trạng đốt rơm rạ đang diễn ra rải rác trên nhiều vùng trong cả nước. Nhiều bà con đã hỏi về lợi, hại ra sao.

Đã có nhiều buổi thảo luận cũng như bài viết trao đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Tuy nhiên gần đây vẫn có nhiều người viết thư và điện thoại cho chúng tôi hỏi thêm. Vì vậy, chúng tôi một lần nữa muốn giới thiệu chi tiết thêm để nông dân cùng tham khảo.

Bất lợi nhiều hơn

Đốt rơm rạ thường xảy ra những nơi cần giải phóng mặt bằng đất để làm vụ kế tiếp. Ví dụ, ở các tỉnh miền Nam từ vụ ĐX chuyển sang vụ HT, thời gian cho đất nghỉ thường rất ngắn, có nơi chỉ còn khoảng 1 tuần đến 10 ngày.

Trong trường hợp như vậy nếu để rơm rạ, cày lật đất, thì rơm rạ không đủ thời gian để mục nát, gieo cấy rất khó. Khi đốt rơm rạ thì dễ làm đất hơn, phần tro rạ có chứa một số chất khoáng như Ca, Silic, kali, lân và một số chất vi lượng khác có thể cung cấp cho cây.

 Tro này có tính kiềm nên cũng có tác dụng tốt để trung hòa một phần độ chua của đất. Vả lại, nếu làm đất vội rồi gieo trồng ngay, thì thời kỳ cây con đang mọc, cũng đồng thời là thời kỳ rơm rạ đang phân giải mạnh.

Trong quá trình phân giải rơm rạ, thường sản sinh ra các loại khí như CO2, H2S, CH4 cũng như các axit hữu cơ. Đấy là các chất độc sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng lên bộ rễ cây trồng, nhiều trường hợp gây chết cây từng đám hay cả ruộng. Do đó, đốt rơm rạ giảm được một phần của quá trình này.

Nói giảm được một phần vì gốc rạ ở dưới đất chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 tổng số chất khô của rơm rạ, gốc rạ cũng bị phân giải và cũng sản sinh ra chất độc như vậy, nhưng khối lượng sẽ ít đi. Đó là mặt tốt của việc đốt rơm rạ.

Nhưng mặt bất lợi của quá trình đốt rơm rạ lại nhiều hơn: Ta biết trong rơm rạ có chứa đủ các chất dinh dưỡng. Cứ 1 tấn rơm rạ có khoảng 7 kg chất đạm, tương đương 15 kg phân urê, 1 - 1,5 kg lân (6 - 8 kg super lân), 25 - 27 kg phân kali, 65 - 70 kg silic và nhiều các chất trung và vi lượng khác...

Chính vì thế, khi đốt thành than thì chất đạm bay hết, chất lân cũng bị biến đổi, còn lại kali, Ca và một số chất trung và vi lượng. Trên 85% chất xơ chứa trong rơm rạ chỉ còn lại chất Carbon (than).

Số lượng chất xơ này lại rất quan trọng, đó là chất hữu cơ, trong quá trình phân giải sẽ tạo thành chất mùn. Trong chất mùn có chứa các chất axit humic, axit fulvic, các humine là các chất dinh dưỡng rất tốt cho cây.

Mùn làm cho đất tơi xốp, là chỉ tiêu rất quan trọng về độ phì nhiêu của đất, có nhiệm vụ giữ phân hóa học lại cho cây sử dụng dần. Làm đất tơi xốp và cũng là thức ăn và nơi trú ngụ của các loại trùn đất, các vi sinh vật có lợi cho đất và cây. Giúp đất giữ ẩm, giữ nước để kháng hạn, kháng rét cho cây. Khi đốt rơm rạ thì những mặt lợi này sẽ không còn.

Vả lại đốt rơm rạ sẽ diệt nhiều vi sinh vật đất, khiến cho mật số mycorrhiza giảm rất nhiều. Chưa kể ở nhiều nơi trên miền Bắc do đồng ruộng gần làng, xã, gần đường giao thông nên khi đốt rơm rạ vừa gây ô nhiễm môi trường vừa gây ra khá nhiều tai nạn cho người và gia súc.

Giải pháp nào xử lý rơm rạ?

Vậy có giải pháp nào để khắc phục không? Có chứ. Ở nhiều vùng bà con dùng rơm rạ làm nấm rơm, nấm bào ngư vừa giúp giải quyết công ăn việc làm, vừa có thêm thu nhập. Rơm rạ sau khi thu hoạch nấm chỉ cần ủ thêm một thời gian ngắn sẽ trở thành nguồn phân ủ rất tốt cho cây. Ngoài ra bà con có thể thu rơm rạ lại một góc ruộng, đào hố sâu 40 - 50 cm vừa đủ số rơm rạ cho từng đám ruộng rồi xếp rơm rạ theo từng lớp, dùng nấm Trichoderma phun lên, ủ lại, sau khoảng 3 tháng, rơm rạ mục ra, dùng bón cho ruộng sẽ rất tốt.

Nếu bà con có trộn thêm khoảng 3 - 5% phân lân, thêm ít vôi bột rồi ủ lại thì càng tốt hơn. Nếu lấy đất bùn tủ lại thật kín thì quá trình phân giải sẽ nhanh hơn. Làm như vậy sau vài 3 vụ đất của bạn sẽ tốt hơn, giảm được một lượng phân hóa học rất đáng kể, cây trồng lại ít bị nhiễm sâu bệnh hơn. Môi trường lại trong sạch.

Trường hợp bạn không làm được như đã nói ở trên thì trước khi cày, bón khoảng 40 - 60 kg vôi/1.000 m2 hay dùng nấm Trichoderma phun trực tiếp vào rơm rạ, để 3 - 4 ngày rồi cày vùi. Làm như vậy cũng giúp rơm rạ phân giải nhanh, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho đất, cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.

1 - Đốt rơm rạ được cho là hại nhiều hơn lợi

2 - Ở nhiều nơi do đồng ruộng gần đường giao thông nên khi đốt rơm rạ vừa diệt nhiều vi sinh vật có lợi cho đất vừa gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người lưu thông.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất