| Hotline: 0983.970.780

'Rốn lũ' Hương Khê tan hoang sau khi nước rút, nhiều người trắng tay

Thứ Ba 18/10/2016 , 07:40 (GMT+7)

Dòng nước bạc cuồn cuộn đổ về như con hổ dữ vồ lấy những phận người mong manh, yếu ớt. Chỉ sau một đêm, tài sản của hàng ngàn hộ dân tích cóp bấy lâu bị cuốn sạch ra sông ra biển. Bà Yên có 5 tạ lúa dành dụm từ vụ xuân để ăn dần chờ đến mùa sau nhưng nay bị nước lũ nhấn chìm, nảy mầm, mốc meo...

* Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Không để người dân nào thiếu đói"
 

Nông dân trắng tay

Xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, chiều 17/10. Nước lũ cơ bản đã rút nhưng nhiều hộ dân ở xóm Hương Giang vẫn đang bị cô lập. Dọc các con đường, ngõ xóm nhiều đoạn vẫn còn sền sệt bùn đất. Đâu đó, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn cố nhặt nhạnh những quyển sách, quyển vở còn sót lại đem ra phơi khô, tìm lấy con chữ.

17-22-49_1
Người dân Hương Khê đang phải gồng mình chống chọi cơn lũ dữ
 

Thất thần ngồi trước mớ đồ đạc ướt sũng, ông Đình Biểu (83 tuổi), xóm Hương Giang, nhớ lại trận lũ kinh hoàng đêm 14/10: “Nước lũ lên nhanh quá, tôi chỉ kịp ôm bì gạo 2kg chạy. Cũng may nhà ở gần ủy ban xã nên tôi mới thoát chết. Đứng trên tầng 2 nhìn xuống thấy tài sản trong nhà bị dòng nước cuốn trôi, ngôi nhà chìm dần mà bất lực”.

17-22-49_7
Lũ lụt khiến gia đình ông Biểu đã nghèo nay còn xác xơ hơn
 

17-22-49_3
Người dân Hương Khê đang phải gồng mình chống chọi cơn lũ dữ
 

17-22-49_4
Người dân Hương Khê đang phải gồng mình chống chọi cơn lũ dữ
 

Bi đát hơn là gia đình bà Phan Thị Yên, cùng xóm. Bà Yên có 5 tạ lúa dành dụm từ vụ xuân để ăn dần chờ đến mùa sau nhưng nay bị nước lũ nhấn chìm, nảy mầm, mốc meo. Ngoài lúa, toàn bộ đàn gà hơn 30 con từ 1kg trở lên chưa kịp bán cũng chết sạch, nồi niêu xoong chảo, quần áo đều trôi ra sông, ra biển hết.

17-22-49_6
Sau 2 ngày ngâm nước lúa của bà Yên nảy mầm, mốc meo
 

Bên kia xóm Hưng Bình, chị Nguyễn Thị Hạnh ngao ngán thở dài: “Trôi sạch rồi cô ạ, từ cái tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quần áo, sách vở của các con đến gần 1 tấn lúa vừa thu hoạch, đàn gà gần 200 con vừa đi ấp về... Hà bá nuốt hết cả”.

Theo chị Hạnh, sau hai ngày ngâm lũ, chiều 16/10 nước rút, nhà của chị nhìn như một bãi chiến trường, bùn phủ dày mấy chục cm. Giếng, bể nước đều bị ngập, rác rưởi chất đầy.

17-22-49_8
Sách vở học sinh còn sót lại sau lũ
 

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch xã Lộc Yên cho hay, đến chiều 17/10 trên địa bàn vẫn còn 2 xóm Hương Yên và Trường Sơn bị cô lập. Xã đang cố gắng tiếp tế lương thực giúp người dân cầm cự qua cơn lũ. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay là thiếu nước sinh hoạt.
 

Cần hơn 1.540 tấn giống khôi phục sản xuất

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thống kê mới nhất đến ngày 17/10, lũ lụt đã làm 6 người chết, 1 người mất tích; 108 xã, phường với hơn 30.000 hộ dân bị ngập, có nơi ngập sâu 2 – 3m.

Lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại 774ha lúa mùa; 2.241ha hoa màu; 470ha cây ăn quả; gần 2.100 con gia súc, 157.000 con gia cầm bị chết; 1.118ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Nhiều cơ sở hạ tầng, tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế... bị sạt lở, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước trên 696 tỷ đồng.

“Vấn đề đáng ngại nhất sau lũ là khôi phục sản xuất, vì hầu hết khu vực bị chia cắt tập trung ở vùng có diện tích trồng trọt, chăn nuôi lớn”, ông Sơn nói.

17-22-49_14
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công trình hồ chứa nước Kẻ Gỗ
 

Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, cho biết, dù đã quen sống chung với lũ nhưng năm nay thủy điện Hố Hô xả nước quá nhanh với lưu lượng lớn nên người dân không kịp trở tay. Gia đình chị có 1 con bò, 2 con lợn và mấy chục con gà bị lũ cuốn trôi; ngoài ra, gần 5 tạ lúa để trong hộc cũng không kịp đưa lên chạn nhà đã ngâm nước hơn 2 ngày nay.

Trên cơ sở tổng hợp thiệt hại bước đầu, để giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, trước mắt tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ hỗ trợ 1.500 tấn lúa giống; 30 tấn ngô giống và 10 tấn giống rau các loại để khôi phục sản xuất. Hỗ trợ 50.000 lít hóa chất để xử lý tiêu độc khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm sau lũ.

Về lâu dài, Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí tiếp tục thực hiện dự án xây nhà vượt lũ cho các xã vùng lũ và vùng ngoài đê huyện Đức Thọ; bố trí vốn khởi công dự án tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ; dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ, giai đoạn 2; xây dựng công trình cảng cá Cửa Khẩu, thị xã Kỳ Anh...

Không để người dân nào thiếu đói!

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong chuyến thị sát vùng lũ xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), ngày 17/10.

17-22-49_10
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp tế mì tôm cho người dân xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê
 

Mặc dù từ trưa ngày 16 đến 17/10 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không còn mưa nhưng do nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn tiếp tục xả nên lũ tại khu vực hạ lưu huyện Hương Khê, Vũ Quang xuống rất chậm.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã đến động viên người dân, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Sau khi kiểm tra khu vực đập chính công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Vũ Quang), đoàn công tác đến xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê – khu vực hiện đang ngập sâu từ 1 – 3m, động viên người dân vượt qua cơn “đại hồng thủy”.

Tại đây, Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao chính quyền huyện, xã trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong những ngày mưa lũ vừa qua.

“Mặc dù bà con phải cư trú giữa biển nước nhưng điều đáng mừng là không có ai bị bệnh tật hay thiếu đói. Từ nay đến khi nước rút, chính quyền các cấp phải đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên số 1; tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào thiếu đói, bệnh tật, đau ốm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

So với tối 15/10, hiện tại nước lũ tại Phương Mỹ đã rút xuống thêm khoảng 1m. Tuy nhiên, toàn xã vẫn đang còn 230/262 hộ dân bị ngập sâu và chia cắt.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm