| Hotline: 0983.970.780

Rộn rã mùa thu hoạch khoai sọ

Thứ Năm 19/10/2023 , 10:46 (GMT+7)

YÊN BÁI Cây khoai sọ trồng trên nương cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Năm nay, năng suất, giá bán khoai sọ đều cao nên ai cũng phấn khởi.

Chị Hàng Thị Sua ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù thu hoạch khoai sọ. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Hàng Thị Sua ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù thu hoạch khoai sọ. Ảnh: Thanh Tiến.

Những ngày này, trên khắp các vạt nương đồi ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái), từ xã Bản Mù, Bản Công đến Xà Hồ, Túc Đán, bà con nông dân đang tấp nập thu hoạch củ khoai sọ. Những bao tải khoai sọ từ trên nương được thương lái thu gom, phần lớn được chuyển đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Vụ khoai sọ năm nay được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi, tập trung thu hoạch ngay từ đầu vụ.

4 thành viên trong gia đình chị Hàng Thị Sua ở thôn Khấu Ly (xã Bản Mù) tất bật người cuốc, người nhổ, người bẻ củ cho vào bao tải. Chị Sua vui vẻ cho biết, cả nhà lên đồi từ sáng sớm, chỉ trong một buổi sáng đã thu được hơn 1 tạ khoai. Năm nay khoai sọ được mùa, được giá, củ to và đều hơn mọi năm nên gia đình rất phấn khởi.

“Ở quả đồi này nhà mình trồng khoảng 300m2 khoai sọ. Nhờ cán bộ khuyến nông vận động nên nhà mình trồng khoai sọ ở quả đồi này từ năm 2020. Năm nay, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân nên cây khoai sọ cho nhiều củ, củ to và đẹp hơn các năm trước. Từ đầu vụ đến nay nhà mình đã thu hoạch được hơn 4 tạ khoai, bán được hơn 7 triệu đồng”, chị Sua phấn khởi.

Gia đình anh Giàng A Cho (thôn Khấu Ly) cũng đang bận rộn thu hoạch khoai sọ ở nương bên cạnh. Anh Cho bảo: "Trước đây nghe cán bộ nói trồng khoai sọ để nâng cao thu nhập, xóa nghèo, chúng tôi không dám tin, vì nghĩ cây khoai sọ ở đây trồng bao đời rồi, thu nhập bấp bênh, chủ yếu trồng để làm thức ăn hàng ngày thôi.

Khoai sọ đem lại thu nhập cao hơn 4 lần so với trồng lúa và ngô nương. Ảnh: Thanh Tiến.

Khoai sọ đem lại thu nhập cao hơn 4 lần so với trồng lúa và ngô nương. Ảnh: Thanh Tiến.

Được sự vận động của chính quyền và cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, năm 2021 nhà tôi mở rộng diện tích trồng khoảng 350m2. Đến mùa thu hoạch, tư thương lên tận bản mua với giá 15.000 đồng/kg, vụ đó thu được hơn 7 triệu đồng.

So với trồng lúa nương, cây khoai sọ cho thu nhập cao gấp 4 lần, vì vậy năm 2022 và năm 2023 này, gia đình mình đã mạnh dạn trồng 2.500m2 khoai sọ trên nương. Hiện gia đình mình đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích, thu được gần 30 triệu đồng".

Hiện nay, Bản Mù là xã có diện tích khoai sọ nương nhiều nhất huyện Trạm Tấu với hơn 130ha. Khoai sọ nơi đây được đánh giá là ngon và được khách hàng ưa chuộng hơn so với nhiều địa phương khác. Ông Giàng A Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết: Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc của khuyến nông viên cơ sở nên năm nay năng suất khoai sọ cao hơn những năm trước. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương nên chính quyền đã tuyên truyền, vận động bà con trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật và tiếp tục mở rộng diện tích.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Trạm Tấu sẽ mở rộng diện tích trồng khoai sọ lên 1.000ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Trạm Tấu sẽ mở rộng diện tích trồng khoai sọ lên 1.000ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Không chỉ ở xã Bản Mù, cây khoai sọ đã và đang phát triển, mở rộng diện tích tại nhiều xã ở huyện Trạm Tấu như Xà Hồ, Bản Công, Pá Hu, Pá Lau, Tà Xi Láng... Đặc biệt, sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện lựa chọn những diện tích thích hợp với cây khoai sọ để vận động người dân mở rộng diện tích. Ngoài ra, hình thành các vùng sản xuất tập trung để thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Đến thời điểm này, nông dân trong huyện đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích khoai sọ, năng suất dự ước đạt 7 - 8 tấn/ha, giá bán giao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Sản lượng khoai sọ năm nay của huyện ước đạt 4.500 tấn, giá trị thu nhập hơn 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu cho biết: Năm 2020, toàn huyện mới chỉ có khoảng 80ha khoai sọ. Những năm gần đây, chất lượng sản phẩm khoai sọ được nâng lên, giá trị ngày càng cao và đầu ra của sản phẩm ổn định nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích lúa và ngô nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ. Vì vậy, diện tích khoai sọ của huyện đã tăng nhanh chóng. Năm 2023, tổng diện tích khoai sọ toàn huyện đạt hơn 600ha. Dự kiến đến năm 2025, toàn huyện sẽ mở rộng diện tích lên 1.000ha.

Ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục bám sát cơ sở, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng khoai sọ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục bám sát cơ sở, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng khoai sọ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Thanh Tiến.

Để đảm bảo năng suất, chất lượng khoai sọ, ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu đã phối hợp với các xã vận động nhân dân thu hoạch khoai đúng tuổi và lựa chọn những ngày thời tiết nắng ráo để thu hoạch. Trong quá trình thu hoạch, vận động, hướng dẫn người dân sơ chế, nhặt rễ, làm sạch đất, phân loại khoai có chất lượng, đều củ để bán, từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá, đưa sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vào các siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, triển khai nghiên cứu để sơ chế, bảo quản, đưa một phần sản phẩm khoai sọ phục vụ thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.