Gần đây, khi nước bạn siết lại hàng rào kỹ thuật thì mặt hàng mủ cao su liệu có bị ảnh hưởng?
Chế biến nguyên liệu còn dễ dãi
Tại tỉnh Bình Dương có diện tích trồng cao su khá lớn với trên 130 ngàn ha. Trong đó 2 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN là Dầu Tiếng và Phước Hòa chiếm trên 40 ngàn ha, còn lại khoảng 90 ngàn ha là khu vực tiểu điền. Thế nên, tại đây có hàng trăm cơ sở nhà máy tư nhân chế biến (mủ) và điểm thu mua nhỏ lẻ (còn gọi thương lái) đã và đang hoạt động rầm rộ.
Mủ nước trong quá trình thu mua ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm chế biến sau này. |
Trong đó, việc ra đời của quá nhiều thương lái khiến cho việc quản lý chất lượng sản phẩm, nhất là giá cả bao giờ cũng gây bất lợi cho người trồng.
Thực tế cho thấy, giá thu mua của các thương lái bao giờ cũng thấp so với giá thu mua trực tiếp mà các công ty niêm yết. Theo ông Nguyễn Thanh Minh (nguyên TGĐ Cty Cao su Bình Long), quá trình thu mua mủ nước là một trong những yếu tố quyết định ban đầu trong việc đảm bảo chất lượng chế biến các sản phẩm như SVR 3L, SVR 10, SVR 5.
Đây là các loại sản phẩm cao su thô phổ biến dùng để sản xuất săm lốp và cũng là loại sản phẩm xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc, trong đó SVR 3L chiếm khoảng 60%. Các cơ sở cao su tư nhân chủ yếu là xuất qua Trung Quốc, bình quân mỗi năm khoảng 4 - 5 ngàn tấn mủ.
Đối với Tập đoàn, các công ty thành viên tuyệt đối phải thực hiện tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) qui định về quản lý thu gom, bảo quản và vận chuyển nguyên liệu mủ cao su.
Trong khi đó, các nhà máy chế biến cao su tư nhân lại tỏ ra khá “dễ dãi” trong khâu chọn lựa nguyên liệu mà ít khi áp dụng bất kỳ tiêu chuẩn cơ sở nào. Bên cạnh đó, các nhà máy tư nhân thường có xu hướng trang bị dây chuyền chế biến gọn và đơn giản nên vốn đầu tư dao động ở qui mô tầm “nho nhỏ” vào khoảng 5 - 10 tỉ đồng (trong khi vốn đầu tư cho các nhà máy chế biến mủ có công suất trên 30 ngàn tấn/năm của các công ty cao su phải trên dưới 100 tỷ đồng).
Chúng tôi đến tìm hiểu một nhà máy chế biến mủ cao su tư nhân nằm trên địa bàn xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Gọi là nhà máy nhưng trên thực tế, đây chỉ là một dây chuyền chế biến đơn giản nhưng cũng chi phí đầu tư hơn 10 tỉ đồng cho việc mua sắm, lắp đặt trang thiết bị cách đây chừng 7 - 8 năm.
Đứng từ xa, dễ trông thấy từng can nhựa mủ tươi được công nhân nhà máy đổ vào bể chứa rộng khoảng 20 m2, sau đó đưa vào máy đánh đông. Dung dịch làm đông mủ tươi sau 8 tiếng là Axit acetic (CH3COOH). Từng khối mủ được chuyển vào máy đánh kéo sợi, tạo tờ và đưa lên lò hơi hấp chín ở nhiệt độ 118oC ra thành phẩm dạng mủ khối xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông thường các nhà máy đóng mỗi thùng 30 khối vừa đủ nặng 1 tấn cho dễ vận chuyển.
Tiềm ẩn rủi ro do chất lượng
Ông Võ Thành T, chủ nhà máy này thừa nhận, do vốn tư nhân ít mà phải “liệu cơm gắp mắm”, nhà nước “không cho đồng nào” nên trong quá trình thu mua mủ nước, gần như đều mua xô cả mủ tốt lẫn mủ tạp chứ không lựa chọn như các công ty lớn, sau đó đưa về đổ lẫn lộn vào bể chứa như đã thấy.
Thế nên, các nhà máy chế biến tư nhân bao giờ mua mủ giá cũng thấp hơn các công ty niêm yết một giá. Chẳng hạn, họ thu mua mủ nước ngày 13/7 là 270 đồng/độ (tương đương 31 triệu đồng/tấn) thì công ty niêm yết giá mua 280 đồng/độ.
Cũng theo ông Võ Thành T, ở Móng Cái (Quảng Ninh), hầu hết các hợp đồng mua bán mủ cao su SVR 3 đều trực tiếp hoặc qua môi giới tại cửa khẩu. “Chúng tôi chế biến ra bao nhiêu thì có các công ty thương mại mua hết bấy nhiêu. Trước và nay, nhìn chung thị trường Trung Quốc cũng không quá khắt khe nên chỉ cần làm ra mủ thô là bán được”, ông T tự tin nói.
Cao su XK của tư nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xuất qua Trung Quốc do chất lượng. |
Theo ông T, thương nhân Trung Quốc không chê bất cứ loại nào, tốt có giá tốt, rẻ có giá rẻ. Nhưng khi giá cao thì nhu cầu nhập thô rất lớn bán “sướng tay”, còn khi giá thấp như hiện nay thì thường xuyên xảy ra tình trạng găm hàng, trả hàng do một phần Trung Quốc “siết” lại chất lượng.
“Buổi sáng người mua, người bán vào các trang mạng xem giá ở một số sàn giao dịch chính như Thượng Hải, Tokyo, Singapore… Đến khoảng 11 giờ trưa thì thương nhân Trung Quốc vào kho xem hàng. Thấy hàng đẹp thì trả cao, hàng xấu thì trả thấp. Nếu đồng ý thì làm thủ tục chuyển tiền, khi nào thấy tiền trong tài khoản thì mình giao hàng cho họ. Gần đây, nhiều tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu do phía Trung Quốc đề ra có phần khắt khe hơn, đặc biệt là đối với hàng rau quả, nhưng mặt hàng cao su chưa thấy khó khăn lắm", ông T, nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh (nguyên TGĐ Cty Cao su Bình Long), để nâng cao chất lượng sản phẩm thì trước hết còn phải đảm bảo chất lượng nguyên liệu ở khâu cạo mủ. Theo đó, thay đổi cách thu mủ theo chế độ cạo D-3 thành D-4 (từ 3 ngày cạo 1 lần lên 4 ngày cạo 1 lần) là rất quan trọng, riêng các công ty thực hiện được ngay, còn cao su tiểu điền do lợi nhuận nên họ cũng rất khó thay đổi qui trình.
Mặt khác, để đảm bảo chất lượng sản phẩm thì nhà máy tư nhân cũng phải cần có sự chuẩn hóa công nghệ và quy trình chế biến, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đăng ký, bao gồm việc đảm bảo các tiêu chuẩn theo môi trường, lao động.
Tuy nhiên, do không được tài trợ vốn từ các dự án của Nhà nước nên các nhà máy tư nhân thông thường “có tới đâu xài tới đó", do vậy khi xuất qua Trung Quốc rất dễ gặp rủi ro như bị găm hàng, giảm giá do chất lượng mủ cao su không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Có khi bán hàng là chất lượng SVR 3L, nhưng vì không đạt yêu cầu nên bị phía Trung Quốc đánh xuống cấp thấp hơn là SVR 10, SVR 5. Điều này đồng nghĩa với giá bán giảm theo.
"Các nhà máy chế biến cao su có qui mô lớn với lợi thế vốn cùng công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế thường chọn xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc. Kể cả nhiều nhà máy công nghiệp uy tín ở Trung Quốc cũng chọn con đường nhập cao su chính ngạch của một số DN lớn của Việt Nam để có được loại hàng chất lượng tốt nhất. Xuất khẩu chính ngạch chính là cách làm ăn bài bản, phương thức thanh toán đảm bảo cho người bán, ít bị rủi ro về thị trường". (Ông Võ Bảo, TGĐ Cty CP Cao su Hòa Bình) |