| Hotline: 0983.970.780

Rừng ban cuộc sống, rừng cho sang giàu

Thứ Tư 02/12/2020 , 07:11 (GMT+7)

Núi rừng Tây Yên Tử không chỉ có vô số những kỳ hoa dị thảo, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn ẩn chứa bao điều thần bí, linh liêng.

Rừng Tây Yên Tử nhìn từ trên cao.

Rừng Tây Yên Tử nhìn từ trên cao.

Bao đời nay, nơi đại ngàn xanh thẳm ấy được lực lượng kiểm lâm ngày đêm canh gác, được đồng bào các dân tộc cùng nhau bảo vệ.

Đổi lại rừng đã mang lại cho con người nơi đây cuộc sống bình yên, ấm no và nguồn tài nguyên ấy là nền tảng cho địa phương phát triển du lịch xanh.

Quý trọng “mẹ thiên nhiên”

Những ngày giữa tháng Năm khi nắng đã giòn tan trải vàng khắp các cánh rừng già thuộc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Bỏ lại ngoài kia những khói bụi và xô bồ, rừng xanh đón chúng tôi bằng những bạt hoa dại bung nở đua hương, khoe sắc, những loài chim, ong bướm đu mình trong gió xốn xang đi tìm trái ngon, mật ngọt.

Anh Vũ Ngọc Huân (44 tuổi) một người dân tộc Tày bản địa, thành viên tổ bảo vệ rừng và là Bí thư Chi bộ thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động) dẫn chúng tôi xuyên rừng khám phá những “kỳ quan” của quê hương.

Hơn một giờ đồng hồ băng qua lối mòn, chúng tôi đến được nơi có căn nhà sàn của lực lượng kiểm lâm nằm cạnh con suối trong vắt. Tiếng chim chóc ríu rít gọi bầy, nghe gió thổi rì rào như điệp khúc thanh âm của núi non muôn trùng. Rồi những tán lá chao mình qua bóng nước trong xanh, không khí dìu dịu, mùi nhựa rừng, hương núi thoảng qua níu bước chân người.

Không gian bao la, trong lành khiến bao cảm giác nặng nề và có phần căng thẳng của những ngày phòng, chống dịch Covid-19 bỗng như tan biến. Anh Huân bảo: Leo núi mùa này là đẹp nhất bởi ít mưa lũ và đặc biệt mật ong, các loài hoa rừng đang ngát hương.

Những thứ lâm lộc trời đất ban tặng cho con người nơi đây nhiều lắm, trừ “hàng cấm” bị kiểm lâm quản lý gắt gao, đồng bào quanh năm vẫn bám rừng mưu sinh. Phụ nữ thì hái nấm, hái rau rừng, đàn ông khỏe chân đi được xa thì săn ong, bắt cua, cá, ốc, ếch dưới suối, hoặc lấy cây thuốc nam… nếu chịu khó chí ít cũng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.

Là Bí thư chi bộ, thành viên tổ bảo vệ rừng, lại kiêm thêm vai Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng An Lạc nên hơn ai hết anh Huân hiểu được giá trị mà rừng ban tặng cho con người nơi đây. Bản thân anh và các thành viên trong HTX thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng kiểm lâm tuyên truyền đến người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng, gìn giữ sự đa dạng sinh học.

Du khách khám phá rừng Khe Rỗ.

Du khách khám phá rừng Khe Rỗ.

“Giữ được rừng thì còn du lịch, mất rừng du lịch cũng hết”, anh Huân khẳng định. Ở cả 10 thôn, bản của An Lạc đều có những tổ bảo vệ rừng với tổng số 38 thành viên do Hội Cựu chiến binh xã đứng ra quán xuyến, thường xuyên kết hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra, canh gác, nếu có biểu hiện phá rừng họ sẽ cùng phối hợp xử lý ngăn chặn kịp thời.

Nhiều năm bám rừng, gắn bó với từng bản làng vùng cao nên các anh kiểm lâm trong khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ hiểu rất rõ từng ngóc ngách, đường mòn, lối mở ra vào rừng, thậm chí họ biết vị trí từng cây gỗ to, quý.

Anh Đặng Quang Huy, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Lạc giới thiệu: Tổng diện tích rừng nguyên sinh Khe Rỗ là hơn 5 nghìn ha, cộng thêm hơn 2,4 nghìn ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Nơi đây có nhiều loại gỗ quý như lim, táu, sến, thông làng, trám, dẻ, bách diệp… Có những cây gỗ quý đến mấy người ôm không xuể, tuổi cây bằng mấy đời người.

Đặc biệt rừng pơmu - loài cây thường chỉ mọc ở độ cao 1.200 - 1.400m nhưng vẫn tồn tại ở Khe Rỗ với độ cao chỉ 600-700m đang được các cán bộ kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt. Diện tích rộng lớn là thế nên chẳng cần nói cũng có thể mường tượng ra trọng trách và áp lực của các anh kiểm lâm nơi đây lớn đến cỡ nào. Hơn 5 nghìn ha rừng trong khu bảo tồn, ấy thế mà lực lượng lại quá mỏng, cả trạm kiểm lâm mới có 5 người, đã thế có một người là phụ nữ.

Trong khi đó “lâm tặc” ngày càng hoạt động tinh vi, manh động hòng qua mắt lực lượng kiểm lâm. Thế nên những người giữ rừng đang phải ngày đêm căng mình tuần tra, họ chẳng thiếu những hôm ăn rừng, ngủ võng, luồn lách như khỉ để giữ cho được màu xanh yêu thương.

Cán bộ Huy bảo: “Đương nhiên trong cuộc chiến giữ rừng này không thể vắng bóng sự bao bọc, giúp đỡ của đồng bào và những nỗ lực ấy đã được đền đáp. Nếu như năm 2012 An Lạc từng là “điểm nóng” về tình trạng chặt phá rừng tự nhiên với 163 vụ, trong đó một số đối tượng và thậm chí cả cán bộ xã đã bị khởi tố, hoặc xử lý kỷ luật vì liên quan đến các vi phạm về phá rừng thì năm 2019 cả xã còn 9 vụ vi phạm lâm luật. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay chưa xảy ra vụ nào”.  

Giữ rừng bằng luật tục

Đi vài giờ trong rừng xanh núi đỏ, vượt hết ghềnh thấp, thác cao, có lúc chúng tôi phải trèo lên những tảng đá mẹ, đá cha to như con voi con bò. Thế mới thấu hiểu phần nào những cam go, khó nhọc của các anh kiểm lâm, làm sao kể hết mưa rừng, thác lũ, vắt núi, thú dữ hiểm nguy luôn rình rập đến ngần nào. Ấy thế mà chỉ có đến với rừng mới cho con người ta một cảm giác khoan thư, yên bình đến thế.

Được tham gia những buổi tuần tra giữ rừng và trực tiếp chứng kiến những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc mới thấy rằng rừng có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của người dân. Rừng như suối nguồn thấm vào từng mạch nước, vỉa đất, gắn bó truyền đời, truyền kiếp với mỗi con người nơi hẻo thẳm.

Những cây gỗ lim lớn được bảo vệ nghiêm ngặt ở rừng Pò Chùa, xã Hữu Sản.

Những cây gỗ lim lớn được bảo vệ nghiêm ngặt ở rừng Pò Chùa, xã Hữu Sản.

Các cán bộ kiểm lâm kể: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ...  Trong đời sống tâm linh của mỗi bản làng vùng cao đều có một vị thần Rừng ngày đêm che chở, bảo hộ cho cuộc sống của họ. Nơi đó có những khu “rừng thiêng”, “rừng cấm” người dân vào đó không được đốt lửa, chặt gỗ, phát vén, săn bắt thú, lấy mật ong nhưng không bắt ong già, ong chúa để chúng sinh sôi nảy nở...

Trẻ em từ khi còn nhỏ đã được ông bà, bố mẹ khuyên dạy rất kỹ những điều cấm đó. Đồng bào còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về thần Rừng và từng có một số cá nhân vi phạm vào điều cấm kỵ, bị thần Rừng trừng phạt, thế mới có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Ví như ở xã Hữu Sản, huyện Sơn Động còn hơn 200 ha rừng tự nhiên, trong đó có cánh rừng nguyên sinh mang tên Pò Chùa rộng hơn 5 ha được chính quyền giao cho Hội Người cao tuổi xã trực tiếp quản lý, bảo vệ.

Thường ngày đi làm, ngoài việc bảo vệ chặt chẽ khu rừng, nhiều người dân còn đến chắp tay trước từng cây gỗ lớn cầu khấn thần Cây, thần Rừng phù hộ cho dân an, vật thịnh, được tốt con người, được tươi con của.

Ngôi nhà sàn của lực lượng kiểm lâm tại Khe Rỗ.

Ngôi nhà sàn của lực lượng kiểm lâm tại Khe Rỗ.

Ở xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, Hội Người cao tuổi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ rừng bằng việc dăn dạy con cháu trong gia đình không được làm gì ảnh hưởng đến màu xanh của rừng, của nước trong của suối... Và nhiều, rất nhiều khu “rừng thiêng”, “rừng cấm” như thế tại huyện vùng cao này đang được bảo vệ.

Ấm no bởi rừng

Bên cạnh bảo vệ rừng tự nhiên, việc phát triển kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ được huyện vùng cao Sơn Động đặc biệt chú trọng. Dọc theo quốc lộ 31 toàn là màu xanh bát ngát của những rừng kinh tế được phủ kín bởi keo, bạch đàn, thông. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những xưởng chế biến băm, bóc, nghiền gỗ thu mua gỗ từ các khu rừng sản xuất của người dân.

Đến xã Hữu Sản, một xã vùng cao xa xôi nhất huyện Sơn Động, phía trước chúng tôi là dãy Khau Teng cao sừng sững, nói theo Chủ tịch UBND xã Hữu Sản Bế Văn Kính thì nước chảy về bên kia là thuộc địa phận của huyện Đình Lập (Lạng Sơn) nước chảy bên này thuộc đất Bắc Giang.

Trên địa bàn có 200 ha rừng tự nhiên, cộng thêm hơn 2 nghìn ha rừng kinh tế và tuyệt nhiên khoảng 5 năm trở lại đây việc chặt phá, phát vén rừng tự nhiên không còn xảy ra. Xác định giữ được rừng thì mới có nguồn sinh thủy cho sản xuất và sinh hoạt của dân bản nên chính quyền, đoàn thể, các tổ bảo vệ rừng đã quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân ký và thực hiện cam kết không tàn phá rừng. Đi kèm với đó là chăm lo phát triển các khu rừng sản xuất.

Có đến thăm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao mới thấy các cụ xưa nói chẳng sai, “yêu rừng rừng không phụ”.

Bà Vi Thị Chung, dân tộc Tày ở thôn Sản, xã Hữu Sản có gần 6ha rừng trồng keo, sau 5 năm trồng cây, vừa qua rừng đã cho khai thác gỗ, tháng trước bà bán được hơn 500 triệu đồng.

“So với các hộ xung quanh, diện tích rừng nhà tôi thuộc dạng ít nhất, nhiều gia đình có vài chục ha lần thu hoạch này họ có hàng tỉ đồng, một số tiền lớn mà trước đây những người nông dân như tôi có mơ cả đời cũng khó thấy, khắp thôn Sản này giờ nhà nào có rừng đều là hộ khá giả trở lên, nhà cao tầng mọc lên như nấm”, bà Chung phấn khởi.   

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ.

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ.

Trở lại với những giá trị của rừng Tây Yên Tử, theo đánh giá của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên tại đây thì rừng Tây Yên Tử có vị trí vô cùng quan trọng đối với phòng hộ, môi trường và điều tiết khí hậu cho khu vực; bảo vệ nguồn gen và tính đa dạng sinh học của khu hệ động, thực vật rừng nhiệt đới của vùng Đông Bắc Việt Nam.

Do nằm ở vị trí có địa hình cao dốc, hiểm trở nên rừng tự nhiên Tây Yên Tử có những khu vực còn tương đối nguyên vẹn, với một quần thể sinh vật phong phú, đa dạng, đặc trưng tiêu biểu cho vùng Đông Bắc Việt Nam.

Bên cạnh đó còn bao gồm một quần thể di tích lịch sử và các cảnh quan tự nhiên có tiềm năng du lịch như: Thác Giót, thác Ba Tia, suối nước trong, suối Nước Vàng... Các tuyến du lịch có cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ, núi rừng hùng vĩ, ẩn chứa nhiều giá trị vô cùng quý giá của Quốc gia.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử được thành lập theo Quyết định số 117/QĐ-UB ngày 22/7/2002 của UBND tỉnh Bắc Giang trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Ban Quản lý bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ trước đây và Tiểu khu Thanh Sơn - Lâm trường Sơn Động II và Tiểu khu Chía, Nước Vàng – Lâm trường Mai Sơn thành Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử; nằm trên địa bàn các xã, thị trấn:  Thanh Luận, An Lạc, Thanh Sơn, Tuấn Mậu (nay là thị trấn Tây Yên Tử) thuộc huyện Sơn Động, xã Lục Sơn thuộc huyện Lục Nam; giáp gianh với tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn Tây Yên Tử quản lý bảo vệ 12.172,2 ha rừng và đất rừng đặc dụng (Phân ban Khe Rỗ: 5.320,4 ha; phân ban Thanh Sơn – Lục Sơn: 6.851,8ha).

Trong đó: Diện tích khu bảo vệ nghiêm ngặt 5.448,3 ha, khu phục hồi sinh thái 6.523,9 ha, khu hành chính – dịch vụ 200 ha.

Tại đây đã xác định được 5 kiểu thảm thực vật chính: Ở độ cao dưới 100 m: trảng cỏ và cây bụi; ở độ cao 100 - 200 m: trảng hóp xen cây gỗ nhỏ và tre nứa; ở độ cao 200 - 900 m: kiểu rừng kín thường xanh, cây lá rộng thường xen cây lá kim, mưa ẩm nhiệt đới; trên 900 m: kiểu rừng cây gỗ lá rộng.

Với 1.165 loài thực vật bậc cao có mạch, 154 loài động vật hoang dã đã thống kê được cùng với hàng trăm giống cây trồng vật nuôi trong khu dân cư, có thể nói khu vực có sự đa dạng về nguồn gen sinh vật.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.