Mở đường cho tre, luồng xuống núi
Ông Lê Trung Chớng hồi còn đương nhiệm Chủ tịch UBND xã Tân Phúc vẫn tham gia trồng tre luồng như bao hộ dân khác tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Với ông, trồng tre, luồng không chỉ là nghề truyền thống mà còn là kế sinh nhai của gia đình mấy chục năm nay.
“Mọi việc từ ma chay, cưới hỏi, đóng học cho con cái đến chuyện làm nhà đều phụ thuộc vào cây luồng. Nếu trong nhà thiếu thức ăn, chỉ cần lên rừng chặt một vài cây luồng đem bán là có thể giải quyết nhu cầu trước mắt”, ông Chớng tâm sự.
Theo ông Chớng, dù xã Tân Phúc sở hữu diện tích rừng tre, luồng lớn nhất huyện Lang Chánh với gần 2.000ha nhưng cây trồng này mới chỉ giải quyết khâu xóa đói, chứ chưa thể giúp dân làm giàu.
“Địa hình ở vùng tre, luồng tại huyện Lang Chánh có độ dốc lớn nên để khai thác được luồng, các hộ dân phải thuê người chặt và vận chuyển xuống núi. Mỗi cây luồng đến tuổi xuất bán có giá vài chục nghìn đồng nhưng công thuê chặt và vận chuyển mất nửa giá. Bởi vậy, dân làng bao đời nay không khá nổi dù sở hữu diện tích tre, luồng lớn”, ông Chớng cho biết.
Năm 2017, ông Chớng quyết định hiến 240 bụi tre, luồng, áng chường khoảng 5.000 cây và hơn 7 sào đất để mở đường lâm nghiệp rộng gần 6m giúp dân bản đưa lâm sản xuống núi thuận tiện hơn. Ông Chớng làm vậy là có lý do, dù vợ chồng ông có lúc gằn giọng vì chuyện này.
"Nếu không làm đường cho tre, luồng xuống núi thì người dân mãi bị thương lái ép giá. Giờ không hiến đất làm đường lâm nghiệp thì khác gì tiếc cái lợi ích nhỏ mà bỏ cái lợi lớn. Mình là cán bộ đảng viên phải đi trước, làm trước để người dân nhìn vào mà noi gương”, ông Chớng thẳng thắn.
Ngồi kế bên bàn trà, ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc tiếp lời: “Trước kia, để sản xuất, khai thác rừng, người dân phải di chuyển bằng đường mòn chật hẹp. Thanh niên trai tráng làm việc cật lực cũng chỉ chặt và vận chuyển được khoảng hơn 10 cây tre, luồng mỗi ngày. Vì thế, để có đường rộng rãi, dễ đi vẫn chỉ là ước mơ bấy lâu nay của người dân có rừng.
“Tuyến đường lâm nghiệp do ông Chớng và các hộ dân hiến đất dài hơn 1km, rộng hàng chục mét, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Con đường này kết nối với thôn đặc biệt khó khăn và giúp hơn 400 hộ dân tại thôn Tân Phong, Tân Bình, Tân Phú được hưởng lợi khi vận chuyển lâm sản.
Từ khi có tuyến đường này, việc khai thác, vận chuyển lâm sản dễ dàng hơn; giá tre, luồng được bán với giá gốc do người dân không phải mất phí vận chuyển qua khâu trung gian. Có đường lớn, học sinh chỉ mất 20 phút để di chuyển tới trường thay vì 2 tiếng như trước kia”, ông Phú nói.
Ngoài tuyến đường nêu trên, tại thôn Sơn Thủy (xã Tân Phúc) cũng có hàng chục hộ dân tích cực tham gia hiến đất mở đường lâm nghiệp sau khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí thực hiện. Chỉ sau vài tháng, tuyến đường rộng gần 6m, chiều dài 1,8km, hai bên lề, rãnh mỗi bên rộng 60cm đã cơ bản hoàn thiện.
Bà Lê Thị Chiêu (thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc) phấn khởi: “Khi chưa có đường lâm nghiệp, người dân phải mất nửa ngày mới gồng gánh được vài ba chuyến phân lên rừng để chăm bón cho cây. Gia đình nào neo người, già cả thì phải thuê thanh niên trong làng chăm sóc rừng tre, luồng. Bây giờ có đường chỉ cần dùng máy kéo là có thể chở cả tấn phân lên rừng mỗi ngày”.
Kỳ vọng "cây triệu đô"
Huyện Lang Chánh có gần 14 nghìn ha tre luồng, sản lượng khai thác hàng năm hơn 11 triệu cây và hơn 1 nghìn tấn nguyên liệu liên quan. Chính quyền địa phương đang nỗ lực biến tre, luồng thành "cây triệu đô", giúp dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Để đạt mục tiêu này, huyện đã thông qua đề án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025”.
Hiện nay, huyện Lang Chánh đang khuyến khích người dân đẩy mạnh thâm canh, phục tráng, triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho hơn 1 nghìn ha rừng tre, luồng.
Ông Phạm Tiến Nam (đại diện Công ty Lâm sản Đại Phát) - trưởng nhóm trồng rừng tre, luồng FSC tại huyện Lang Chánh cho biết: "Việc trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC đã góp phần xóa bỏ tình trạng trồng, khai thác tự phát như trước đây. Rừng tre, luồng, vầu theo tiêu chuẩn FSC mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 12 nghìn tấn gỗ chất lượng cao, cho giá trị thu nhập tăng từ 20 - 30% trên một đơn vị diện tích so với truyền thống”.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao giá trị sản xuất tre luồng, những năm qua, huyện Lang Chánh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đã đẩy mạnh xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ riêng hoạt động khai thác, thu mua, chế biến tre, luồng cũng đang tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.
Điển hình như vừa qua, việc khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tre và gỗ biến tính Bamboo King Vina với mức công suất đạt 1.500 tấn/ngày tại huyện Lang Chánh đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 350 lao động tại địa bàn huyện. Các mặt hàng của doanh nghiệp này bắt đầu phủ sóng tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và đã có đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu với các sản phẩm đồ nội thất bằng tre, luồng thân thiện với môi trường.
Theo khảo sát của Công ty Bamboo King Vina, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 128 nghìn ha, trữ lượng khoảng 193 triệu cây tre luồng, phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn như Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc và Thường Xuân.
Theo ông Đỗ Quốc Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty Bamboo King Vina, việc trồng, khai thác và chế biến tre, luồng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hàng nghìn hộ dân miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện nay ngành hàng tre, luồng tại tỉnh Thanh Hóa đang đối mặt với một số thách thức lớn. Đa phần diện tích rừng trồng đã già cỗi dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu chất lượng cao; sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, thị trường hạn chế; sự liên kết "4 nhà" (nhà nông, nhà máy, nhà nghiên cứu và nhà nước) còn yếu.
"Để nâng cao giá trị tre, luồng, cần tập trung đột phá về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cải tiến giống để tăng năng suất, chất lượng nguyên liệu. Xây dựng và thành lập đầu mối liên kết chính giữa người dân và doanh nghiệp thông qua HTX (HTX có vai trò điều tiết và thu mua nguyên liệu tre luồng cung ứng cho nhà máy và chủ đạo trong việc ươm giống, cấp giống cho nông hộ để trồng mới rừng tre luồng nhằm thay thế diện tích đã thoái hóa...); đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm tre, luồng.
Tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu, ban hành và thực hiện chương trình hành động cụ thể, quyết liệt nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chuỗi giá trị tre, luồng, từ đó tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, tạo đột phá cho các huyện miền núi từ cây trồng thế mạnh này", ông Đỗ Quốc Thái nhấn mạnh.
Để nâng cao giá trị rừng tre, luồng, tỉnh Thanh Hóa đã có chính sách hỗ trợ kinh phí mua phân bón trong 2 năm đầu thâm canh, phục tráng rừng luồng với mức 2 triệu đồng/ha/năm. Tại huyện Lang Chánh, người dân đã cải tạo, phục tráng được hơn 1,4 nghìn ha; hơn 2.000ha rừng luồng được bón phân giai đoạn 2021 - 2023; 8 tuyến đường lâm nghiệp được đầu tư với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng... Nhờ đó, giá trị thu nhập từ cây luồng đang được nâng lên. Hiện nay, giá trị bình quân khai thác của 1ha luồng đạt hơn 45 triệu đồng, tăng từ 8 - 10 triệu đồng/ha so với canh tác luồng truyền thống.