| Hotline: 0983.970.780

Đón Tết dưới những tán rừng

Thứ Hai 27/01/2025 , 11:30 (GMT+7)

Quảng Bình Những người canh giữ bình yên cho những cánh rừng đã không quản ngại đón giao thừa, đón xuân trên điểm chốt, dưới tán rừng lặng lẽ…

Con khe Lồ Ô chảy quanh co qua các dãy núi Trường Sơn như là đường phân định ranh giới rừng tự nhiên của Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh (Quảng Bình) với lâm phận của Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (Công ty TNHH Một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại).

Ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh (RPH Quảng Ninh), cho chúng tôi hay, thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ, đơn vị đã tăng cường 11 chốt (thuộc 7 trạm bảo vệ rừng (trạm BVR) tại các điểm xung yếu để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng bảo vệ rừng xuyên Tết trong chuyến tuần tra rừng. Ảnh: T. Đức.

Lực lượng bảo vệ rừng xuyên Tết trong chuyến tuần tra rừng. Ảnh: T. Đức.

“Chúng tôi đã tăng cường lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, hợp đồng, đội cơ động với 79 người làm nhiệm vụ xuyên Tết nhằm giữ bình yên cho trên 52.500ha rừng, trong đó có trên 41.000ha rừng tự nhiên”- ông Cừ nói thêm.

Trạm BVR số 7 được đặt cạnh con suối Lồ Ô. Đây là trạm có vị thế xung yếu nên được đặt 2 chốt tại khu vực Đá Trơn và Khe Rồng. Từ trạm muốn đến các chốt phải đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ với người chuyên đi rừng, vượt qua mấy con dốc đứng và hơn chục lần vượt suối mới đến được.

Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm hỏi, tặng quà tết cho trạm bảo vệ rừng Trường Sơn. Ảnh: T. Đức.

Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm hỏi, tặng quà tết cho trạm bảo vệ rừng Trường Sơn. Ảnh: T. Đức.

Anh Đoàn Anh Phượng, trưởng trạm cho biết, ở mỗi trạm có lực lượng liên ngành gồm bảo vệ rừng của trạm và cán bộ kiểm lâm huyện tăng cường. “Anh em ở các chốt phải là những người được thử thách qua nhiều năm. Và sẽ đảm nhận công tác tuần tra, giám sát biến động rừng trong những ngày Tết. Đêm giao thừa anh em chúc mừng năm mới bên đống lửa được đốt lên rồi sau đó phải thực hiện nhiệm vụ”- anh Phượng trầm lại.

Cũng theo anh Phượng, tại các điểm chốt hiện đang dựng lán tạm bằng cây rừng, lợp và che bằng bạt. Hầu hết anh em phải nằm võng và đêm đêm sưởi ấm bằng đốt lửa. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tinh thần của anh em không hề nản. “Các nhu yếu phẩm, hàng Tết như bánh kẹo, gạo nếp, bánh chưng, thịt mỡ…cũng đã được đưa vào đầy đủ cho anh em dùng đón xuân mới.”- anh Phượng bộc bạch thêm.

Bên gốc cây gỗ quý giữa đại ngàn Trường Sơn vào những ngày cận Tết. Ảnh: T. Đức.

Bên gốc cây gỗ quý giữa đại ngàn Trường Sơn vào những ngày cận Tết. Ảnh: T. Đức.

Chúng tôi ngược lên Ba Rền, tiến dần vào biên giới Việt - Lào trong chiều ngày 25 Tết. Chốt bảo vệ rừng Khe Đen (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), được xem như chốt chặn trên tuyến đường để bảo vệ cho hàng ngàn ha rừng tự nhiên ở đây.

Chốt có lực lượng liên ngành của Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh, Ban quản lý rừng phòng hộ và Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn. Để đảm bảo cho việc giữ rừng, các anh Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng và anh Nguyễn Hữu Tám, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn cùng lực lượng của chốt xuyên rừng.

Lực lược bảo vệ rừng Quảng Bình đón giao thừa và những ngày đầu xuân giữ rừng. Ảnh: T. Đức.

Lực lược bảo vệ rừng Quảng Bình đón giao thừa và những ngày đầu xuân giữ rừng. Ảnh: T. Đức.

Từ trục đường chính, chúng tôi bám gờ đá đi ngược lên hướng tây. Sau con dốc nhỏ là rừng tự nhiên trùng điệp chạy dài mênh mông. “Địa thế khá thuận lợi cho việc vào rừng. Nếu lơ là thì kẻ xấu chỉ cần dừng ô tô là có thể cưa cắt gỗ quý chở đi trong đêm. Vì vậy, lực lượng phải canh giữ 24/24. Ngoài ra, anh em còn chia nhau chốt điểm lẻ. Ở đó, chỉ có một người mà thôi, trực xuyên đêm”- anh Quế cho hay.

Đoàn công tác len lỏi qua những cánh rừng trong khoảng sáng mờ mờ vì tán cây rừng quá dày. Rừng ở đây, trữ lượng gỗ còn lớn với những cây quý như lim, gõ, táu… Có khi con đường nhỏ phủ đầy lá rừng ngoằn ngoèo đi qua giữa cây cây gỗ lớn, gió thổi ù ù trên ngọn. Nhiều cây gỗ lớn, đứng cách cây một quãng mà vẫn phải ngửa mặt ngước lên mới nhìn thấy ngọn.

Tranh thủ những lúc nghỉ, anh em trạm bảo vệ rừng Trường Sơn chăm sóc vườn rau xanh để đảm bảo thực phẩm hàng ngày. Ảnh: T. Đức.

Tranh thủ những lúc nghỉ, anh em trạm bảo vệ rừng Trường Sơn chăm sóc vườn rau xanh để đảm bảo thực phẩm hàng ngày. Ảnh: T. Đức.

Anh Tám chỉ vào một cây lớn, có gốc to bằng hai người ôm phía trước mặt: “Đó là cây lim ha. Còn chếch bên đó là ba cây gõ. Đi thêm chút nữa là đến khu vực có nhiều cây gõ nữa đó. Toàn gỗ quý nên việc bảo vệ càng nghiêm ngặt hơn”.

Lực lượng gần chục người của chốt sẽ đón giao thừa tại rừng và những ngày tết anh em phải tổ chức tuần tra xuyên rừng, một số anh em luân phiên chốt tại những đoạn đường mà rừng ở đó có thể bị xâm hại. Anh Hoàng Anh Mỹ, cán bộ kiểm lâm tăng cường phụ trách chốt bảo vệ rừng cho hay, đời sống vật chất của anh em tổ chốt cũng khá đầy đủ do cơ quan, chính quyền các cấp thăm hỏi, tặng quà.

Phóng viên Báo NNVN và lực lượng bảo vệ rừng xuyên tết trong chuyến công tác kiểm tra rừng vào ngày 25 Tết. Ảnh: T. Đức.

Phóng viên Báo NNVN và lực lượng bảo vệ rừng xuyên tết trong chuyến công tác kiểm tra rừng vào ngày 25 Tết. Ảnh: T. Đức.

“Tinh thần anh em quyết tâm cao, phải bám rừng, bám địa bàn thì mới giữ được rừng đó. Nhiệm vụ bảo vệ rừng tận gốc được quán triệt và triển khai thông suốt. Sau tết, anh em được nghỉ bù sẽ thăm hỏi bà con, bạn bè sau cũng được mà”- anh Mỹ nói trong tiếng gió thổi qua tán rừng xanh biếc.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

'Cây triệu đô' xứ Thanh

Thanh Hóa Thanh Hóa có diện tích tre, luồng lớn nhất nước với khoảng 128 nghìn ha. Tỉnh này đang dành nhiều chính sách, nhất là thu hút các nhà đầu tư khai thác 'mỏ vàng xanh'.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Hương ước giữ rừng ở xứ sở 'đệ nhất đinh hương'

Nghệ An Nhờ sự đồng lòng gìn giữ, bảo vệ, coi như báu vật của bản, những rừng gỗ đinh hương quý của bản Na Hang đã sinh sôi, vươn lên xanh tốt giữa đại ngàn.

Bình luận mới nhất