| Hotline: 0983.970.780

Rừng giàu hơn, chất lượng hơn nhờ Chỉ thị 13

Thứ Hai 18/09/2023 , 08:56 (GMT+7)

Chỉ thị số 13-CT/TW lan tỏa sâu rộng khắp cả nước góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng trái phép, từng bước nâng tỷ lệ che phủ và chất lượng rừng.

Chỉ thị số 13-CT/TW nhanh chóng hòa vào nhịp sống, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng chung tay, góp sức vì mục tiêu lớn 'quản lý, bảo vệ, phát triển rừng'. Ảnh: Việt Khánh. 

Chỉ thị số 13-CT/TW nhanh chóng hòa vào nhịp sống, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng chung tay, góp sức vì mục tiêu lớn "quản lý, bảo vệ, phát triển rừng". Ảnh: Việt Khánh. 

Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên

Ngày 17/8/2023 Ban Bí thư ban hành Kết luận 61 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sau hơn 6 năm triển khai, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế, chính sách, pháp luật được tiếp tục hoàn thiện.

Công tác quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy về lâm nghiệp được quan tâm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Quá trình phối hợp giữa các cơ quan chức năng được tăng cường. Công tác quy hoạch, điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được triển khai sâu rộng. Chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện nghiêm.

Vai trò của lực lượng kiểm lâm càng được thể hiện rõ nét. Ảnh: Việt Khánh.

Vai trò của lực lượng kiểm lâm càng được thể hiện rõ nét. Ảnh: Việt Khánh.

Các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến rừng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Công tác bảo vệ, ngăn chặn nạn phá rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại giảm mạnh, diện tích và chất lượng rừng ngày càng tăng, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 42%. Kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng nhanh. Đời sống, thu nhập của người dân ở khu vực có rừng, đặc biệt là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện.

Với Nghệ An, tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, mức độ lan tỏa của Chỉ thị 13 thực sự tích cực. Qua 6 năm áp dụng, diện tích rừng trồng của Nghệ An tăng nhanh, duy trì ổn định; diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học cơ bản được bảo vệ tốt, độ che phủ rừng gia tăng không ngừng, từ 57 % năm 2017 lên 58% năm 2022.

Xét về yếu tố kinh tế, ngành lâm nghiệp đã trở thành trụ cột, đời sống người dân làm nghề rừng nhờ đó có bước cải thiện đáng kể. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng tại Nghệ An được triển khai rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, đã phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để cùng góp sức, chung tay “quản lý, bảo vệ, phát triển rừng”.

Rừng là tài nguyên vô giá, là nguồn lực lớn 

Bên cạnh những mặt tích cực thì Kết luận 61 của Trung ương cũng nêu lên những vấn đề hạn chế như: Cơ chế, chính sách, pháp luật về lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ với pháp luật chuyên ngành khác, nhất là pháp luật về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng còn bất cập, chưa sát thực tế; ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế; chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng chưa phù hợp với lợi ích chính đáng của người được giao, nhận khoán…

Trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của chủ rừng, của cơ quan chuyên môn được phát huy. Ảnh: Việt Khánh.

Trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của chủ rừng, của cơ quan chuyên môn được phát huy. Ảnh: Việt Khánh.

Những hạn chế nêu trên chủ yếu do nhận thức về vị trí, vai trò của rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm chưa nghiêm; khiếu kiện, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng làm phát sinh một số điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự…

Để đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Xác định rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước, là tư liệu sản xuất quan trọng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh. Rừng là không gian sinh tồn, lưu giữ các giá trị văn hoá gắn với đời sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của rừng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Đẩy mạnh và mở rộng đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến từng chủ rừng gắn với trách nhiệm quản lý.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách cụ thể, đủ mạnh đề quản lý hiệu quả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; thu hút sự tham gia của người dân, các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, thúc đẩy phát triển các loại dịch vụ môi trường rừng. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên.

Tăng cường hướng dẫn khai thác rừng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại hoá ngành công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, gỗ có chứng chỉ, áp dụng công nghệ tiên tiền, chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, phát triển vật liệu mới thay thế gỗ.

Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82 ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng (nhượng lại, cho thuê, cho mượn, khoán trắng), hoặc sử dụng không hiệu quả…

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.