| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An cân đối 15 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách

Thứ Sáu 31/03/2023 , 20:35 (GMT+7)

Kinh phí phân bổ từ Trung ương hạn hẹp buộc Nghệ An phải có động thái nhằm níu chân lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, những người vốn chịu quá nhiều thua thiệt.

Empty

Diện tích rừng tỉnh Nghệ An rất lớn nhưng kinh phí phân bổ cho nhiệm vụ chuyên môn không tương xứng. Ảnh: Việt Khánh.

Không thể chậm trễ hơn

Năm 2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cất công thực hiện nhiều tuyến bài chuyên sâu nêu bật tình cảnh khốn khó của ngành lâm nghiệp Nghệ An, trong đó trọng tâm là phản ánh đời sống, chính sách của những người bảo vệ rừng chuyên trách hiện đang công tác tại 19 đơn vị chủ rừng trên địa bàn.

Từ thực tiễn cấp bách đặt ra, tỉnh Nghệ An đã có động thái phản hồi khá tích cực. Nếu theo đúng lộ trình đã vạch, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách sẽ sớm thoát nghịch cảnh… vừa làm vừa ngóng.

Theo diễn biến mới nhất, ngày 15/2/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có Tờ trình số 898/TTr-UBND về việc “Xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng” gửi đến HĐND tỉnh. Về tiến độ, đến nay đã thực hiện xong các bước của quy trình ban hành dự thảo (giai đoạn 1).

Empty

Cải thiện thu nhập, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là nội dung vô cùng cấp thiết. Ảnh: Việt Khánh.

Sự cấp thiết của Nghị quyết được UBND tỉnh dẫn chứng cụ thể như sau: Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng, Nghệ An với khoảng 1 triệu ha là địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước.

Các chủ rừng có lực lượng kiểm lâm trực thuộc gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt được giao quản lý hơn 277.400ha, chiếm 18% diện tích rừng và đất lâm nghiệp của cả tỉnh. 19 chủ rừng là tổ chức Nhà nước được giao 427.698 ha, chiếm 35%. Phần còn lại thuộc các chủ rừng là hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản, UBND các xã, lực lượng vũ trang và tổ chức kinh tế khác.

Rừng bạt ngàn nhưng kinh phí phân bổ để thực thi nhiệm vụ chuyên môn không hề tương xứng, bằng chứng là nguồn huy động đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn Nghệ An thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng chỉ đạt hơn 516 tỷ đồng.

Trong đó, kinh phí hỗ trợ để thực hiện giao khoán bảo vệ rừng (các đối tượng nhận khoán được hưởng kinh phí) đạt gần 315 tỷ đồng, số tiền này đầu tư cho trên 1,2 triệu lượt ha, bình quân mỗi ha được hỗ trợ hơn 250.000 đồng/năm. Với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của 19 chủ rừng Nhà nước con số thực tế bọt bèo hơn nhiều, tổng 5 năm chỉ đạt mức khiêm tốn 201 tỷ đồng, đạt khoảng 44%, tính ra mức hỗ trợ bình quân chỉ quanh quẩn 180.000 đồng/ha/năm.

Ít ỏi là vậy nhưng vẫn ăn đứt những chủ rừng không có diện tích thụ hưởng nằm trong lưu vực của các nhà máy thủy điện, hoặc có nhưng đơn giá quá thấp (Ban Quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Châu…), tính ra các đơn vị này chỉ cân đối cho lao động hợp đồng được 100.000 đồng/ha/năm.

Empty

Với chế độ bèo bọt áp dụng như giai đoạn đã qua, rất khó để người lao động an tâm, gắn bó với nghề. Ảnh: Quốc Toản.

Đưa lên bàn cân so sánh với đơn giá hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng theo quy định hiện hành, dễ thấy có sự chênh lệch rõ rệt. Cụ thể, đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo, cộng đồng dân cư thôn đang sinh sống tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang nhận mức khoán 400.000 đồng/ha/năm, trong khi mức khoán bình quân trên địa bàn là 300.000 đồng/ha/năm, cao gấp 3, 4 lần mức thực nhận của bộ phận lao động hợp đồng chuyên trách giữ rừng.

Cá biệt, 2 năm 2021 và 2022 nằm trong giai đoạn “giao thời” thành thử khó khăn càng thêm chất chồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu phát triển bền vững chỉ được Trung ương bố trí vỏn vẹn trên 88 tỷ đồng, con số này vừa không đáp ứng đủ nhu cầu lại phân bổ quá muộn (nguồn vốn năm 2021 đến tháng 7/2021 mới được cấp, nguồn vốn năm 2022 đến tháng 12/2022 mới được thông báo cấp bổ sung).

Việc nặng nhưng đồng lương không tương xứng, lại kéo dài ròng rã đã bào mòn chút niềm tin lay lắt của số đông cán bộ giữ rừng chuyên trách. Không phải vô cớ mà tình trạng bỏ việc, xin thôi việc của bộ phận này tăng chóng mặt từ năm 2016 - 2022, trong giai đoạn này ghi nhận đến 130 trường hợp. Từ thực tiễn báo động đó, Nghệ An xác định việc sớm ban hành Nghị quyết của HĐND để hỗ trợ kinh phí cho chủ rừng nhà nước là vô cùng cấp thiết.

Empty

Muốn phát triển bền vững, ngành lâm nghiệp Nghệ An phải được nhìn nhận xứng đáng. Ảnh: Quốc Toản.

Trân trọng nghề giữ rừng, thoát khỏi cảnh ăn đong

Trường hợp Nghị quyết được thông qua, những đối tượng sau sẽ được thụ hưởng: Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập tổ chức lực lượng kiểm lâm; doanh nghiệp nhà nước; tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, đất rừng có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng của các chủ rừng; các Sở, ban ngành và các tổ chức khác có liên quan.

Chi tiết hơn, các chủ rừng sử dụng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là lao động hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa được bố trí nguồn kinh phí, hoặc đã bố trí nhưng đơn giá thấp hơn định mức 300.000 đồng/ha/năm sẽ được hỗ trợ để đạt 300.000 đồng/ha/năm.

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, hiện tỉnh Nghệ An đang gấp rút hoàn thiện các bước còn thiếu để kịp thời trình HĐND tỉnh thông qua ngay tại kỳ họp Quý II năm 2023.

Dự kiến, nguồn vốn ngân sách đảm bảo tối thiểu cho nội dung này là 15 tỷ đồng/năm, khi đó mức thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách sẽ được cải thiện đáng kể, từ mốc 4 - 5 triệu/ tháng tăng lên khoảng 7 - 8 triệu/ tháng, đồng thời chấm dứt luôn cảnh “ăn đong” thường nhật.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thông tin: “Trước đây chúng ta lấy từ nguồn vốn sự nghiệp lâm nghiệp để trả lương, có những năm đến tháng 9, tháng 10 tiền lương mới đến tay người lao động.

Nếu Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng được thông qua, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ được nhận lương đều đặn ngay từ đầu năm. Đây là nguồn kinh phí quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm tải áp lực cho các đơn vị cũng như tổng quan sự nghiệp phát triển lâm nghiệp của địa phương”.

Sự linh hoạt, động thái tích cực của tỉnh Nghệ An chẳng khác nào cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn, tức thì xua tan đi bầu không khí ngột ngạt, oi bức bấy lâu. Qua trao đổi, lãnh đạo một chủ rừng hân hoan chia sẻ: “Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, tâm lý của số đông người lao động chuyển biến tức thì, ý nghĩ thôi việc, bỏ việc cơ bản không còn nữa, anh em đã ổn định tư tưởng để chuyên tâm công tác dài lâu”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 19 chủ rừng được tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng với tổng số lao động quản lý lên đến 955 người. Đáng nói, chỉ 172 người thuộc biên chế viên chức, chiếm 17%, trong khi phần đa là hợp đồng dài hạn theo diện tự trang trải với 658 người, chiếm 66%. Dù lương thấp, thu nhập bấp bênh nhưng lực lượng này đang gánh vác trên vai trọng trách khổng lồ khi phải đảm đương cả 6 nhiệm vụ then chốt được quy định rõ tại Điều 14, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP của Chính Phủ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.