| Hotline: 0983.970.780

Rừng trồng la liệt chết khô do nắng nóng

Thứ Hai 23/08/2021 , 06:30 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua trên địa bàn tỉnh Bình Định đã khiến hàng trăm ha rừng trồng bị chết khô, huyện Tây Sơn là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất.

Nắng tiếp, sẽ gay go

Những ngày này, đi dọc Quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn huyện Tây Sơn (Bình Định), nhìn lên những ngọn núi nằm về phía tây huyện, từ xã Bình Nghi lên đến Thị trấn Phú Phong, sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều cánh rừng trồng đứng chết khô, những vòm đồi đỏ loét.

Lên đến Thị trấn Phú Phong, nhìn về phía bắc đập dâng Văn Phong, sẽ tiếp tục nhìn thấy những ngọn núi nổi bật lên 1 màu đỏ hực, đó là rừng keo bị chết khô của xã Bình Thành. Đi dần lên theo hướng về Gia Lai, những cánh rừng chết nối tiếp từ xã Bình Tường lên đến xã Tây Thuận. Những diện tích rừng trồng bị chết khô trong đợt nắng nóng vừa qua hầu hết là rừng mới trồng.

Cận cảnh 1 khoảnh rừng đứng chết khô trong nắng nóng ở huyện Tây Sơn (Bình Đình). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cận cảnh 1 khoảnh rừng đứng chết khô trong nắng nóng ở huyện Tây Sơn (Bình Đình). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UBND xã BìnhThành (huyện Tây Sơn), tổng diện tích rừng trồng ở xã này có khoảng hơn 200 ha. Suốt 3 - 4 tháng nay, trên địa bàn chỉ xảy ra 1 cơn mưa mà chỉ thoáng qua, nên nhiều diện tích rừng trồng bị thiếu nước chết khô, rừng chết nhiều nhất trong tháng 7 và tháng 8/2021.

“Tính đến nay, trên địa bàn xã đã có khoảng 50 ha rừng trồng bị khô lá, chết đứng trên núi, chiếm phần nhiều là rừng mới trồng 1 - 2 năm tuổi. Những cánh rừng đã được 4 - 5 năm tuổi bị chết khô bà con còn thu hoạch để bán cho những nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Tuy nhiên những diện tích rừng non thì bà con cứ để đứng cầm cự, hi vọng chờ mưa xuống làm cây hồi sinh, nếu cây nào bị chết thì họ trồng dặm”, ông Minh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) cho biết, rừng trồng chết khô trên địa bàn do nắng nóng hiện khá nghiêm trọng. Trên địa bàn xã có khoảng 1.959 ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo và một ít diện tích là bạch đàn.

Tính đến nay, ước tính có khoảng 30% diện tích rừng trồng trên địa bàn bị nắng nóng làm cho cháy lá, nhiều diện tích đã chết khô. "Cánh rừng nào tầng đất dày, đất mặt không có đá thì cây không bị chết, rừng trồng trên những ngọn núi có tầng đất mỏng, nhiều đá chết nhiều nhất. Nếu thời gian tới, trời tiếp tục không có mưa thì tình hình càng gay go”, ông Chín lo lắng.

Những cánh rừng trồng bị cháy khô ở huyện Tây Sơn (Bình Định), nhìn từ xa kéo dài nối tiếp nhau. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những cánh rừng trồng bị cháy khô ở huyện Tây Sơn (Bình Định), nhìn từ xa kéo dài nối tiếp nhau. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng ở huyện Tây Sơn, rừng trồng ở xã Bình Tường bị chết đến đâu, bà con đã chặt đến đó, bởi rừng ở đây không chỉ bị khô lá mà khô cả thân, nên dù có để lại cũng không thể phục hồi. Trên địa bà xã có khoảng 380 ha rừng trồng, tính đến nay bà con đã đốn chặt khoảng 10 ha do cây rừng bị chết hoàn toàn.

"Cây chặt xong bà con để nguyên vỏ nằm lăn lóc, như vậy chắn chắn là không phải để bán cho những nhà máy chế biến dăm, bởi nhà máy dăm nhập gỗ nguyên liệu phải được lột sạch vỏ, cây này chắc là chỉ để bán củi. Nếu như trước đây nhìn lên núi thấy những cánh rừng keo xanh mướt thấy mát mắt bao nhiêu thì giờ trông xơ xác, thảm hại bấy nhiêu”, ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Tường ngán ngẩm.

Chỉ một mồi lửa, không phương cách nào cứu nổi

So với những địa phương khác có cảnh rừng trồng bị chết do nắng hạn thì người trồng rừng ở xã vùng cao Vĩnh An (huyện Tây Sơn) là khốn đốn nhất trong đợt nắng nóng này.

Bởi, xã Vĩnh An là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Định, có hơn 300 hộ dân, chiếm 95% trong đó là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập của đồng bào Bana ở xã Vĩnh An chủ yếu là trồng rừng và chăn nuôi bò.

Chính quyền và ngành chức năng các địa phương ở Bình Định tăng cường công tác kiểm tra rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chính quyền và ngành chức năng các địa phương ở Bình Định tăng cường công tác kiểm tra rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, hầu như hộ dân nào ở đây cũng có trồng rừng, hộ trồng ít nhất cũng hơn 1 ha, hộ trồng nhiều 7 - 8 ha. Bây giờ rừng chết khô càng khiến bà con khốn khổ.

“Từ đầu năm đến nay trên địa bàn Vĩnh An rất ít mưa, trong tháng 7 tháng 8 nắng nóng quá gay gắt lại thêm gió Nam nên rừng bị chết khô rất nhiều. Nguồn thu của bà con ở đây chủ yếu dựa vào rừng trồng, rừng chết khô là bà con mất thu nhập”, ông Bình chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, rừng trồng ở Tây Sơn có lớp đất mặt quá mỏng nên khi trời vắng mưa, nắng nóng kéo dài cây rừng dễ bị chết. Trước thực trạng trên, ngành chức năng ở Tây Sơn phải tăng cường công tác phòng cháy rừng. Bởi, chỉ cần một mồi lửa là những cánh rừng đang đứng chết khô kia sẽ bùng cháy không phương cách nào cứu chữa nổi.

“Trước tình trạng này, chúng tôi tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản yêu cầu các UBND xã tăng cường tuyên truyền, nghiêm cấm các hộ dân ở cạnh rừng không được dùng lửa gần rừng, không đốt dọn thực bì để làm nương rẫy gần rừng trong mùa khô. Chỉ đạo lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã phải luôn trong tình trạng sẵn sàng, để khi có xảy ra cháy rừng phải huy động ngay lực lượng chữa cháy”, ông Nguyễn Ơn cho hay.

Đứng ở Quốc lộ 19 nhìn lên ngọn núi nằm trên địa bàn xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định) dễ dàng nhìn thấy những cánh rừng đang chết đứng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đứng ở Quốc lộ 19 nhìn lên ngọn núi nằm trên địa bàn xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định) dễ dàng nhìn thấy những cánh rừng đang chết đứng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng trồng trên tầng đất mỏng như ở huyện Tây Sơn chết khô đã đành, rừng trồng trên tầng đất tốt như ở Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) cũng không chịu nổi trước cái nắng nóng gay gắt kéo dài.

Theo ông Nguyễn Hồng Kháng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thị xã Hoài Nhơn, rừng trồng sản xuất thuộc tiểu khu 13 giáp với tỉnh Quảng Ngãi của Công ty Trồng rừng Quy Nhơn hiện lá đã khô từng chòm. Đây là diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC nên công ty đang nỗ lực khắc phục.

“Tình hình nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, thế nhưng địa phương đang giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 nên việc kiểm tra rừng của ngành chức năng bị hạn chế, mỗi lần đi qua chốt phải test nhanh.

Trên địa bàn Hoài Nhơn có đến 19.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong khi lực lượng kiểm lâm chỉ có 13 người cả lãnh đạo và phòng chuyên môn. Do vậy, có những kiểm lâm địa bàn phải phụ trách 2 - 3 xã, trong bối cảnh giãn cách, việc đi kiểm tra rừng càng gặp khó khăn.

Thêm vào đó, các lực lượng công an, dân quân thường phối hợp với kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng thì hiện được trưng dụng vào công tác phòng chống dịch Covid-19, do đó lực lượng bảo vệ rừng hiện nay bị thiếu trầm trọng”.

(Ông Nguyễn Hồng Kháng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thị xã Hoài Nhơn)

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.