Cam Lộ là vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây dược liệu bản địa như cà gai leo, dây thìa canh, chè vằng… Một số loài cây dược liệu mới đưa vào vùng đất này như tràm năm gân, quế… cũng thích nghi tốt.
Thực tế cho thấy, cây dược liệu khi trồng ở vùng đất Cam Lộ có dược tính cao, tỷ lệ cao thành phẩm cao hơn trồng ở những vùng khác. Nghề chế biến cây dược liệu thủ công tại Cam Lộ cũng đã xuất hiện từ rất lâu đời. Nông dân có nhiều kinh nghiệm về trồng và chế biến cây dược liệu. Đó là điều kiện cần và đủ để địa phương này chuyển đổi diện tích những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu.
Ông Phạm viết Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ cho biết, thời gian vừa qua, nhiều diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cây dược liệu. Mới đây nhất, cây an xoa, một loài dược liệu bản địa đã được nhân rộng trồng trên một số diện tích trước đây trồng keo. Đến nay, người trồng dược liệu Cam Lộ đã tự ươm giống, một doanh nghiệp đã đến liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 12 nghìn đồng/kg. Để hỗ trợ người trồng cây an xoa, UBND huyện Cam Lộ đã trích ngân sách hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân như giống, phân bón...
Đến nay, toàn huyện Cam Lộ đã trồng được 16,5 ha an xoa, năng suất bình quân đạt từ 15-17 tấn/ha/năm, có nơi trên 20 tấn/ha. Riêng tại xã Cam Hiếu, sau khi được Công ty Lâm nghiệp Đường 9 trả 15 ha đất về cho địa phương quản lý, Cam Lộ đã quy hoạch thành vùng trồng cây an xoa tập trung. Tại đây, năng suất tuy thấp hơn so với một số vùng khác trên địa bàn nhưng lại cho tỷ lệ cao cô đặc cao hơn rất nhiều.
Với mỗi ha cây an xoa, nông dân thu về từ 180 đến 200 triệu đồng/năm, cao hơn hàng chục lần so với trồng keo. Năm 2022, Cam Lộ sẽ trồng thêm 6 ha cây an xoa và sẽ tăng dần diện tích khi có các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến, liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Ông Thanh cho biết thêm, để tạo điều kiện cho nông dân phát triển cây dược liệu, tại một số vùng, UBND huyện Cam Lộ đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đường điện để phục vụ tưới nước và đường giao thông để vận chuyển. Nhiều hộ dân đã khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới tự động để phát triển cây dược liệu.
Nhiều đơn vị sau khi xây dựng nhà máy chế biến tại huyện Cam Lộ đã liên kết với nông dân để trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, chế biến sản phẩm đạt chất lượng hướng tới xuất khẩu. Riêng đối với cây an xoa, một đơn vị tại Sài Gòn liên kết trồng, thu mua và sơ chế, xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Hiện trên địa bàn huyện Cam Lộ có 5 doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với người dân trong việc trồng và chế biến cây dược liệu. Việc doanh nghiệp vào đầu tư đã giảm bớt gánh nặng cho chính sách hỗ trợ của địa phương cũng như cho công tác quản lý tổ chức sản xuất. Điều quan trọng là hiệu quả sản xuất nhờ liên doanh, liên kết cao hơn rất nhiều so với sản xuất truyền thống.
Ông Thanh cho rằng, nông dân ngày càng ý thức được giá trị của việc trồng cây dược liệu và dược liệu hữu cơ. Tuy nhiên, diện tích manh mún và khó cách ly hoàn toàn với vùng có dư lượng hóa học đang là một trở ngại lớn khi doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất, chế biến.
Cùng với chủ trương đưa cây dược liệu trở thành 1 trong 6 cây trồng chủ lực của địa phương, tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Cam Lộ đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có cơ hội phát triển ngành nghề chế biến cây dược liệu.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với cây dược liệu, tỉnh chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp đến tận hàng rào, bàn giao đất sạch để xây dựng các nhà máy chế biến. Trong tương lai, Quảng Trị sẽ xây dựng một trung tâm logistics để tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa.
Cam Lộ trồng cây dược liệu hữu cơ phục vụ xuất khẩu
“Hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ có trên 200 ha cây dược liệu các loại, trong đó có 60 ha được trồng hữu cơ. Địa phương này đang tiến tới hữu cơ hoàn toàn cho cây dược liệu dài ngày với tổng diện tích trên 100 ha. Muốn cây dược liệu và các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao không còn cách nào khác là phải từng bước nâng cao chất lượng, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu” – ông Phạm viết Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ.