Đầu tiên phải kể đến cuốn sách song ngữ Anh - Việt có tên “Con đã về nhà” của kiến trúc sư Nguyễn Tăng Quang, do NXB Phụ Nữ ấn hành.
Bằng trải nghiệm một du học sinh trở về nước và được cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7 - TP.HCM, tác giả Nguyễn Tăng Quảng đã ghi lại và vẽ lại những điều mình bắt gặp rất sinh động.
Cuộc sống trong khu cách ly như thế nào? Có lẽ là điều khiến nhiều người bên ngoài tò mò nhất. Với tư cách nhân chứng trực tiếp, Nguyễn Tăng Quang mô tả nhiều chi tiết thú vị: “Thật ra ở trong khu cách ly, không phải mọi ngày đều trôi qua trong niềm vui. Vẫn có nhiều giây phút thấp thỏm lo âu. Điển hình một nam thanh niên thường xuyên ho sốt vào mỗi sáng, cộng với tiền án giao lưu lung tung, làm cho một người rất áy náy khi không nhốt anh trong nhà vệ sinh được lâu hơn.
Cao trào được đẩy lên đỉnh điểm khi vào đêm cách ly cuối cùng, lúc 9 giờ tối, anh bất ngờ bật dậy nói với mọi người mình thấy khó thở, đau đầu và đi xuống gặp bác sĩ. Cách đó một ngày, trung tâm cũng vừa phát hiện một ca dương tính ở ngày cách ly thứ 14, gây ra biết bao xáo động.
Không phải nói, tất cả đều vô cùng run sợ. Bác sĩ cũng hoang mang không kém. Sau 10 phút khám bệnh, nam thanh niên được kết luận là bị nghẹt mũi, do đi ngủ cởi trần vì ở dơ quá không còn áo để mặc”.
14 ngày cách ly bắt buộc, không chỉ dài đối với chính những người được cách ly mà cũng dằng dặc đối với thân nhân đang hồi hộp trông ngóng.
Tuy nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Tăng Quang cảm nhận theo cách khác: “14 ngày trôi qua thật chậm và giản dị nhưng tràn ngập tình yêu và biết ơn về những điều tươi đẹp xung quanh. Các bạn chiến sĩ thật ra cũng xêm xêm tuổi của các bạn du học sinh đang thực hiện cách ly, và cũng có rất nhiều khoảnh khắc tinh nghịch đáng yêu của tuổi trẻ.
Khi đã cầm trên tay tờ giấy âm tính lần 2, yên tâm về sự an toàn, cũng là lúc mọi người xóa bỏ được mọi rào cản, để cùng ngồi bên nhau trò chuyện thật vui. Lúc này, ranh giới giữa người làm nhiệm vụ và người phải cách ly gần như đã được xóa nhòa. Tất cả giờ đây cùng kề vai như những người bạn, những người cùng chung cội nguồn, người Việt Nam”.
Cuốn sách thứ hai là truyện dài “Tình người cách ly” của Từ Nguyên Thạch, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành.
Thay lời tựa, tác giả thổ lộ: “Trong dòng người từ nước ngoài cuống cuồng tìm đường về nhà trốn dịch, tôi đã gặp một chàng trai có đôi mắt thông minh. Bên cạnh chàng là một cô gái tóc tém cổ nhỏ nhắn, xinh xắn.
Họ xuống phi trường Tân Sơn Nhất rồi hối hả đi về khu cách ly 14 ngày với vẻ mặt lo âu. Họ có vẻ không quen nhau. Tôi chợt ao ước, phải chi họ là một đôi tình nhân. Để tình yêu của họ sẽ biến những ngày tẻ nhạt trong khu cách ly trở thành những ngày đầy ắp tiếng cười. Để tình yêu của họ có thể đánh thức tình người giúp nhau vượt qua nghịch cảnh.
Và để tình yêu của họ xua tan sợ hãi, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Thế là câu chuyện tình trong khu cách ly được hình thành. Câu chuyện tình thôi thúc được kể ra, được sống cùng nỗi lo âu, khắc khoải và hy vọng của loài người. Tôi hối hả viết với cảm xúc tuôn trào trong những ngày giãn cách xã hội”.
Đôi nam nữ tình cờ trông thấy giữa đời, được nhà thơ - nhà báo Từ Nguyên Thạch tượng hình thành chàng trai Minh có tài hội họa và cô gái Kim Anh duyên dáng trong truyện dài “Tình người cách ly”.
Họ cảm mến nhau qua cái khẩu trang chăng? Không, cảm xúc của họ được nhen nhóm nhờ kết nối công nghệ số. Minh đã vẽ những sinh hoạt trong khu cách ly bằng nét bút dí dỏm để đưa lên Facebook cá nhân, và Kim Anh đã đồng điệu tâm hồn: “Những bức tranh của anh đã đem lại cho em niềm lạc quan trong những ngày tẻ nhạt này!”. Cứ thế, tin nhắn qua lại, và họ nhận ra họ có thể đến với nhau bằng tình yêu trong sáng ở một hoàn cảnh độc đáo.
Tác giả Từ Nguyên Thạch đưa vào tác phẩm nhiều chi tiết có thực như sự bát nháo tiếp tế ở khu cách ly: “Trời ơi, không tin được ở mắt mình. Hàng trăm người với những thùng hàng đang chen lấn cố tiếp cận cổng ra vào khu cách ly.
Những tình nguyện viên, nam có nữ có, cố ngăn dòng người muốn vượt qua cổng. Lát sau, nhân viên bảo vệ được tăng cường. Họ phát loa kêu gọi mọi người xếp hàng, giữ trật tự”. Và chút ngao ngán lộn xộn ấy, cũng không thể làm nhòa đi những vẻ đẹp con người trong khu cách ly.
Đó là tình nguyện viên Dũng, cư ngụ gần khu cách ly. Dũng học hết phổ thông trung học, đi nghĩa vụ quân sự, rồi trở về địa phương. Chưa có việc làm ổn định, Dũng tạm chạy xe ôm để mưu sinh. Nghe khu cách ly vừa mở đang cần người phục vụ, Dũng lập tức đăng ký.
Dũng tháo vát và thân thiện, ai cũng quý mến. Một lần mang cơm lên lầu cho người cách ly, Dũng bị trượt chân té. Dũng không chỉ gãy tay mà còn bị tụ máu não. Phải phẫu thuật gấp, nhưng Dũng không có bảo hiểm y tế mà gia đình cũng khó khăn. Những người trong khu cách ly đã vận động nhau quyên góp để ủng hộ viện phí cho Dũng.
Đó là bác sĩ Khanh, chấp nhận xa vợ con để cắm trại chăm sóc sức khỏe cho những người cách ly. Khi nghe tin con trai nhập viện, bác sĩ Khanh rối bời nhưng vẫn kiên trì sứ mệnh đang được giao phó.
Những người cách ly hỏi han và động viên, bác sĩ Khanh xúc động bật mí về con trai mình: “Anh biết chái nói gì với tôi không? Cháu nói ba đang cứu người, không có ba thì nhiều người sẽ nguy hiểm. Vậy ba cứ yên tâm đi cứu người, đừng về thăm con nữa nha. Bệnh của con nhẹ lắm, sẽ mau hết thôi mà. Ba là người anh hùng của con! Tôi ngạc nhiên quá. Vì sao cháu nói được những lời đó!”
Truyện dài “Tình người cách ly” cũng có không ít dòng hoang mang, cũng có không ít trang u ám. Thế nhưng, ánh sáng vẫn là gam màu chủ đạo của truyện dài “Tình người cách ly”.
Ánh sáng ấy không chỉ hắt ra từ nụ cười của những người hoàn thành 14 ngày cách ly, mà ánh sáng ấy hiện diện ngay trong chính những sinh hoạt nhân văn của khu cách ly.
Khi có một ca được xác định dương tính với virus corona, những người trong khu cách ly đã cầu nguyện cho bệnh nhân ấy bằng cách dùng điện thoại thay cho ngọn nến: “Khắp các dãy phòng, đèn điện thoại bật sáng lên như những vì sao trong trời đêm. Những ngôi sao không lặng yên mà di chuyển, lung lung theo từng tràng vỗ tay như sóng. Hết đợt sóng âm thanh này đến đợt sóng âm thanh khác”.
Cuốn sách thứ ba là tiểu thuyết “Những ngày cách ly” của tác giả Bùi Quang Thắng. Được tác giả hé lộ viết 12 ngày, tiểu thuyết “Những ngày cách ly” do NXB tổng hợp TPHCM ấn hành, là câu chuyện xoay quanh gia đình ông bà Trương và tiểu thư Hoàng Cúc.
Họ phải đối mặt đại dịch và trải qua quãng thời gian vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình. Dường như trục thời gian vừa bị đảo ngược và không phải Hoàng Cúc đang đứng nhìn những người mới tới mà cô đang sống lại cái hôm đầu tiên gia đình cô tới đây. Từng phút, từng phút, những sự việc cứ lặp lại theo đúng diễn tiến cũ.
Điều khác biệt duy nhất đó là cô có thể quan sát mọi chuyện từ một góc nhìn toàn cảnh, quan sát cả chính mình và bố mẹ. Hoàng Cúc thấy mọi thứ không còn cái vẻ kinh khủng nữa. Và nếu có ai đó trong số những gương mặt lo âu xung quanh hỏi Hoàng Cúc “Tôi biết phải làm gì bây giờ?” thì cô sẽ trả lời rằng “Hãy bình tĩnh! Mọi việc không tồi tệ như chúng ta nghĩ!”.
Phải chăng, chỉ cần có độ lùi của thời gian và cái thứ có tên “trải nghiệm”, con người ta có thể sẽ nhìn sự việc bằng một con mắt hoàn toàn khác?
Tác giả Bùi Quang Thắng chia sẻ: ”Thông điệp chính của “Những ngày cách ly” là cách con người nhìn nhận, đương đầu và vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Mặt khác, tôi tin rằng những thử thách, những hoàn cảnh khó khăn sẽ đánh thức những phẩm chất đặc biệt trong mỗi chúng ta mà bình thường chúng có thể ngủ quên trong sự nhàn nhã đủ đầy. Chỉ khi con người thực ẩn sâu trong mỗi chúng ta được đánh thức thì ta mới sống một cách trọn vẹn nhất.
“Những ngày cách ly” nhấn mạnh tới những giá trị nhân văn thực sự, đó là điều không chỉ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn mà còn nhìn ra những giá trị của cuộc sống ngay cả trong những ngày đen tối nhất”.