| Hotline: 0983.970.780

Sai phạm trong quản lý, Hà Nam gây thất thoát hơn 1.200 tỷ đồng ngân sách

Thứ Ba 21/03/2023 , 08:18 (GMT+7)

Giai đoạn 2012 – 2018, tỉnh Hà Nam có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản gây thất thoát hơn 1.200 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 161/TB-TTCP thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 – 2018.

Tại Thông báo, Thanh tra Chính phủ cho biết: trong giai đoạn 2012 – 2018, công tác quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã được UBND tỉnh Hà Nam và các Sở, ngành, đơn vị địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện; thu hút được nhiều nhà đầu tư triển khai xây dựng các khu công nghiệp, dự án HTKT khu dân cư, đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ và nhiều dự án sản xuất kinh doanh, huy động được lượng đầu tư lớn trong và ngoài nước vào địa phương…

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vi phạm khuyết điểm, có những vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời, dứt điểm.

Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều Cảng không có trong quy hoạch tại huyện Hà Nam

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều Cảng không có trong quy hoạch tại huyện Hà Nam

Theo số liệu báo cáo, giai đoạn Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, UBND tỉnh Hà Nam có 35 dự án đầu tư đã được địa phương thu hồi đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh với tổng diện tích 97,1ha. Các dự án này quy mô diện tích nhỏ (cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng) nhưng các DA này không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định tại các Điều 62, Điều 73 (Luật Đất đai).

UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trong giai đoạn từ ngày 27/12/2015 đến hết năm 2016 không yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ. Đến năm 2017, UBND tỉnh mới yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện.  Tại thời điểm thanh tra còn 17 dự án đang triển khai nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện ký quỹ.

Đến thời điểm thanh tra có 20 dự án chậm tiến độ, trong đó có 11 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất do vướng mắc về công tác GPMB, chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai.

Ngoài ra, giai đoạn 2012 – 2018, Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 20 dự án hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở hỗn hợp khi chưa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm. Có 9 dự án UBND tỉnh lựa chọn chủ đầu tư không theo hình thức đấu thầu mà chỉ định thầu.

UBND tỉnh chấp thuận 12 dự án kho, bãi, cảng ven sông Đáy, huyện Thanh Liêm trong đó 11/12 dự án không có trong Quy hoạch cảng đường thuỷ nội địa khu vực phía Bắc được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; 9/12 dự án không có Văn bản chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của Luật Đê điều; 10/12 dự án không có giấy phép xây dựng; 5/12 dự án chưa có hợp đồng thuê đất nhưng chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư, đưa vào sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều, Luật Xây dựng.

Đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, Hà Nam cho phép 8 doanh nghiệp khai thác tận thu khoáng sản (đá) trên địa bàn huyện Thanh Liêm nhưng không yêu cầu lập hồ sơ khai thác; 6/8 công ty khai thác vào vị trí đất thuộc khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản…

Sai phạm về giá đất, thu tiền sử dụng đất

Kết luận của TTCP cho biết, việc xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuế đất và tính, thu tiền bảo vệ, phát triển đất lúa, UBND tỉnh Hà Nam xác định tiền sử dụng đất đối với một số dự án xây dựng HTKT theo phương pháp thặng dư, trong đó chỉ quy đổi tổng doanh thu phát triển vè giá trị hiện tại (tại thời điểm định giá đất) mà không thực hiện quy đổi tổng chi phí phát triển.

Dự án River Silk City được Hà Nam giao đất khi chưa xác định tiền sử dụng đất. Ảnh: Báo Tiền phong.

Dự án River Silk City được Hà Nam giao đất khi chưa xác định tiền sử dụng đất. Ảnh: Báo Tiền phong.

Mặt khác, khi quy đổi tổng doanh thu phát triển đã áp dụng tỷ suất chiết khấu không đúng với mức lãi suất cho vay trung hạn bình quân tại thời điểm định giá đất của các ngân hàng thương mại nhà nước; đưa thuế VAT và tính thêm lãi vay ngân hàng (đã được tính gộp vào lợi nhuận của nhà đầu tư) vào tổng chi phí phát triển khi xác định tiền sử dụng đất, vi phạm Điều 6 Thông tư số 36 của Bộ TNMT và Luật Thuế giá trị gia tăng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách.

Sau khi loại bỏ khoản VAT không đúng quy định, số tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung tạm tính là gần 58 tỷ đồng, gồm Dự án HTKT khu đô thị Đồng Văn Xanh (trên 46,162 tỷ đồng); dự án River Silk City (phân kỳ 1) hơn 8,2 tỷ đồng; dự án khu đô thị Phú Cường (trên 3,5 tỷ đồng)…

Dự án River Silk City (phân kỳ II, III) có 9.102,4m2 mặc dù đã được UBND tỉnh giao đất nhưng thời điểm thanh tra chưa được xác định tiền sử dụng đất, tương ứng với số tiền hơn 104 tỷ đồng…

Việc tính, thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trong giai đoạn 2012 – 2016, UBND tỉnh Hà Nam không ban hành quy định về mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đối với tổ chức, cá nhân phải nộp khi nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa. Từ năm 2017 cho đến thời điểm thanh tra, Hà Nam mới thực hiện thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa với diện tích 391,2ha với tổng số tiền phải thu là hơn 80 tỷ đồng.

áo cáo của Cục Thuế tỉnh Hà Nam về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, một số chủ đầu tư dự án nợ tiền thuê đất, tiền chậm nộp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số tiền trên 54,8 tỷ đồng và 51.573USD.

Thanh tra Chính phủ cũng Kết luận nhiều sai phạm trong quy hoạch chi tiết một số dự án HTKT (khu đô thị Đồng Văn Xanh), xây dựng trái phép (59 trường hợp) tại khu đô thị mới River Silk City; giao đất không qua đấu giá hơn 6.000m2 đất cho Công ty TNHH Thắng Lợi – Thanh Liêm;

Thất thoát hơn 1.200 tỷ đồng ngân sách

Kết luận các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Hà Nam, Thanh tra Chính phủ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản đã được nêu tại Kết luận Thanh tra.

Về xử lý kinh tế, yêu cầu Hà Nam rà soát, thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 290 tỷ đồng; rà soát, giảm trừ thanh, quyết toán số tiền hơn 860 tỷ đồng chi vượt đối với các dự án đầu tư xây dựng HTKT; rà soát, thu hồi số tiền hơn 135,7 tỷ đồng và 51.573USD mà các chủ đầu tư còn nợ, đảm bảo không thất thoát ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh Hà Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến những tồn tại, vi phạm khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu từ xây dựng cơ bản đã nêu tại Kết luận Thanh tra.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.