| Hotline: 0983.970.780

Sầm Sơn, 'sóng yên biển lặng'?

Thứ Năm 10/03/2016 , 14:48 (GMT+7)

Biển mấy ngày nay lặng gió, yên ả giống như lòng ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) đa phần đã yên tâm trở lại sản xuất. Nhưng ẩn chứa sâu bên dưới vẫn có những cơn sóng ngầm nên cần một giải pháp lâu dài, bền vững…

Nửa mừng, nửa lo

Đường ven biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang mở rộng, tấp nập xe ủi, xe lu, xe cẩu vào ra hứa hẹn thị xã sẽ có một bộ mặt mới văn minh hơn, hiện đại hơn. Đối nghịch với cảnh tượng sôi động đó, trảng cát dài ven đường Hồ Xuân Hương là hàng trăm chiếc mủng, chiếc bè vẫn nằm ủ rủ, phơi mình dưới làn mưa xuân lây rây, giăng mắc.

Trông chúng thật nhỏ bé, nhuốm vẻ nghèo nàn khi phần đa chỉ phết nhựa đường hoặc sơn phết qua loa, lắp máy 5-10 CV, không mui, khoang cắm phất phơ những lá cờ làm phao tiêu nom nát tươm như chiếc gậy của người chăn vịt.

Buổi chiều không phải là thời điểm ngư dân ra lộng nên cảnh càng quạnh quẽ, buồn thiu. Ngư dân Nguyễn Văn Cường - phường Trường Sơn vừa hí húi sửa chữa cái máy nổ đã hoen gỉ gắn trên mủng vừa chậm rãi trả lời chúng tôi. Một thanh niên 34 tuổi như anh mà không biết chữ cũng là điều hết sức bình thường đối với người dân vạn chài nên Cường không hề tỏ ra ngượng ngập.

16-37-32_dsc_1581
Ngư dân Cường

Nhà bốn đời đi biển nên mới 10 tuổi anh đã theo nghề. Mùa này chủ yếu là đánh lưới tôm. Hai dịu lưới đã chất sẵn trong khoang, sẵn sàng cho chuyến đánh bắt lúc 2h sáng mai. Cả mủng và lưới của anh tất tật trị giá vào khoảng 50 triệu đồng.

Thấy tôi ái ngại khi ngắm nhìn chiếc mủng nhỏ bé, anh thú thực: Trời lặng, sóng êm tôi ra xa khoảng 15 km còn sóng lớn chỉ thả lưới 1-2 km ven bờ. Mỗi buổi đi lộng như thế Cường có thể kiếm được mươi cân cả tôm lẫn cá loại nhỏ. Mủng vừa cập bãi là vợ anh, chị Văn Thị Din đã trực sẵn để chở ra chợ Cột Đỏ cách đó vài trăm mét bán. Con cá vẫn còn tươi, con tôm vẫn còn búng tanh tách nên cũng khá được giá mà lại không mất mấy tiền xăng xe.

Mỗi tháng trừ sinh hoạt, gia đình anh chị bỏ ra được cỡ 2-3 triệu để tích cóp. Tôi hỏi anh cảm nhận thế nào sau khi dự cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy vừa qua, anh bảo: Chúng tôi nửa yên tâm nhưng cũng nửa lo sợ vì không biết tiếp tục được đánh bắt đến bao giờ.

Về mức hỗ trợ 50-70 triệu đồng, anh bình luận: Số tiền đó chỉ vừa đủ giá trị của mủng và lưới. Sau khi giải bản, có bán mủng, bán lưới cũng chẳng ai thèm mua, trừ mỗi cái động cơ may giá trị khoảng 500.000 đồng -1 triệu đồng. Kể cả Nhà nước có hỗ trợ 100-200 triệu đồng đi chăng nữa chúng tôi cũng không cần vì không đi biển chẳng biết làm nghề gì để sống, chỉ muốn như trước mà thôi.

Thế còn đóng mới tàu, thuyền? Chúng tôi hỏi tiếp. Anh bảo: Một tàu 30-40CV giờ đóng mới cũng phải 500-600 triệu đồng, được hỗ trợ, được vay một nửa vẫn phải có vốn 200-300 triệu đồng, tôi không có đủ số ấy. Ngư dân Sầm Sơn 10 người theo tôi cũng chỉ có khoảng 3 người là có thể chuyển đổi được.

Người đi biển lại tiếp tục đi biển thoải mái còn người di dời thì lấy tiền hỗ trợ mà chuyển nghề, chính sách là thế nhưng hiện nay ở Sầm Sơn vẫn kẻ nọ dòm kẻ kia chưa ai dám lấy.

Cũng bởi có chuyện hỗ trợ giải bản với mức 50-70 triệu đồng mà có những buổi bãi biển Sầm Sơn kín đen bè mủng trong đó có những chiếc lạ hoắc, có những chiếc không thể đi biển được nữa vì quá cũ nát, thủng lung tung.

Một người dân địa phương cho hay, không ít mủng cũ nát được mua với giá một vài triệu đồng để tính chuyện sau này đợi đền bù.

Không ít người từ lâu đã không còn đi biển mà chuyển sang chạy chợ hay chăn nuôi rồi nhưng vẫn được rỉ tai mua phương tiện cũ nát về rồi báo cáo rằng mình đang làm nghề, xin được đánh số phương tiện. Một số người trong số đó có quan hệ họ hàng với cả cán bộ cấp cơ sở.

Thế nên chuyện đánh số cho phương tiện bị đa số ngư dân phản đối vì chẳng khác nào hợp lý hóa cho những phần tử gian lận kia.

Về chuyện này, chúng tôi chưa có điều kiện để xác thực nhưng cũng chụp được ảnh của một số phương tiện nghi là lợi dụng chuyện giải bản để kiếm chác. Chúng đang được đặt chình ình trên bãi biển trước phường Trường Sơn.

Chấp thuận di dời nhưng...

Chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Phát, người thôn Sơn Thủy, phường Trường Sơn khi đang gánh lưới ra mủng chuẩn bị cho chuyến đi đánh bắt sau 12 ngày gác bờ vì mải đi phản đối chuyện “mất biển”. Ông bảo mình chỉ còn đi biển được dăm năm nữa thôi vì nay đã ngoài 50 tuổi rồi nhưng lo gì, các thế hệ cứ tre già măng lại mọc, nhà ông còn có bốn đứa con nữa cơ.

Ông Phát trước từng đi thuyền to tới 175 CV để vươn khơi dài ngày. Làng ông cách đây mươi năm cũng nhiều người có thuyền lắp máy 20, 30, 40 CV có thể đi biển dăm bảy ngày nhưng sinh nhai nơi khơi xa không hề dễ dàng. Chi phí lớn mà đánh bắt lại không được nên thua lỗ, phải bán hết tàu thuyền.

16-37-32_dsc_1586
Ông Phát gánh lưới chuẩn bị đi biển

15 năm trở lại đây dân quê ông rủ nhau sắm thúng, sắm mủng lắp động cơ để lại đi lộng ở ven bờ - cái nghề mà cha ông họ từng đi với những chiếc mảng chèo tay đầy vất vả. Ông Phát bảo, đấy nói đâu xa, như dân xã Quảng Tiến kề bên có nhiều tàu to nhưng cũng lắm người khốn đốn vì vỡ nợ, chứ đâu có được ăn.

Đánh bắt kiểu nhỏ lẻ nhưng cũng có lắm cái lợi mưu sinh trước mắt như: Được cái con tôm, con cá ở Sầm Sơn mùa du lịch có giá gấp đôi, gấp ba vùng biển khác, “tiền tươi thóc thật” có hằng ngày. Được cái, sáng úp mì tôm ăn trên bờ, trưa úp mì tôm ăn ngoài biển, đầu giờ chiều đã lại kịp về quây quần bên mâm cơm với vợ con.

Được cái là hễ nghe tin sóng gió là nổ máy dông thẳng vào bờ, đỡ hiểm nguy “Hồn treo cột buồm” hơn dân ra khơi. Nhưng cái không được chính là môi trường sẽ sớm bị hủy hoại vì đa số toàn đánh bắt những thủy sản còn non, chưa đến tuổi trưởng thành. Suy cho cùng, kế sinh nhai ấy không thể bền vững.

Biết là có hại thế nhưng khi nghề đó gắn với cả ngàn con người ở vùng biển này thì chuyển nghề quả thực rất khó.

Ông Phát tâm tư: Giờ đây chúng tôi vẫn chỉ muốn làm nghề đi mủng, nếu buộc phải di dời thì cũng chấp thuận nhưng phải tìm bãi mới để cho dân cập bờ an toàn thuận tiện. Trước người ta bảo xuống một cái bãi Quảng Đại cách đây tới 10km thì xa quá nên ai cũng phản đối. Theo tôi chỉ có bãi gần cống Quảng Vinh cách đây 2 km là hợp lý hơn cả.

Chúng tôi nhờ một ngư dân dẫn đường xuống Quảng Vinh. Quả thực đó là một cái bãi rộng, khá lý tưởng cho không chỉ mủng, bè mà còn thuyền cỡ nhỏ có thể cập.

Nhưng cũng có nhiều chuyện để làm mới có thể thành một cái bến an toàn, thuận tiện cho các phương tiện nhỏ cập vào như phải nạo vét hàng vạn khối bùn đất ở luồng lạch dẫn vào bến, phải kè đá cho đôi bờ khỏi sụt lún, phải làm đường đi lối lại cho xe ra vào thuận tiện, thậm chí còn phải tính chuyện di dời cả cái cống Quảng Vinh vào sâu bên trong.

Sẽ tốn hàng trăm tỉ nhưng so với số tiền mà tỉnh dự định hỗ trợ cho ngư dân 4 xã phường xem ra cũng chấp nhận được. Nếu quyết tâm thực hiện sẽ được lợi cả đôi đường dân yên tâm lại bám biển và bãi biển Sầm Sơn lại sạch sẽ, tinh tươm.

Quyết định số 705 của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 1/3/2016 về cơ chế, chính sách hỗ trợ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn, TX Sầm Sơn cụ thể: Đối với những hộ giải bản tàu thuyền dưới 20 CV trong đó bè, ngư lưới cụ, trang thiết bị 70 triệu đồng/bè; mủng ngư lưới cụ, trang thiết bị 50 triệu đồng/mủng ngoài ra còn hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ tìm nghề mới trị giá hàng chục triệu đồng/hộ.

Đối với những hộ đóng mới, mua mới tàu cá có công suất từ 30CV đến dưới 400CV được hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng mới tàu, cụ thể tàu từ 30CV-dưới 50CV hỗ trợ 125 triệu đồng, tàu từ 50-dưới 70CV hỗ trợ 160 triệu đồng, từ 70CV-dưới 90CV hỗ trợ 195 triệu đồng; từ 90CV trở lên hỗ trợ 250 triệu đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng với mức 7%/năm trong thời hạn 5 năm.

 

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...