| Hotline: 0983.970.780

Sân bay đầu tiên của người Việt

Thứ Ba 02/09/2014 , 16:03 (GMT+7)

Về với thủ đô kháng chiến (ATK Tân Trào) nhưng ít ai biết, ngay gần đó còn có sân bay "quốc tế" đầu tiên do người Việt xây dựng.

Đến khu di tích ATK Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào những ngày thu tháng Tám, nhiều đoàn xe từ khắp các tỉnh, thành cả nước về thăm đình Tân Trào, lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào... 

Nông dân chung sức làm sân bay

Đầu tháng 6/1945, Bác Hồ đã chỉ đạo 2 đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản đi khảo sát thực địa, lựa chọn địa điểm thuận lợi và an toàn nhất cho việc xây dựng sân bay quốc tế, nhằm nối liền căn cứ Tân Trào với Đồng Minh trên toàn thế giới. Trong chuyến khảo sát này, còn có sự phối hợp của một thiếu tá quân sự Mỹ, thuộc lực lượng Cứu trợ không quân Mỹ (AGAS).

Sau thời gian khảo sát địa hình, cả nhóm đã quyết định chọn một bãi bằng ở Lũng Cò, thuộc thôn Cò, xã Thanh La (nay là thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) để làm nơi xây dựng sân bay.

Điều thuận lợi nhất là ở đó có sẵn dải đất rộng khoảng 4 ha, lại nằm trong thung lũng, xung quanh có các ngọn núi và những quả đồi thấp bao bọc, đảm bảo cho các chuyến bay lên, xuống thuận tiện. Nơi đó cũng sát bìa rừng rậm, khi máy bay hạ cánh, ngay lập tức sẽ được ngụy trang bằng tán lá cây rừng. Đặt biệt là Lũng Cò gần căn cứ Tân Trào, rất dễ dàng đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Khi được Bác Hồ nhất trí về phương án xây dựng sân bay Lũng Cò, ngày 16/7/1945, một tổ công tác đặc biệt mang biệt danh “con nai”, gồm 5 người do thiếu tá Thomas chỉ huy, đã nhảy dù xuống Tân Trào.

Sự xuất hiện của tổ công tác đặc biệt này, cùng những người lính Mỹ khác cũng có mặt ở Tân Trào ngay từ trước cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong hợp tác Việt - Mỹ lúc bấy giờ, đồng thời đặt ra các yêu cầu cấp thiết trong việc hoàn thiện sân bay với thời gian ngắn nhất.

Kế hoạch xây dựng được triển khai nhanh chóng, nhưng trên nguyên tắc bí mật. Do đó, các đồng chí được giao nhiệm vụ đi vận động hàng trăm quần chúng là những nông dân tích cực, ở các xã: Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc ... cùng một đơn vị bộ đội thực hiện.

19-24-52_img_3985
Đình Tân Trào, nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng trước Tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945.

Khi mới làm, mọi người dự định mất khoảng hơn một tuần mới xong. Thế nhưng, những người được tham gia làm việc đã năng nổ và rất nhiệt huyết với cách mạng, họ đã tích cực làm cả ngày lẫn đêm, với tinh thần nhanh nhất. Do đó, chỉ sau 2 ngày vừa phát dọn, san gạt mặt phẳng rồi đầm đất, một sân bay dã chiến đã được hoàn thành.

Chỉ với việc chỉ dẫn đường cho máy bay hạ cánh, đã thấy sự thô sơ giản đơn của sân bay này. Thế nhưng, giá trị lịch sử của nó 69 năm về trước, thì mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt. Có thể gọi là sân bay "quốc tế" đầu tiên do chính người Việt Nam tạo dựng.

Sân bay có chiều dài khoảng 400m, rộng khoảng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh an toàn. Đường băng của sân bay được trải dài theo hướng Bắc Nam. Đầu hướng Nam của sân bay (có điểm tiếp giáp với suối Lê, thuận tiện cho chỉ dẫn mỗi khi hạ cánh) là điểm chốt cho các máy bay bắt đầu hạ cánh. Phía Bắc có độ dốc thoai thoải, rừng già nguyên sinh, cây cối rậm rạp, rất lý tưởng cho việc cất giấu máy bay dưới tán lá rừng.

Do sân bay nằm dưới thung lũng, nhiều đồi núi che phủ, mây mù cũng hạn chế tầm nhìn, nên mỗi khi có máy bay chuẩn bị hạ cánh, hai bên lề đường băng được căng những tấm vải dù trắng, còn trên các ngọn núi quanh sân bay, những người làm chỉ dẫn phải đốt những đống lửa to để báo hiệu.

Đường bay nối liền đoàn kết quốc tế

Ngày 29/3/1945, tại Côn Minh, Trung Quốc đã diễn ra cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa Hồ Chí Minh -đại diện cho Mặt trận Việt Minh và tướng Sê Nôn - Tư lệnh Không đoàn 14 của Mỹ. Tại buổi hội đàm, hai bên đã thỏa thuận được vấn đề quan trọng là việc xây dựng một sân bay, để đảm bảo liên lạc giữa hai bên Việt - Mỹ.

Cũng thời điểm này, tình hình thế giới và trong nước đang thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã cận kề. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ rời căn cứ Pác Bó, tỉnh Cao Bằng về Tân Trào để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, đồng thời khẩn trương cho xây dựng một sân bay dã chiến để nhanh chóng đón tiếp sự chi viện của quân Đồng Minh.

Công việc xây dựng sân bay hoàn tất, đường bay quốc tế nối tình đoàn kết Việt Nam với thế giới bắt đầu được thực hiện. Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Lũng Cò chỉ có hai sỹ quan quân Đồng Minh, cùng một số lương thực, thuốc chữa bệnh. Hai đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản cùng quân dân Việt Minh tổ chức mít tinh chào mừng sự kiện trọng đại này.

19-24-52_dscn0235
Máy bay L5 được trưng bày trang trọng tại Di tích xã Minh Thanh

Trong suốt thời gian quân Đồng Minh đến làm việc với lực lượng Việt Minh tại Tân Trào, các chuyến cất và hạ cánh đều an toàn tại sân bay Lũng Cò. Nhiệm vụ chủ yếu của những chuyến bay lúc bấy giờ là đưa đón quân Đồng Minh và viện trợ cho chúng ta bao gồm thuốc men, vũ khí, trang thiết bị quân nhu và cả lương thực từ Côn Minh đến Tân Trào.

Sự kiện đáng nhớ nhất của sân bay này là tháng 7/1945, Bác Hồ đã đến ở một nhà dân, gần sân bay Lũng Cò trong thời gian 10 ngày, để chỉ đạo công việc tiếp đón quân Đồng Minh chi viện. Chính Bác Hồ đã ở trong căn nhà này cùng 8 người lính Đồng Minh.

Khi đánh đồn lính Nhật tại huyện Tam Đảo, lực lượng Việt Minh đã giải phóng cho những người Pháp đang bị Nhật cầm tù, rồi đưa họ trở về căn cứ Tân Trào, đến ngày 30/7/1945, những người Pháp này (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em) được đưa lên những chiếc máy bay L5, từ sân bay Lũng Cò để trở về nước an toàn.

Trong đó, chuyến bay cuối cùng tại sân bay này chở trung úy Keent, một sỹ quan tình báo OSS của Mỹ về nước. Đồng chí Lê Giản là người có công tìm ra sân bay, cũng là người được giao nhiệm vụ tiễn đưa chuyến bay cuối cùng tại sân bay Lũng Cò.

Gần 70 năm trôi qua, mặt bằng sân bay đã không còn, nơi đây chỉ còn lại một tấm bia lưu niệm, cùng khu trưng bày một chiếc máy bay L5 của không lực Mỹ để du khách viếng thăm. Thế nhưng, sân bay Lũng Cò sẽ mãi mãi là một minh chứng lịch sử về tài năng, sự sáng tạo của người Việt trong gian khó.

Sân bay Lũng Cò ngày ấy đã giúp Bác Hồ mở rộng tình đoàn kết quốc tế cao cả, tranh thủ được sự ủng hộ của lực lượng Đồng Minh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.