| Hotline: 0983.970.780

Sản lượng thứ 3 thế giới, cây quế xứng tầm cây lâm nghiệp quốc gia

Thứ Sáu 04/11/2022 , 22:23 (GMT+7)

Sản lượng đứng thứ ba thế giới, giá trị xuất khẩu và diện tích trồng liên tục tăng, nhưng cây quế còn thiếu những điều hành ở tầm vĩ mô để phát triển bền vững.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tổng diện tích quế cả nước khoảng gần 170.000ha.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tổng diện tích quế cả nước khoảng gần 170.000ha.

Ấn Độ rất ưa chuộng

Tại Hội thảo Phát triển quế Việt Nam bền vững ngày 4/11, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tổng diện tích quế cả nước khoảng gần 170.000ha.

Trong đó, quế được trồng tập trung ở các tỉnh như Lào Cai (53,3 nghìn ha), Yên Bái (81 nghìn ha) và Quảng Nam (khoảng 15 nghìn ha). Ba tỉnh này chiếm khoảng 70% tổng diện tích quế cả nước. Trữ lượng vỏ quế hàng năm ước khoảng 900 nghìn - 1,2 triệu tấn. Sản lượng thu hoạch quế bình quân từ 70 - 80 nghìn tấn/năm.

Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng, năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD. Dự kiến năm 2022, giá trị xuất khẩu quế hồi đạt khoảng 276 triệu USD. Thị trường chủ yếu của quế Việt Nam là Ấn Độ và Mỹ. Giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường này lần lượt là: 90,7 triệu USD và 54,2 triệu USD.

Theo ông Diện, cây quế còn nhiều dư địa bởi nhu cầu từ các thị trường chất lượng cao như Mỹ, châu Âu không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hưởng lợi từ nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định VPA/FLEGT. Nhiều loại thuế suất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được giảm hoặc xóa bỏ.

Ngược lại, quế cũng gặp một số thách thức, trong đó, Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh tới sự cần thiết của một chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia. Từ đó, người trồng, chế biến và xuất khẩu quế thường bị phản hồi chậm so với yêu cầu thị trường.

"Hiện nay, diện tích trồng quế đang tăng rất nhanh. Một số nơi người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch. Nếu chúng ta không có kế hoạch phát triển căn cơ, những thách thức phát triển kém bền vững sẽ xuất hiện", ông Diện nói. 

Một vấn đề nữa, là năng lực chế biến của từ phía HTX, doanh nghiệp. Hầu hết các nhà chế biến vỏ quế mua trực tiếp từ người thu gom và thực hiện cả sơ chế thô (sàng lọc, phân loại, bóc vỏ và sấy khô) và chế biến tinh (cắt và mài, loại bỏ kim loại và cặn, đóng gói). Công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chưa thực sự được quan tâm.

Sản lượng quế của Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới.

Sản lượng quế của Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới.

Xúc tiến thành lập hiệp hội quế, hồi

Tại hội thảo, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc IDH Việt Nam chia sẻ, hiện ngành hàng quế hồi thiếu những tổ chức liên chính phủ để điều phối sản xuất, thương mại. Điều này làm giảm giá trị của cây quế Việt Nam, vốn được đánh giá là quốc gia sản xuất quế lớn thứ ba thế giới.

"Chúng ta chưa có văn bản mang tính chiến lược cấp quốc gia về cây quế. Hơn chục năm qua, chúng ta cũng chưa tổ chức hội thảo mang tầm quốc gia nào", ông Dũng nói. Qua hội thảo, Giám đốc IDH Việt Nam bày tỏ mong muốn, Việt Nam có thể thành lập hiệp hội quế hồi trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, Tổ công tác Công - Tư ngành quế, với thành phần là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang trong quá trình chờ Bộ NN-PTNT phê duyệt. Đây sẽ là nơi kết nối khối công - tư nhằm chia sẻ thông tin, điều phối các hoạt động liên quan cũng như tìm kiếm nguồn lực để phát triển ngành quế.

Ở các tỉnh trồng quế chính hiện nay, đa số mới chú trọng việc mở rộng diện tích, thay vì chú trọng đầu tư vào chất lượng, chế biến, mở rộng thị trường. Trong 170 nghìn ha trồng quế cả nước, một số lượng nhỏ mới được công nhận hữu cơ. Sản phẩm vẫn tập trung xuất thô.

Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị, bao gồm cả quế hồi. Tuy nhiên, các công ty chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thương mại, ít quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu.

Với đặc thù của ngành quế, các đơn vị chủ yếu hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ. Nguồn lực tài chính cũng như khoa học công nghệ hạn chế. Do đó, dù được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, quế tại Việt Nam chỉ dừng ở mức 40 triệu đồng/ha/năm về giá trị sản xuất.

Hiệp hội Gia vị Mỹ lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu quế trong nước về mức tồn dư kim loại nặng. Để thích ứng với yêu cầu này, từ người dân đến HTX, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh việc canh tác quế theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.