| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất cá bỗng đặc sản, nông dân vùng cao thu về trăm triệu đồng

Thứ Hai 04/11/2024 , 06:38 (GMT+7)

Cá bỗng chủ yếu sinh sống ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, nhờ tìm tòi, nghiên cứu, bà con vùng cao đã chủ động sản xuất được cá bỗng giống...

Người dân vùng cao sản xuất được cá bỗng giống, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: H.Đ.

Người dân vùng cao sản xuất được cá bỗng giống, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: H.Đ.

Kiên trì cả chục năm sản xuất cá bỗng giống

Cá bỗng - loại cá đặc sản ở vùng cao Lào Cai, sinh sống chủ yếu ngoài tự nhiên, trên các dòng sông, con suối có độ dốc cao, sạch. Trước đây, tới mùa sinh sản của cá bỗng, người dân thường men theo các dòng sông, suối để vợt trứng, cá con mang về nuôi. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên cá chậm lớn, dễ chết. Trong khi, giá của cá bỗng có thể lên tới 500-700 nghìn đồng/kg.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá bỗng, bà Hoàng Thị Chắp ở thôn Luổng Đơ, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) từ năm 2007 đã có ý tưởng nuôi thương phẩm. Trong lần đến Than Uyên (Lai Châu), bà đã mua được 10 con cá bỗng đánh bắt ở suối về nuôi, song không thành công. Cả đàn cá chết sạch sau một trận mưa lũ.

Khi nghe tin ở Hà Giang và những vùng có người nuôi thử nghiệm nuôi loại cá này, bà đều tìm đến tận nơi, vừa học hỏi, vừa mua cá về nuôi. 

Sau gần 10 năm, được Nhà nước tạo điều kiện cho đi học tập các mô hình nuôi trồng thủy sản và đúc rút kinh nghiệm, bà Hoàng Thị Chắp đã cho cá bỗng sinh sản trong ao nhà. 

“Tại Lào Cai, cá bỗng chủ yếu sống ở dọc sông Chảy và là đặc sản của bà con dân tộc thiếu số ở vùng cao. Cá này ăn rất ngon nhưng lại khó đánh bắt và rất khó nuôi. Vào mùa cá đẻ, người ta thường lấy vợt dày để vợt trứng cá bỗng. Khi nở thành cá con thì đem bán ra cho hộ nuôi, nhưng nhà tôi nay đã có thể cho cá bỗng đẻ được”, bà Hoàng Thị Chắp nói.

Cá bỗng nuôi rất khó sinh sản. Ở sông suối, cá bỗng thường tìm nơi thuận lợi, an toàn để đẻ trứng. Do đó, bà Chắp đã dẫn nước khe cách nhà 2km về ao, xây thác nước tạo, giả lập môi trường tự nhiên cho cá sinh sống và giao phối. 

Hiện nay, bà Chắp duy trì được khoảng 120 cặp cá bỗng bố mẹ. Mỗi năm, các cặp cá này sinh sản được khoảng 1 vạn con giống. Chỉ riêng cá giống đã mang lại thu nhập cho gia đình bà khoảng 100 triệu đồng hằng năm. 

“Cá bỗng mỗi năm đẻ một lần, không như cá chép năm đẻ hai lần. Cá bỗng cần oxy rất nhiều nên không nuôi mật độ lớn được. Cá này cũng không thể bán được ngoài chợ vì giá cao, chỉ giao cho các nhà hàng, khách ăn quen. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì nguồn lợi từ nuôi cá bỗng mang lại sẽ rất lớn”, bà Hoàng Thị Chắp chia sẻ.

Khu vực nuôi cá bố mẹ của gia đình bà Hoàng Thị Chắp. Ảnh: H.Đ.

Khu vực nuôi cá bố mẹ của gia đình bà Hoàng Thị Chắp. Ảnh: H.Đ.

Chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để cùng xóa nghèo

Sinh sống ở xã Cốc San chủ yếu là người đồng bào dân thiểu số. Cuộc sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, hầu như nhà nào cũng có ao, có ruộng. Cũng chính vì điều này, bà Hoàng Thị Chắp luôn trăn trở làm sao nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi hécta đồng ruộng, diện tích nước mặt. 

Theo bà Chắp, trước đây, ao chuông của bà con thường bỏ không hoặc chỉ nuôi một ít cá phục vụ sinh hoạt gia đình. Khi đó, cá thương phẩm của Trung Quốc chuyển sang, cá rất to và dài, lấn át thị trường. Trong khi, ở mình có ao mà không nuôi được. Bà quyết định tìm hiểu và chuyển đổi sang nuôi cá chép thương phẩm và cung cấp cá chép giống.

“Từ năm 2004, tôi nuôi thử 500 con cá chép bố mẹ, trung bình mỗi con khoảng 1kg. Sau khoảng 1 năm, tôi thấy cá lớn nhanh, màu đẹp nên quyết định cho sinh sản con giống. Gia đình tôi vận động người thân xung quanh tự nuôi, mỗi nhà thả vài nghìn con và bước đầu cho thấy hiệu quả”, bà Hoàng Thị Chắp nói.

Bà Hoàng Thị Chắp điều khiển máy cho cá ăn tự động tại ao nuôi của gia đình. Ảnh: H.Đ.

Bà Hoàng Thị Chắp điều khiển máy cho cá ăn tự động tại ao nuôi của gia đình. Ảnh: H.Đ.

Tới năm 2015, bà xin xã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá, mở rộng diện tích. Sau khi nuôi và bán được cá giống, các thương lái đến tìm mua rồi truyền tai nhau. Người dân ở các xã, các huyện biết đến gia đình bà và về đây lấy con giống. Hiện nay, mỗi năm, gia đình bà sản xuất khoảng một triệu cá giống các loại gồm cá chép, trắm, rô phi...

Từ những kinh nghiệm đúc rút, kỹ thuật học hỏi được, bà đều truyền đạt, chia sẻ cho bà con biết để cùng nuôi.

“Tôi được Nhà nước cho đi tập huấn thêm kỹ thuật, vừa làm vừa áp dụng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với bà con tu sửa ao, cho nước vào nuôi cá. Thấy hiệu quả, bà con cùng động viên nhau làm, xóa đói giảm nghèo. Gia đình nào khó khăn, tôi cấp cám, cấp cá giống, thậm chí đào ao giúp. Khi thu hoạch được bà con sẽ trả lại sau”, bà Hoàng Thị Chắp nói.

Sau nhiều năm, đến nay, xã Cốc San đã trở thành nơi sản xuất cá nước ngọt, con giống cung cấp cho địa bàn thành phố Lào Cai và các tỉnh thành lân cận. 

Theo ông Lục Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc San (thành phố Lào Cai), xã Cốc San hiện có 40,8ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Với diện tích này, xã Cốc San đang phát huy hiệu quả rất tốt, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con nhân dân. Bình quân mỗi hécta nước mặt có thể thu hoạch được 15 tấn cá, ước đạt khoảng 600 triệu đồng/ha.

Đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Chắp hiện đang nuôi cá giống, cá thương phẩm phục vụ các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và tạo công ăn việc làm cho 6-8 lao động địa phương. 

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất