Sẽ sắp xếp lại lồng bè
Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên), về vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản, địa phương đã và đang tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn (Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị, Kinh tế) và các xã, phường xây dựng đề án thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản để kiểm soát, thu gom, xử lý triệt để rác thải từ nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên đầm, vịnh, dự kiến triển khai từ năm 2025.
Bên cạnh đó, để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, Thị xã đang tập trung rà soát quy hoạch, định hướng các khu, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm thủy sản chủ lực, cung cấp thông tin tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp với Sở NN-PTNT thực hiện nhiệm vụ lập đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề nghị tích hợp 747ha mặt nước nuôi trồng thủy sản vịnh Xuân Đài, 253ha đất mặt nước đầm Cù Mông vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2023; 1.380ha khu vực biển hở và 80ha nuôi thủy sản công nghệ cao tại Xuân Bình.
Cũng theo ông Dũng, ngay sau khi đề án được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, được cập nhật vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Thị xã sẽ tiến hành giao khu vực biển, đất có mặt nước cho các tổ chức cộng đồng nuôi trồng thủy sản, từng bước sắp xếp, giao khu vực biển, mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng, bè tại các vùng nuôi (vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông).
Cùng với đó, Thị xã sẽ tiếp tục chú trọng công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, các giống vật nuôi mới (rong biển, hải sâm, nuôi tôm hùm trong bể trên bờ) đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả sinh kế cho người dân. Mặt khác ứng dụng vật liệu mới (HDPE) trong nuôi trồng thủy sản lồng, bè. Kiện toàn 129 tổ chức cộng đồng nuôi trồng thủy sản theo quy chế tự chủ, tương hỗ sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự nhằm tăng thu nhập cho người nuôi thủy sản, đồng thời gắn trách nhiệm, vai trò của chính quyền cơ sở.
Thị xã cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật. Kiên quyết trong việc xử lý vi phạm đối với việc đóng mới lồng, bè, phát sinh thả giống nuôi mới (kể cả bè nuôi hàu, vẹm, đồng đen, rớ) không đúng quy định trên đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài…
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên xác định một số giải pháp chủ yếu, căn cơ để giảm thiểu sự cố môi trường, phát triển bền vững các vùng nuôi trồng thủy sản. Theo đó, sẽ xác định vùng, diện tích, sắp xếp lại số lượng lồng bè nuôi trong đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài phù hợp với sức tải môi trường và phát triển hài hòa, đa giá trị. Đối với Vũng Rô, từng bước sắp xếp, giảm lồng bè nuôi để đến năm 2030 không còn lồng bè nuôi tại đây.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích phát triển nuôi ở một số vùng biển hở để giảm áp lực nuôi trồng thủy sản trên các đầm, vịnh với tổng diện tích khoảng 1.380ha. Cùng với đó, chuyển đổi các loại lồng bè thô sơ sang nuôi bằng lồng làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và chịu được sóng gió lớn theo lộ trình năm 2025 đạt tối thiểu 10%, năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cũng đề nghị người đứng đầu các địa phương chỉ đạo quản lý chặt, không để phát sinh mới lồng bè nuôi trồng thủy sản so với kết quả kiểm đếm đến hết tháng 6/2024. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp, giải tỏa lồng bè có lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Đối với những lồng bè lấn chiếm mặt nước đã quy hoạch cho chức năng khác, những ngư cụ khai thác thủy sản bị cấm thì kiên quyết giải tỏa, xử lý theo quy định.
Nhiều giải pháp căn cơ
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, tỉnh đang xây dựng mô hình liên kết nuôi tôm hùm trên cơ sở triển khai dự án "Xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm hùm" do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chủ trì. Trong năm 2023, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tác nhân tham gia mô hình. Thời gian tới, khi mô hình liên kết nuôi tôm hùm phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ, xuất khẩu tôm hùm trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, trên cơ sở các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển được quy định tại quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, địa phương đang xây dựng kế hoạch triển khai việc quản lý, cấp phép và giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, triển khai bố trí, sắp xếp lại số lượng lồng bè nuôi tôm hùm ven bờ, thực hiện giao khu vực biển để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống và phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm hùm tập trung, thực hiện thả phao tiêu, chia lô phân luồng lạch để đảm bảo sức tải không ô nhiễm môi trường và tạo mỹ quan môi trường vùng nuôi.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm theo nhiều giai đoạn nhằm nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số sử dụng thức ăn, giảm rủi ro do dịch bệnh, hạn chế các tác động làm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Song song đó, nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi tôm hùm ứng dụng công nghệ cao tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở bằng vật liệu liệu mới. Đào tạo, tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hùm tiên tiến cho các cơ sở nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
Đặc biệt, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản, nhất là đầu tư chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, công nghệ bảo quản vận chuyển sống tôm hùm nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm hùm.
Khuyến khích hình thành các tổ cộng đồng/tổ liên kết/hợp tác xã vùng nuôi tôm hùm giúp người nuôi tăng tính đoàn kết, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác phòng chống dịch bệnh và liên kết tổ chức sản xuất.
Sở NN-PTNT cũng sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng, ban hành quy chế thu gom, xử lý chất thải các vùng nuôi tôm hùm và thực hiện việc quản lý thu gom và xử lý chất thải từ nuôi tôm hùm.
Theo ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, hiện địa phương đang trình các cấp chọn vị trí biển hở để quy hoạch, di dời bà con vào khu nuôi đúng quy định. Đồng thời hướng bà con nuôi biển theo công nghệ cao bằng lồng HDPE, bởi việc nuôi kiểu truyền thống tự phát, mật độ quá dày tiềm ẩn nguy cơ về môi trường.