| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 2] Đánh giá lượng chất thải tôm hùm

Thứ Sáu 29/11/2024 , 09:03 (GMT+7)

Để góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các nhà khoa học đã bố trí thí nghiệm xác định tải lượng chất thải từ hoạt động nuôi tôm hùm.

Các nhà khoa học Viện III bố trí thí nghiệm nuôi tôm hùm để xác định lượng thải. Ảnh: KS.

Các nhà khoa học Viện III bố trí thí nghiệm nuôi tôm hùm để xác định lượng thải. Ảnh: KS.

Thí nghiệm nuôi tôm hùm để xác định lượng thải

Bài liên quan

Trong năm 2024, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt là Viện III) đã triển khai thí nghiệm nuôi tôm hùm trong bể để xác định tải lượng chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Thạc sỹ Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (đơn vị trực thuộc Viện III) là người thực hiện nhiệm vụ khoa học được Bộ NN-PTNT giao cho biết, cùng với cá chẽm, hàu, tôm hùm là đối tượng nuôi chính ở khu vực Nam Trung bộ và được Viện III thực hiện thí nghiệm để xác định tải lượng chất thải khi nuôi lồng trên biển.

Theo Thạc sỹ Trâm, để tính toán tổng lượng thải từ hoạt động nuôi tôm hùm, nhóm nghiên cứu đã bố trí 3 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Cụ thể, nghiệm thức thứ nhất nuôi tôm hùm theo kiểu truyền thống, cho ăn bằng thức ăn tươi là các loài cá tạp.

Hàng ngày, các nhà khoa học theo dõi các yếu tố môi trường nước, thu thập lượng phân thải ra. Ảnh: KS.

Hàng ngày, các nhà khoa học theo dõi các yếu tố môi trường nước, thu thập lượng phân thải ra. Ảnh: KS.

Nghiệm thức thứ hai là nuôi theo kiểu công nghiệp, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp do Viện III nghiên cứu và sản xuất. Nghiệm thức thứ ba là không thả tôm hùm trong bể để làm đối chứng. Hàng ngày, nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi các yếu tố môi trường nước cơ bản như nhiệt độ, pH, DO, độ mặn…, đồng thời thu thập lượng phân thải ra cũng như thức ăn dư thừa để có thể tính toán lượng thải theo từng thời gian nhất định.

“Chúng tôi tính toán lượng thải nuôi tôm hùm từ 2 nguồn chính. Một là nguồn chất thải ở dạng hòa tan được tính toán thông qua các thông số chủ yếu gồm tổng ni tơ và tổng phốt pho từ đối tượng nuôi và thức ăn sử dụng. Hai là nguồn chất thải hữu cơ ở dạng không hòa tan được tính từ lượng thức ăn dư sau khi sử dụng, lượng phân từ tôm nuôi thải ra cũng như từ hệ số thức ăn, tăng trưởng của tôm nuôi và sản lượng thu hoạch của tôm nuôi”, Thạc sỹ Võ Thị Ngọc Trâm chia sẻ.

Cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp và cá tạp để so sánh, xác định lượng thải. Ảnh: KS.

Cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp và cá tạp để so sánh, xác định lượng thải. Ảnh: KS.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình thí nghiệm, Thạc sỹ Trâm cho biết thêm, sau 3 tháng triển khai thí nghiệm, theo dõi tôm nuôi thương phẩm và 2 tháng theo dõi giai đoạn ương giống cho thấy tôm đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tôm nuôi tại các nghiệm thức có tỷ lệ sống trên 80%. Nhóm nghiên cứu bước đầu đã có số liệu sơ bộ xác định tải lượng chất thải trong nuôi tôm hùm.

Xác định tải lượng chất thải để nuôi mật độ phù hợp

Các tỉnh khu vực Nam Trung bộ có đầy tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản vì có nhiều đầm, vịnh, bãi triều… Tận dụng tiềm năng vốn có, hơn 30 năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển tại các địa phương đã phát triển khá mạnh với các đối tượng nuôi chính như tôm hùm, cá biển, hàu…Nghề nuôi trồng thủy sản tại các địa phương không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đóng góp rất lớn cho xã hội, tạo việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động nuôi thủy sản lồng bè trên biển cũng phát sinh một lượng chất thải rất lớn, điều này góp phần khiến chất lượng môi trường vùng nuôi biển suy giảm, nhất là ở các vũng vịnh kín gió. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin lượng hóa về vấn đề này.

Tôm hùm nuôi trong bể thí nghiệm sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: KS.

Tôm hùm nuôi trong bể thí nghiệm sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: KS.

Trước tình hình trên, theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện III, Bộ NN-PTNT đã giao Viện III thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển ở khu vực Nam Trung bộ và đề xuất giải pháp quản lý”. Theo đó, Viện III đã giao các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ này với các đối tượng chủ lực như cá chẽm, hàu, tôm hùm hiện đang được nuôi phổ biến tại khu vực Nam Trung bộ.

Các nghiên cứu được triển khai thực hiện nuôi các đối tượng trong các bể thí nghiệm để đánh giá việc cho ăn thức ăn công nghiệp và thức ăn tươi ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với môi trường. Từ đó đưa ra số liệu đánh giá nguồn thải từ hoạt động nuôi tôm hùm hiện nay và các đối tượng nuôi khác ở các tỉnh khu vực Nam Trung bộ.

“Để đánh giá hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay ảnh hưởng thế nào tới môi trường xung quanh là vấn đề rất khó. Vì nuôi biển là trong hệ thống hở nên việc tính toán toàn bộ hàm lượng thải, hoạt động thải của vật nuôi vô cùng khó khăn. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nuôi vật nuôi trong hệ thống bể, cho ăn các loại thức ăn cùng với phương pháp chăm sóc, quản lý giống như ngoài biển để kiểm soát và đánh giá được lượng thải.

Dù sẽ có độ vênh do nuôi trên thực tế có hoạt động dòng chảy, trao đổi nước nhưng chí ít cũng giải quyết được bài toán là xác định trên đơn vị diện tích hoặc đơn vị khối lượng tôm hay cá nuôi biển sẽ thải ra như thế nào trong môi trường xung quanh”, PGS.TS Võ Văn Nha bày tỏ.

Thức ăn công nghiệp cho tôm hùm do Viện III sản xuất. Ảnh: KS.

Thức ăn công nghiệp cho tôm hùm do Viện III sản xuất. Ảnh: KS.

Cũng theo TS Nha, việc đánh giá nguồn thải và lượng chất thải trong nuôi trồng thủy sản trên biển được cho là giải pháp rất quan trọng để làm căn cứ xác định mật độ lồng bè nuôi phù hợp nhằm tránh quá sức tải môi trường vùng nuôi. Đây là nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT giao cho Viện III thực hiện từ năm 2023 - 2025.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, hàng năm Viện III, Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh, các kết quả trên đủ cơ sở khoa học để phân tích đánh giá sức tải môi trường các vùng nuôi.

Bên cạnh đó, đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đưa ra một số phương án nuôi trồng thủy sản trên cơ sở đánh giá sức tải môi trường.

Để phát triển nuôi biển bền vững, tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ tỉnh rà soát, đánh giá lại sức tải môi trường vùng nuôi. Đồng thời kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển quy mô công nghiệp, triển khai thí điểm mô hình nuôi biển tại tỉnh theo Đề án 1664 của Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm
Cảng cá sửa chữa kéo dài, ngư dân Quảng Bình đôn đáo tìm nơi cập bến

QUẢNG BÌNH Hiện chỉ còn cảng cá Nhật Lệ phục vụ nên tàu của cá ngư dân Quảng Bình phải ‘tăng bo’ đến các cảng cá tỉnh bạn để bốc dỡ hàng…

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển