| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 1] Giảm mật độ lồng bè

Thứ Năm 28/11/2024 , 16:54 (GMT+7)

Nghề nuôi tôm hùm hiện nay tại các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức cần sớm tháo gỡ để hướng đến phát triển bền vững.

Mật độ lồng bè nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu dày đặc. Ảnh: MN.

Mật độ lồng bè nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu dày đặc. Ảnh: MN.

Mật độ lồng bè dày đặc

Với bờ biển dài, nhiều đầm vịnh, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã hình thành nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè từ những năm 1990. Đối tượng nuôi chủ yếu gồm tôm hùm và các loại cá biển. Đến nay, nghề nuôi tôm hùm lồng bè tại các địa phương này đã trở thành trọng điểm của cả nước.

Có thể nói nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (còn gọi là nuôi biển) tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi mà còn góp phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản tại các địa phương. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, nuôi biển nơi đây vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Chẳng hạn như tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có nhiều tiềm năng phát triển nuôi biển, trong đó có đầm Cù Mông với diện tích 2.600ha, vịnh Xuân Đài diện tích 8.000ha và trên 1.300ha ở vùng biển xa bờ.

Hiện nay các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có tiềm năng nuôi biển rất lớn. Ảnh: MN.

Hiện nay các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có tiềm năng nuôi biển rất lớn. Ảnh: MN.

Theo UBND thị xã Sông Cầu, thực hiện chỉ đạo công tác kiểm đếm lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo chủ trương của UBND tỉnh và Thị ủy, UBND thị xã đã ban hành Kế hoạch số 102 ngày 29/3/2024 về tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên địa bàn Thị xã năm 2024. Kết quả kiếm điểm trên địa bàn có 4.196 hộ nuôi trồng thủy sản với 6.390 bè gồm: 3.376 bè hàu và 3.014 bè nuôi tôm hùm; cá biển với 134.612 lồng nuôi; 129.321 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm.

Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, hoạt động nuôi tôm hùm trên địa bàn đang đối diện những khó khăn và thách thức như nguồn giống chủ yếu nhập từ nước ngoài, do vậy việc quản lý số lượng, chất lượng và mùa vụ thả nuôi không kiểm soát được.

Người dân chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống bằng lồng bè gỗ, công nghệ lạc hậu, sử dụng hoàn toàn thức ăn tươi, mật độ nuôi rất lớn và nuôi không theo quy định nên rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất cao.

Ông Phạm Văn Phải, một người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu) nhìn nhận, những năm gần đây, ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản ngày càng trầm trọng. Ông cho rằng, nguyên nhân là do mật độ lồng bè nuôi quá dày, cộng với một số người nuôi chưa chấp hành bảo vệ môi trường vùng nuôi, không thu gom thức ăn vào bờ xử lý theo quy định.

Người nuôi cho tôm hùm ăn chủ yếu thức ăn tươi. Ảnh: KS.

Người nuôi cho tôm hùm ăn chủ yếu thức ăn tươi. Ảnh: KS.

Tương tự, ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu dẫn chứng, nghề nuôi tôm hùm ngày càng khó khăn, từ lúc thả giống đến khi thu hoạch hao hụt cao, có hộ hao hụt lên đến 50% sản lượng. Ngoài do biến đổi khí hậu, thời tiết thì việc nuôi với mật độ lồng bè dày đặc cũng khiến nguồn nước lưu thông kém, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi.

Theo Sở NN–PTNT Phú Yên, tính đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 186.000 lồng nuôi thủy sản, gấp 3,8 lần so với quy hoạch theo Nghị quyết số 99 ngày 08/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và tăng 87% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, bên cạnh lợi ích của nghề nuôi tôm hùm mang lại khi giải quyết việc làm cho gần 6.000 hộ dân thì với mật độ lồng nuôi dày như vậy, nguy cơ rất dễ phát sinh về sự cố môi trường. Ngoài ra, hàng năm tôm hùm nuôi bị chết do bệnh sữa, đen mang gây thiệt hại khoảng 20 - 30%.

Vào tháng 5 - 6/2024, trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã xảy ra hai đợt tôm hùm, cá biển nuôi bị chết đột ngột do môi trường, thiệt hại 45,7 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân thủy sản nuôi bị chết là do mật độ lồng nuôi quá dày, nhiều bè nuôi nhuyễn thể để làm thức ăn cho tôm hùm gây cản trở nước lưu thông…

Tiềm ẩn nguy cơ về môi trường

Tại tỉnh Khánh Hòa có 4 vùng nuôi lồng bè trên biển tại các địa phương như Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Trong đó, vịnh Vân Phong (Vạn Ninh) và vịnh Cam Ranh (TP Cam Ranh) là các vùng nuôi chủ lực tôm hùm và các loại cá biển với số lượng lồng bè dày đặc gần bờ.

Lồng bè nuôi hải sản tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Lồng bè nuôi hải sản tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện toàn huyện có khoảng 42.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, chủ yếu tập trung tại địa bàn xã Vạn Thạnh, trong đó khoảng 50% ô lồng nuôi tôm hùm. Hiện nay, ngoài nuôi thủy sản lồng bè trong các khu vực quy định theo Công văn số 5321/UBND-KT ngày 14/6/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích 350ha, còn nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy định.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, một người nuôi tôm hùm có thâm niên ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) cho biết, hiện nay rất nhiều người dân ở địa phương khác vào vịnh Vân Phong nuôi trồng thủy sản tự phát. Điều này khiến mật độ lồng bè nuôi ngày càng dày đặc, môi trường nước nuôi ngày càng suy giảm. Hơn nữa, nhiều người nuôi cũng chưa tuân thủ thu việc gom rác sinh hoạt, thức ăn dư thừa vào bờ xử lý theo quy định. Chính vì vậy, lợi nhuận của nghề nuôi tôm hùm không còn cao như trước đây bởi tiềm ẩn nguy cơ về môi trường, dịch bệnh và thiếu liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tháng 5 - 6/2024, tỉnh Phú Yên xảy ra hiện tượng tôm hùm, cá biển chết số lượng lớn. Ảnh: KS.

Tháng 5 - 6/2024, tỉnh Phú Yên xảy ra hiện tượng tôm hùm, cá biển chết số lượng lớn. Ảnh: KS.

Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, hiện trên vịnh Cam Ranh có gần 100.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, chủ yếu đối tượng là tôm hùm xanh. Với mật độ lồng nuôi quá dày đặc như hiện nay, nguy cơ thiệt hại do môi trường có thể xảy ra trong thời gian tới.

“Bây giờ nuôi vẫn được nhưng sẽ có nguy cơ cao bị thiệt hại lớn vì nuôi mật độ quá dày”, ông Thạch lo lắng.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, thời gian qua, người dân trên địa bàn phát triển nuôi tôm hùm tự phát, tập trung nuôi gần bờ, không theo quy hoạch. Điều này đã gây ra một số hệ lụy như ô nhiễm môi trường vùng nuôi, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; chồng chéo việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả nuôi tôm hùm không cao và làm mất mỹ quan.

Một số khu vực nuôi tôm hùm đã lấn chiếm, vi phạm an toàn luồng hàng hải và khu vực neo đậu tàu thuyền, làm cản trở tàu thuyền lưu thông trên biển, ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần sắp xếp lại lồng bè nuôi, đồng thời có quy định, chế tài trong việc xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, ngư dân tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cũng mong muốn chính quyền sớm giao mặt nước biển cho dân để nuôi trồng thủy sản hợp lệ, không còn lo lắng phải di dời hay giải tỏa lồng bè.

Xem thêm
Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.