| Hotline: 0983.970.780

Tập huấn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản

Thứ Năm 28/11/2024 , 15:58 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III mở hàng chục lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân các tỉnh Nam Trung bộ trong việc bảo vệ môi trường biển.

Người nuôi tôm hùm tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho tôm thay thế túi nilon. Ảnh: PC.

Người nuôi tôm hùm tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho tôm thay thế túi nilon. Ảnh: PC.

Bài liên quan

Trước thực trạng nuôi trồng thủy sản diễn ra ồ ạt với mật độ dày đặc, tác động rất lớn tới môi trường biển, việc nâng cao ý thức của người dân ven biển và hộ nuôi trồng thủy sản trong việc bảo vệ môi trường nước, môi trường vùng nuôi là hết sức cần thiết.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ khoa học được Bộ NN-PTNT giao, trong năm 2024 và 2025, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III mở hàng chục lớp tập huấn cho người dân tại các vùng nuôi trồng thủy sản Nam Trung bộ. Theo đó, Viện xuống tận các thôn, làng có nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản để mở lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó tuyên truyền, lan tỏa nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Các nội dung được phổ biến gồm một số quy định kỹ thuật trong nuôi tôm hùm lồng theo Quyết định số 299 được Tổng cục Thủy sản ban hành ngày 31/5/2018; tập trung nội dung bảo vệ môi trường trong nuôi tôm hùm lồng; TCVN 13951:2024 quy định các thông số môi trường phù hợp cho nuôi tôm hùm lồng, cá biển; các hình thức nuôi kết hợp…

Bên cạnh đó, phổ biến các nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi biển do hoạt động nuôi trồng thủy sản và giải pháp kiểm soát cho người dân. Thu thập ý kiến đóng góp của người nuôi và cán bộ quản lý địa phương về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi biển.

Người dân thu gom rác tại các bè nuôi mang lên bờ để xử lý. Ảnh: PC.

Người dân thu gom rác tại các bè nuôi mang lên bờ để xử lý. Ảnh: PC.

Cùng với đó, hướng dẫn, vận động người nuôi trồng thủy sản lồng bè tại địa phương thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường vùng biển trong suốt vụ nuôi, có phương án phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi nhằm có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường biển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản.

Thông qua đó, nâng cao hiểu biết của người nuôi trồng thủy sản về các quy định, kỹ thuật trong nuôi tôm hùm lồng; nâng cao hiểu biết về thông tin quan trắc môi trường, tác động của ô nhiễm môi trường biển đối với hoạt động nuôi.

Tại các địa phương Nam Trung bộ, thời gian qua, bên cạnh một bộ phận người dân chưa ý thức trong bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản thì ý thức của người dân tại nhiều vùng nuôi đã ngày càng được nâng cao, đã xuất hiện những mô hình điểm về thu gom rác thải trên biển có kết quả tích cực.

Tàu thu gom rác tại các bè nuôi trồng thủy sản ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: PC.

Tàu thu gom rác tại các bè nuôi trồng thủy sản ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: PC.

Điển hình như tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã thực hiện xã hội hóa thu gom rác thải tại các vùng nuôi lồng bè trên địa bàn, giúp môi trường nơi đây sạch đẹp. Rác thải sinh hoạt và thức ăn dư thừa trong nuôi tôm cá được người dân tập kết lại, sau đó có tàu đến từng bè để thu gom mang về bờ xử lý. Thông qua mô hình này, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường vùng nuôi được nâng cao rõ rệt, từ đó môi trường biển sạch hơn.

Còn tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) người dân cũng đã sử dụng túi lưới thay thế túi nilon để đựng thức ăn cho tôm, cá như trước đây. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt cũng được người dân thu gom mang vào bờ xử lý nên rác thải tại các vùng nuôi đã được hạn chế rất nhiều.

Tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên), người dân đã dần hình thành thói quen trong cộng đồng, rác thải sinh hoạt trong hoạt động nuôi tôm hùm trên vùng nuôi được người nuôi gom hết lại trên bè, đưa vào bờ tập kết tại vị trí thu gom rác sinh hoạt để đưa đi tiêu hủy giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi, từ đó hạn chế được dịch bệnh xảy ra trên thủy sản nuôi.

Môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản đã dần cải thiện nhờ ý thức của người dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: PC.

Môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản đã dần cải thiện nhờ ý thức của người dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: PC.

Song song với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường biển, công tác quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh tại các khu vực nuôi trọng điểm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện liên tục.

Trong đó, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (thuộc Viện) thực hiện giám sát các khu vực nuôi trọng điểm ở miền Trung và Tây Nguyên với những đối tượng nuôi chính như tôm hùm, tôm nước lợ và cá nước lạnh. Công tác quan trắc môi trường được Trung tâm thực hiện dựa trên tiêu chí lựa chọn các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và phải đại diện cho địa phương về cả diện tích và sản lượng, các vùng quan trắc phải phục vụ cho lợi ích cộng đồng.

Thời gian qua, kết quả quan trắc thời được Trung tâm thực hiện đã đáp ứng được mục tiêu đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường ở các khu vực nuôi trồng thủy sản cũng như cung cấp, đánh giá kịp thời, đưa ra những cảnh báo rủi ro về chất lượng môi trường ở các vùng nuôi, từ đó phục vụ công tác quản lý ở các địa phương hiệu quả hơn.

Mỗi lớp tập huấn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản ở Nam Trung bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III mời khoảng 30 – 40 người là các hộ dân trực tiếp nuôi trồng. Hình thức tuyên truyền bằng các hình ảnh thực tế sinh động cũng như lý thuyết dễ hiểu để người dân thấy được tác hại của việc môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng đến tôm, cá biển. Thông qua đó, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tuyên truyền cho người dân xung quanh cùng chung tay bảo vệ muôi trường nuôi biển.

Xem thêm
Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.