“Tỷ phú cá tra giống” - Bùi Thanh Chúng ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã 2 lần liên tiếp nhận Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích phong trào nông sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2014 và 2014 - 2016 với việc nuôi và sản xuất cá tra giống, trồng nếp với diện tích 5ha cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Bùi Thanh Chúng nhận Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp |
Xuất thân từ gia đình giàu truyền thống sản xuất nông nghiệp và nuôi cá nên ông Bùi Thanh Chúng đã quen với những khó khăn, vất vả của cuộc sống người làm nông.
Lập nghiệp từ năm 21 tuổi với diện tích 1,5 công đất bố mẹ để lại ông Chúng bắt đầu trồng lúa và canh tác rau màu. Thế nhưng, do giá cả bấp bênh, năng suất lúc bấy giờ không cao nên ông Chúng không thu lại lợi nhuận nhiều từ sản xuất nông nghiệp. Khoảng tháng 5/1985, ông Chúng đến tận biên giới Việt Nam – Campuchia để đặt đáy cá tra thiên nhiên, phần đem bán cho thương lái trong khu vực huyện Hồng Ngự, phần còn lại đem về thả nuôi. Do nguồn cá tra thiên nhiên lúc đó dồi dào nên giúp gia đình ông thu nhập khá. Vào thời điểm đó, cá tra giống có giá 1.000 đồng/con giống đạt mức cao.
Tuy nhiên, người dân đánh bắt ngày càng nhiều nên nguồn cá tra thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Năm 1998, Trại cá giống Châu Đốc (An Giang) sản xuất thành công cá tra giống nhân tạo và từ đó “ra đời” nghề sản xuất cá tra giống nhân tạo.
Ông Bùi Thanh Chúng chia sẻ, ban đầu từ cá thiên nhiên chuyển sang nuôi cá tra giống nhân tạo gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, con giống nhân tạo có sức đề kháng kém nhưng bù lại là đồng đều có số lượng lớn, nguồn giống có xuyên suốt nên phục vụ tốt cho việc ương nuôi. Gía cá tra giống lúc bấy giờ vẫn ở mức cao nên kiếm sống được vì chưa có cơ sở nào ương nuôi thành công cá tra giống nhân tạo.
Đầu năm 2000, nhu cầu thị trường ương nuôi cá tra giống phát triển mạnh mẽ và đòi hỏi cần phải có đội ngũ chuyên nghiệp sản xuất giống chất lượng cao. Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân huyện Hồng Ngự với hơn 20 thành viên tham gia. Lớp học kéo dài hơn 1 tháng để chuyển giao các kỹ thuật ương nuôi, chuẩn bị ao hầm, phòng bệnh trên đàn cá bố mẹ và cách cho cá đẻ nhân tạo.
Song, các hộ nuôi và cả ông Chúng đều phải đến tận vùng nuôi thuộc tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long để mua con giống bố mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc và thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo. Ban đầu luôn gặp khó khăn trong khâu nuôi dưỡng, chăm sóc, vì kỹ thuật cho sinh sản nhân tạo rất khó. Nhờ chịu khó học hỏi người đi trước nên mẻ cá đầu tiên của ông cũng thành công và sau đó ngày càng có thêm kinh nghiệm sản xuất cá tra giống...
Hiện tại, ông Chúng đang sở hữu hơn 2ha đất ao hầm chuyên sản xuất cá tra giống các loại và nuôi cá bố mẹ với hơn 20 ao lớn nhỏ. Bình quân 5 ngày ông Chúng cho xuất cá tra bột 1 lần (cá tra bột = cá tra được thụ tinh nhân tạo sau 24 giờ) và mỗi năm ông Chúng xuất ra thị trường các tỉnh ĐBSCL và Tây Ninh hơn 4 tỷ con giống.
Ông Chúng chăm sóc đàn cá tra bố mẹ |
Tùy theo thời điểm thị trường mà các giống có giá khác nhau từ 500.000 - 3.500.000 đồng/1 triệu con cá tra bột, cá giống có giá từ 25 - 50 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư mỗi năm ông Chúng thu hơn 2 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 3ha trồng nếp, giá dao động từ 4.500 - 6.500đ/kg tùy theo thời vụ và giá cả thị trường. Sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ.
Định hướng về chiếc lược phát triển trong thời gian tới, ông Chúng bộc bạch: Cần phải “chạy đua” với khoa học công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đó hướng nuôi cá tra theo chuẩn VietGap từ con giống đến sản phẩm làm ra phục vụ cho người tiêu dùng. Từ đó tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm giúp nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn “sạch” và “an toàn” - ông Chúng bộc bạch.