| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất hữu cơ theo hướng chủ động hay truyền thống?

Thứ Sáu 05/03/2021 , 09:00 (GMT+7)

Sản xuất hữu cơ theo hướng chủ động tốn rất nhiều chi phí đầu tư nhưng đổi lại sẽ rất thuận tiện trong tổ chức sản xuất, bảo quả và thu hoạch.

Manh nha nông nghiệp hữu cơ

Mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa hiện mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đa phần vẫn chỉ là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đầu ra chưa ổn định, chất lượng, giá trị chưa được như kỳ vọng.

Nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa mới manh nha nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn, giá trị chưa được như kỳ vọng. Ảnh: Võ Dũng.

Nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa mới manh nha nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn, giá trị chưa được như kỳ vọng. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 2018, Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Thiên trường 36 (Công ty Thiên trường 36) tại huyện Đông Sơn đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng nhà màng rộng 1ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm của nhà màng bao gồm dưa kim hoàng hậu, dưa chuột, cà chua... Đến cuối năm 2019, các sản phẩm trong nhà màng của công ty này được chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Ông Nguyễn Xuân Thiên, Phó Giám đốc Công ty Thiên trường 36 cho hay, với diện tích 1ha, mỗi năm công ty thu về 70 tấn dưa kim hoàng hậu, 3 tấn dưa chuột, 20 tấn cà chua và một ít rau ăn lá (gần 3 tỷ đồng). Trừ các chi phí, khấu hao tài sản, công ty lãi ròng khoảng 1,4 tỷ đồng. Sản phẩm từ nhà màng chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị lớn tại Hà Nội và Thanh Hóa với giá bán ra cao hơn 10-15% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. So với vốn đầu tư ban đầu bỏ ra, lợi nhuận vẫn chưa được như kỳ vọng.

Một nền nông nghiệp bền vững không phải chỉ theo đuổi lợi nhuận trước mắt mà phải hướng tới mục tiêu lâu dài. Ảnh: Võ Dũng.

Một nền nông nghiệp bền vững không phải chỉ theo đuổi lợi nhuận trước mắt mà phải hướng tới mục tiêu lâu dài. Ảnh: Võ Dũng.

“Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Nó dựa trên quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu trình thích nghi với điều kiện địa phương, chứ không phải là việc sử dụng các yếu tố đầu vào có tác dụng phụ. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp truyền thống, đổi mới và khoa học có lợi cho môi trường chung và thúc đẩy các mối quan hệ công bằng, một cuộc sống chất lượng cho tất cả tham gia...” -  Liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ quốc tế.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, một nền nông nghiệp bền vững không phải chỉ theo đuổi lợi nhuận trước mắt mà phải hướng tới mục tiêu lâu dài. Đó là lý do khiến công ty ông vẫn đang theo đuổi hướng sản xuất nông nghiệp ưu việt này.

Lợi nhuận chưa cao, quá trình sản xuất phải tuân thủ khắt khe các tiêu chí, vì vậy, để được công nhận sản phẩm hữu cơ không hề đơn giản.

Theo ông Thiên, thời điểm Công ty Thiên trường 36 vận hành sản xuất theo quy trình hữu cơ, tại Việt Nam chưa ban hành quy quẩn này. Vì thế, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn, tiên tiến, công ty đã đón đầu sản xuất theo mô hình Organic của Mỹ.

Theo đó, nhà màng của Công ty Thiên trường 36 được xây dựng cách khu dân cư và nghĩa địa tối thiểu 1km. Nhà màng sẽ giúp ngăn chặn sương muối, sương mai, côn trùng, gió, mưa và gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đây là hình thức sản xuất chủ động trong quản lý dịch bệnh, môi trường và tổ chức sản xuất.

Giá thể trồng gồm 50% là phân hữu cơ (phân bò, phân giun quế và phế thải nông nghiệp), 50% là đất bazan (được test về độ an toàn). Phân hữu cơ được sử dụng sau khi ủ cùng chế phẩm Tricho-HDU do Trường Đại học Hồng Đức nghiên cứu, chuyển giao.

Nguồn nước từ giếng khoan hoặc các nguồn khác được đưa vào 3 ao lắng. Trước khi tưới cho cây, nguồn nước này sẽ được Chi cục Quản lý an toàn nông lâm thủy sản Thanh Hóa và TQC (đơn vị cấp chứng chỉ hữu cơ tại Hà Nội) giám sát, thử nghiệm.

Do được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, quá trình chăm sóc, nông sản gần như không bị nhiễm các loại sâu bệnh. Chủ vườn chỉ sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm hữu cơ.

Là người đã có nhiều năm làm nông nghiệp công nghệ cao, sau đó chuyển một phần diện tích sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, điều khiến ông Thiên băn khoăn nhất là diện tích nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa vẫn còn khiêm tốn.

“Thanh Hóa rất có tiềm năng về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Nếu coi nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp an toàn có thể coi nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp sạch. Tiếc rằng, chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Rõ ràng, có những rào cản, có những khó khăn nhất định trong cơ chế chính sách, đầu vào, đầu ra cho sản phẩm”, ông Thiên cho hay.

Cần kỳ công và kiên nhẫn

Ông Nguyễn Xuân Thiên cho rằng, ngoài sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hình thức chủ động, đa phần các mô hình tại Thanh Hóa vẫn đang theo hướng truyền thống.

Để làm nông nghiệp hữu cơ, ngoài nguồn vốn lớn đòi hỏi người làm nông nghiệp phải kỳ công, chịu khó và không nóng vội. Ảnh: Võ Dũng.

Để làm nông nghiệp hữu cơ, ngoài nguồn vốn lớn đòi hỏi người làm nông nghiệp phải kỳ công, chịu khó và không nóng vội. Ảnh: Võ Dũng.

Sản xuất hữu cơ theo hướng chủ động tốn rất nhiều chi phí đầu tư nhưng đổi lại sẽ rất thuận tiện trong tổ chức sản xuất, bảo quả và thu hoạch. Nhờ chất lượng cao và mẫu mã tốt, nông sản hữu cơ sản xuất theo hình thức này sẽ có đầu ra tốt hơn, sau 5-7 năm có thể hết khấu hao tài sản và 8-10 năm sau, chủ vườn sẽ bước vào giai đoạn thu lãi.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng truyền thống hướng tới việc sử dụng thiên địch, giải độc giá thể, cải tạo đất, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng các chất hữu cơ thiết yếu. Các chủ vườn sẽ hình thành, tạo bộ đệm sinh học cho đất, tạo thành nơi “cư trú” của các sinh vật có lợi cho đất. Thông qua các vi sinh vật này, đất sẽ được cải tạo và cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng. Hình thức này chi phí thấp nhưng đòi hỏi sự kỳ công, kiên nhẫn, khó tổ chức sản xuất và mẫu mã sản phẩm không được như mong muốn. Vì thế, giá trị thu về chưa như kỳ vọng.

Trang trại bưởi Diễn hữu cơ Nguyễn Xuân Organic Farmer tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định là một ví dụ. Để được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, trang trại này đã phải trải qua một quá trình cải tạo đất, tăng mật độ vi sinh vật có lợi trong đất, sử dụng phân bón có nguồn gốc thủy sản làm thức ăn cho các vi sinh vật có lợi. Bộ đệm sinh học trong đất dần được cải thiện, cung cấp nguồn năng lượng, giữ độ ẩm cho cây trồng.

Ông Nguyễn Xuân Khải, chủ nhân của trang trại này đã “sử dụng” thiên địch là lũ kiến vàng, kiến đen, bọ ngựa, bọ gai, nhện chăng tơ... để tiêu diệt các sinh vật có hại mà không cần sử dụng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Mặc dù những cây bưởi hầu hết đều sai trĩu cành nhưng vườn bưởi của ông Khải không phải dùng vật chằng chống. Những gốc cây mới chỉ được trồng 5-7 năm nhưng hết sức vạm vỡ, cành mập mạp đủ sức nâng đỡ được những quả ngọt trên thân mình. Theo ông Khải, đó là tính “ưu việt” khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng truyền thống.

Nông nghiệp hữu cơ mang lại lợi ích kép cho chủ vườn và xã hội. Ảnh: Võ Dũng.

Nông nghiệp hữu cơ mang lại lợi ích kép cho chủ vườn và xã hội. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Khải cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng truyền thống sẽ phù hợp hơn nông nghiệp hữu cơ theo hướng chủ động nếu trồng các loại cây ăn quả, những loại cây có chu kỳ sinh trưởng, phát triển, khai thác lâu dàu có có thân cao, tán rộng và rễ bám sâu vào lòng đất.

Tuy nhiên, chính ông Khải cũng thừa nhận một điều, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng truyền thống thực sự rất khó khăn. Thực tế, có rất nhiều chủ vườn mong muốn có nông sản an toàn, giá trị được nâng lên nhưng lại không kỳ công, không đủ kiên nhẫn để theo đuổi ý tưởng này. Đó chính là điều khiến ông trăn trở bấy lâu nay.

“Là người làm thành công mô hình bưởi hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, tôi được nhiều trang trại mời đến hỗ trợ kỹ thuật trồng. Tuy nhiên, điều tôi rất buồn là đa phần các chủ trang trại không đủ kiên nhẫn để làm đúng quy trình. Khi mới chỉ thấy sâu bọ xuất hiện, khi tôi vắng mặt là họ lại dùng thuốc bảo vệ thực vật. Để có được nông sản hữu cơ điều tiên quyết phải làm được là xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ. Đó còn là câu chuyện về chính sách, cơ chế đối với nông nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Khải, chủ Trang trại bưởi Diễn hữu cơ Nguyễn Xuân Organic Farmer chia sẻ.

    Tags:
Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm