| Hotline: 0983.970.780

Truyền lửa nông nghiệp hữu cơ đến vùng đặc biệt khó khăn

Thứ Hai 25/01/2021 , 17:11 (GMT+7)

Nông nghiệp hữu cơ không xa lạ, mà chính là hiệu quả thiết thực, giải quyết hài hòa vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế bền vững cho bà con nông dân.

Nông dân A Lưới sẵn sàng làm nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Nông dân A Lưới sẵn sàng làm nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Nông nghiệp tuần hoàn về với vùng sâu, vùng xa

Sự kiện chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kinh tế tuần hoàn cho các hộ nông dân huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) vào ngày 24/1/2021 mang ý nghĩa rất đặc biệt. Có lẽ đây là lần đầu tiên, huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế đón nhận chuyển giao công nghệ từ một doanh nghiệp tư nhân.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới đã rất xúc động. Mặc dù xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, nhưng là huyện vùng sâu, vùng xa, đầu tư phát triển vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp.

Việc Tập đoàn Quế Lâm chuyển giao công nghệ cho người dân trên địa bàn, không chỉ mang ý nghĩa đối với những xã, những hộ gia đình trực tiếp liên kết mà còn đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của A Lưới, một vùng đất cách mạng, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống và còn rất khó khăn.

Huyện A Lưới có hơn 6.098 ha đất sản xuất nông nghiệp. Điều kiện tự nhiên, khí hậu nơi đây cũng rất phù hợp với phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy giữa năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với UBND huyện A Lưới nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng vật nuôi chủ yếu của huyện. Đồng thời, cung cấp đầu vào cho hộ nông dân liên kết sản xuất như giống, vật tư, men sinh học và ký kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Ngay sau lễ ký kết, từ vụ sản xuất Đông xuân 2020 - 2021, Tập đoàn Quế Lâm đã lựa chọn một số xã và hộ nông dân có điều kiện phù hợp để triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ.

Cụ thể, phía tập đoàn liên kết, hướng dẫn người dân và địa phương xây dựng 3 hộ chăn nuôi lợn hữu cơ ở xã A Ngo, mô hình trồng ngô hơn 10 ha ở xã Quảng Nhâm, gần 1 ha đậu tương ở xã Sơn Thủy, 65 ha trồng lúa Zadư ở xã Hồng Thủy…  Đây được xem là những giải pháp thiết thực nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân huyện A Lưới về sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Bà con dân tộc thiểu số làm nông nghiệp hữu cơ

Quảng Nhâm là xã có đến 95% dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Pa Kô và người Tà Ôi, sáp nhập từ hai xã đặc biệt khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, hơn 300 hộ nghèo và cận nghèo. Thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, hơn 70 hộ dân thôn Pi Ây đã góp hơn 10 ha đất để trồng ngô.

Ông Hồ Văn Trình, trưởng thôn Pi Ây cho biết, do nằm bên dòng sông Tà Rinh nên lâu nay, ngô là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của đồng bào, nhận thức còn hạn chế nên sản xuất vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học, đất đai ngày càng bạc màu.

Những năm gần đây, diện tích trồng ngô của người dân gặp nhiều sâu bệnh như sâu keo tàn phá cả cánh đồng, gây thiệt hại khoảng 30%, làm giảm thu nhập của bà con nông dân. Ngoài ra do điều kiện thời tiết, khí hậu đặc trưng của vùng miền núi A Lưới mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 8 hàng năm nên việc trồng ngô 2 vụ rất khó thực hiện do không phơi được.

Thực hiện ký kết hợp tác, chuyển giao với Tập đoàn Quế Lâm, người dân Pi Ây đã được tập đoàn hướng dẫn quy trình trồng ngô hữu cơ và đầu tư đầu vào cho bà con như giống, phân bón, thuốc BVTV sinh học, đồng thời thu mua với giá cao hơn 10-20% giá thị trường.

Dự kiến năm 2021, người dân Pi Ây sẽ chuyển toàn bộ diện tích sản xuất ngô sang liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. Lãnh đạo xã Hồng Nhâm cũng mong muốn phía Quế Lâm sẽ xây dựng thêm một số mô hình chăn nuôi liên kết trên địa bàn...

Kể từ thời điểm có chương trình phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại quy mô lớn, bền vững, an toàn theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện A Lưới, những năm qua gia đình bà Trần Thị Huệ ở thôn Bình Sơn, xã A Ngo luôn tiên phong đầu tư, nâng cấp chuồng trại, tăng đàn chăn nuôi lợn thịt.

Tuy nhiên mô hình chăn nuôi của gia đình bà Huệ thường xuyên gặp phải thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giá cả bấp bênh. Kể từ khi được huyện A Lưới lựa chọn làm mô hình điểm liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, những vấn đề trên đã được giải quyết.

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của gia đình bà Trần Thị Huệ. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của gia đình bà Trần Thị Huệ. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Huệ phấn khởi: Người chăn nuôi tại địa phương nay đã thấy được lợi ích rất lớn của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hữu cơ.

Đây là một quy trình chăn nuôi rất tốt, đơn giản, dễ áp dụng. Quy trình chăn nuôi không sử dụng nước tắm nên không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc thực hiện theo bảng quy trình ứng dụng công nghệ men vi sinh sử dụng trong thức ăn, nước uống, phun sương và nhất là trong đệm lót đã đảm bảo được vấn đề an toàn dịch bệnh.

Hiện gia đình tôi bà Huệ đã thực hiện mô hình nuôi 10 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt hữu cơ và được Tập đoàn Quế Lâm cam kết bao tiêu sản phẩm nên không còn phải lo vấn đề giá cả thị trường bấp bênh.

Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khuyến nông

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, làm thế nào để chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật đến với những người nông dân ở các địa phương vùng sâu vùng xã như huyện A Lưới là điều công ty luôn trăn trở.

Theo ông Lam, làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thì cốt lõi là xây dựng lòng tin để thay đổi nhận thức người nông dân. Để làm được điều đó, không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng các mô hình.

Với người nông dân, phải thấy họ mới tin. Đặc biệt đối với những vùng đất như A Lưới, vùng đất cách mạng, vùng đất của đồng bào dân tộc lại càng phải quyết tâm xây dựng lòng tin, cùng phát triển. "Chúng tôi xem đó là trách nhiệm, đồng thời là sự tri ân đối với họ. Tôi tin tưởng rằng sau khi những mô hình ở A Lưới thành công, sẽ có nhiều vùng khó khăn khác ở khắp đất nước này có thể làm nông nghiệp hữu cơ" - ông Lam tâm huyết.

Lan toả nông nghiệp hữu cơ đến những vùng khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh.

Lan toả nông nghiệp hữu cơ đến những vùng khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh.

Phát biểu tại lễ chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Quế Lâm cho người dân huyện A Lưới, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: Đây là sự kiện đặc biệt. Bởi trước đây, nói đến hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thường nghĩ đến các cơ quan nhà nước, các viện, các trường…

Tuy nhiên, qua sự kiện này có thể thấy xu hướng mới, các doanh nghiệp đã tự chuyển giao công nghệ của mình đến với người nông dân để cùng họ phát triển. Khi những doanh nghiệp như Tập đoàn Quế Lâm chọn giải pháp này, đã cho thấy có sự gần gũi hơn, thiết thực hơn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cho người nhận chuyển giao và cả đơn vị chuyển giao.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp có những công nghệ tiên tiến như vậy để lan tỏa hơn nữa các công nghệ đến các địa phương, đến người nông dân. Ở tầm vĩ mô, ông Lê Quốc Thanh khẳng định Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã có những chương trình hành động để xã hội hóa nhanh hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các đơn vị tham gia chuyển giao công nghệ... 

Nếu như năm 2018, mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha.

Đây là những kết quả rất đáng mừng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Các nhà quản lý, nhà khoa học, các địa phương đã đúc kết có 5 hiệu quả rõ rệt trong hợp tác với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ:

Một là đã chủ động cả đầu vào và nắm rất rõ đầu ra sản phẩm. Hai là hoạt động sản xuất bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên tự nhiên tối đa, nâng cao độ phì của đất và hệ sinh thái. Ba là hiệu quả, chênh lệch giá bán của sản phẩm giữa sản xuất bình thường và sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ luôn chênh nhau từ 7 - 10% (cây công nghiệp), từ 10 - 25% (cây ăn quả, rau màu và lúa), từ 15 - 20% (chăn nuôi hữu cơ)...

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.